01:07 02/01/2014

Nhớ Tết xưa

Mùa xuân đã đến gõ cửa từng nhà. Muôn hoa đua nhau khoe sắc thắm, ngàn cây căng tràn nhựa sống, người người hân hoan, rạng rỡ, nhà nhà đầm ấm, yên vui, phấn khởi chào đón một mùa xuân mới. Nhớ Tết xưa, nhớ những kỷ niệm đã trở thành hành trang...

Tôi sinh ra trong hoà bình, lớn lên khi đất nước đang bước vào công cuộc đổi mới, những cái cũ, lạc hậu dần được thay bằng cái mới, tiến bộ; cuộc sống vật chất thiếu thốn, khó khăn của một thời kỳ mang tên “bao cấp” đã lùi về quá khứ. Biết bao kỷ niệm ghi dấu ấn sâu sắc, tạo thành một dòng chảy nuôi dưỡng, nâng bước và chắp cánh tâm hồn tôi.


Đậm sâu nhất trong dòng ký ức đó là những cái Tết tôi đã đi qua.


Nhớ Tết xưa, nhớ sao những lần được theo mẹ đi chợ sắm Tết. Đôi mắt trẻ thơ háo hức ngắm nhìn chợ Tết tấp nập kẻ bán người mua. Nào bánh, mứt, kẹo, quần áo mới… với trăm ngàn màu sắc, mẫu mã hấp dẫn; nào quất cảnh, hoa đào, tranh Đông Hồ, câu đối đỏ, các loài hoa rực rỡ khoe sắc thắm; nào lá dong, gạo nếp, đỗ xanh… và rất nhiều hàng hoá không thể thiếu cho một cái Tết trong mỗi gia đình. Tết với tuổi thơ của tôi là được vui chơi, ăn ngon, ăn no, có bánh chưng xanh, được mặc quần áo mới; những ngày Tết dù có mắc lỗi cũng không bị người lớn đánh mắng.


Bận rộn nhất vẫn là ngày 30 Tết, mọi thành viên trong gia đình đều về đầy đủ, nhà nào cũng dọn dẹp, trang trí nhà cửa phong quang, sạch đẹp. Lũ trẻ con dậy sớm hơn thường ngày, chạy nhảy vòng quanh, háo hức xem mổ lợn. Sướng nhất là lúc được người lớn cho cái bong bóng lợn, đứa thì bảo luộc lên để chén, đứa lại bảo không được ăn, để thổi căng lên làm bóng đá chơi.

Thêm nữa, món bọn trẻ được ăn đầu tiên là đuôi lợn luộc, sao mà giòn, ngon và thơm đến thế. Ngày xưa là thế đấy, nên ông bà ta thường nói “đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”. Mổ lợn xong, người lớn bắt tay vào chế biến các món ăn và gói bánh chưng. Bọn trẻ thì quấn quýt bên cạnh vừa xem vừa đố nhau câu: “Nhà xanh lại đóng đố xanh/ Tra đỗ, giồng hành, thả lợn vào trong” - là cái gì?. Đêm 30 Tết, cả nhà quây quần bên bếp lửa hồng, nồi bánh chưng sôi sình sịch. Thích nhất là trẻ con trong nhà đứa nào cũng được gói riêng cho một chiếc bánh chưng nhỏ xíu, buồn ngủ díu cả mắt vẫn chờ bên bếp rồi ngủ gục trên vai bố mẹ lúc nào không hay. Bánh vừa vớt xong cũng là lúc giao thừa đến.


Giao thừa được coi là phút thiêng liêng nhất trong một năm. Đêm giao thừa ngập tràn tiếng pháo, mùi hương trầm thơm ngát tan vào trời đất, xua đi cái giá rét. Không khí đêm giao thừa trang nghiêm và ấm cúng làm sao. Năm nào ba mẹ tôi cũng mua vài bánh pháo tép - thứ mà lũ trẻ như tôi thời bấy giờ thích nhất - để đốt lúc giao thừa và sáng mùng một Tết. Thích thú làm sao khi được tự tay đốt và reo lên trong chuỗi âm thanh, ánh sáng rất đặc trưng của pháo tép. Giờ đây, cuộc sống ngày càng tiến bộ, văn minh, con người đã chắt lọc những nét đẹp trong phong tục để sản xuất ra các sản phẩm vừa đáp ứng được nhu cầu văn hoá tinh thần, vừa mang tính an toàn cho con người.


Quên sao được niềm hãnh diện của trẻ thơ mỗi khi được theo người lớn đi chúc Tết. Hàng xóm, có những người do va chạm, mâu thuẫn, cả năm không thèm ngó cửa nhà nhau, nhưng Tết đến họ vẫn đến nhà nhau và bỏ qua những hiểu lầm của năm cũ. Bọn trẻ con thì học lỏm và thuộc lòng những câu chúc Tết của người lớn, hớn hở nhận những phong bao lì xì mừng tuổi. Trẻ con chúng tôi không biết tiêu tiền như nhiều đứa trẻ bây giờ, tiền mừng tuổi của cả cái Tết cũng chỉ là những hào, xu lẻ, không đáng bao nhiêu nhưng đứa nào cũng thích, tất cả được đút hết vào lợn đất, chờ đến Tết năm sau “mổ” lợn, được bố mẹ thêm tiền mua cho quần áo mới.


Rồi biết bao kỷ niệm mà cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về lại sống dậy trong tiềm thức của tôi. Tôi lớn lên và hoà chung vào niềm vui trước sự chuyển mình của đất trời, sự ấm áp của lòng người, nhịp điệu phong phú của cuộc sống hiện đại. Mỗi mùa xuân đến, tôi càng cảm nhận được hạnh phúc bình dị trong cuộc đời một con người là có gia đình, được sống trong đùm bọc, yêu thương, để từ đó biết nghĩ và lo toan cho người khác. Nhưng tôi vẫn có một niềm day dứt, cảm thấy mình có lỗi khi không thể làm được những việc giống như trước đây ba mẹ tôi đã làm mỗi khi xuân về, Tết đến. Vẫn biết rằng không được phép đổ lỗi cho cuộc sống, công việc hàng ngày bận rộn, hối hả, bon chen, song có chăng do tôi vụng về, quá vô tâm khi tự cuốn mình vào những toan tính đời thường, bỏ qua những điều tưởng như nhỏ nhặt, giản đơn nhưng lại vô cùng ý nghĩa.


Vòng quay của thời gian đã trở thành quy luật bất biến. Cuộc sống ngày càng phát triển nhưng trong tiềm thức mỗi người Việt Nam, Tết thật thiêng liêng và gần gũi. Tết là sum vầy, đoàn viên, là dịp biểu lộ sâu sắc tình đồng loại, tinh thần nhân văn, sự giao lưu tình cảm, hoà hợp giữa con người với đồng loại, trong đó có cả người đang sống và người đã khuất. Theo tín ngưỡng tổ tiên của dân tộc Việt ta từ xa xưa, người xa quê, dù bất cứ lẽ gì, mỗi khi đông tàn, xuân tới lại bằng mọi cách tìm về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, nơi có ông bà, tổ tiên để được đoàn tụ, gặp mặt người thân, được thắp nén hương thơm cúng tổ tiên, tưởng nhớ đến người đã khuất. Thế mới hiểu tình cốt nhục, họ hàng, tình làng, nghĩa xóm thật sâu nặng, gắn bó biết bao.


Mùa xuân đã đến gõ cửa từng nhà. Muôn hoa đua nhau khoe sắc thắm, ngàn cây căng tràn nhựa sống, người người hân hoan, rạng rỡ, nhà nhà đầm ấm, yên vui, phấn khởi chào đón một mùa xuân mới. Nhớ Tết xưa, nhớ những kỷ niệm đã trở thành hành trang để thêm tin tưởng vào sự trường tồn, phát triển bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc.


Nhớ Tết xưa, để thêm yêu cuộc sống và biết trân trọng, nâng niu niềm hạnh phúc trong tay.


Hồng Thanh Tâm(Ban Chỉ đạo Tây Bắc)