12:15 03/12/2010

Nhớ Tết quê

Thời buổi kinh tế thị trường, người ta làm việc theo tác phong công nghiệp. Từ các lĩnh vực sản xuất, quản lý, điều hành, đâu đâu cũng thấy tính công nghiệp lấn át cái kiểu làm ăn dềnh dàng ngày trước.

Thời buổi kinh tế thị trường, người ta làm việc theo tác phong công nghiệp. Từ các lĩnh vực sản xuất, quản lý, điều hành, đâu đâu cũng thấy tính công nghiệp lấn át cái kiểu làm ăn dềnh dàng ngày trước. Mà đâu chỉ có thế,  tính công nghiệp đã trở thành nhịp điệu của cuộc sống hiện đại. Người ta tổ chức chăn nuôi công nghiệp, trồng trọt công nghiệp, ăn uống sinh hoạt công nghiệp, thậm chí đến công việc gia đình, tình cảm lứa đôi cũng bị nhịp sống công nghiệp chi phối. Trước kia, Tết đến người ta phải lo trước hàng tháng trời, nay thì việc chuẩn bị Tết đã rất đơn giản vì cái gì cũng có, và mua đâu cũng được. Thế nhưng, nhiều người vẫn hoài niệm về những cái Tết xưa. Tôi không phải thuộc loại người bảo thủ, nhưng mỗi bận Tết về, trong tâm khảm tôi vẫn hiện lên rành rõ những cái Tết của những tháng năm còn tuổi học trò. Cái thời mà thầy, u tôi phải bươn chải, tần tảo nuôi chúng tôi nên người.

Ảnh minh họa. Ảnh: BOP

Ngày ấy quê tôi còn nghèo lắm. Cả làng hầu như ăn một bữa. Mà đâu phải bữa cơm như bây giờ mà là bữa độn, theo kiểu một củ khoai  cõng mấy hạt cơm. Tết  đến người ta lo trước cả tháng trời. Người lớn lo việc lớn, trẻ con lo việc nhỏ. Tôi và anh trai sau giờ học vác búa, vác thuổng ra bờ tre đào gốc. Đào đến bật cả máu tay, đến gẫy cả cán thuổng.  Cái giống tre này làm được nhiều việc lắm. Thân thì làm đòn tay nhà, đan rổ, đan rá, chẻ lạt, làm tăm, làm gọng vó, thôi thì trăm thứ bà rằn. Cái gốc của nó cũng làm được khối việc: Rễ thì làm chổi quét lúa rụng, gốc thì làm đồ mỹ nghệ, làm củi luộc bánh chưng. Mà gốc tre khô  làm củi luộc bánh thì thật tuyệt. Cháy nỏ và đượm. Năm nào cũng vậy, hai anh em tôi phải hì hục đào gốc tre  trước Tết hàng tháng trời để tre kịp khô.

Làng tôi thuộc xã nghèo nhất trong huyện, huyện tôi lại nghèo nhất tỉnh, mà tỉnh tôi lại thuộc diện nghèo nhất nước. Nghèo đến thế, nhưng mỗi bận Tết về nhà nào cũng cố ky cóp, gói lấy một, hai thứ bánh để làm lễ cúng tổ tiên. Ngoài bánh chưng, người ta còn gói bánh gai, bánh lá, bánh nếp. Trẻ con quê tôi trong năm chắc chắn có mấy ngày chúng được ăn no, được ăn cơm không độn. Đó là các  ngày  giỗ và ngày Tết. Không biết tự bao giờ ở quê tôi đã lưu truyền câu ca “Trâu bò được ngày phá đỗ. Trẻ con được ngày giỗ ông”.

Cách Tết độ một tuần, u tôi bảo hai anh em đổ lúa nếp vào cối để xay. Sau khi sàng sẩy, cả ba u con cùng nhau đi giã gạo để chuẩn bị gói bánh. Bây giờ làm gạo toàn bằng máy, nên trẻ con không biết cha anh chúng đã làm gạo bằng gì. Đi thăm bảo tàng trông thấy cái cối xay lúa, cái cối giã gạo, con tôi không biết đó là cái gì. Nó là thứ phương tiện từ ngàn đời nay, làm ra hạt gạo để nuôi sống con người. Nó còn là thứ phương tiện giúp gia đình tôi sinh sống trong nhiều năm trời. Hồi ấy chưa có nhà máy xay xát, nên Nhà nước thuê nông dân làm gạo tạ. Thù lao là cám và tấm dùng cho chăn nuôi hoặc để cầm cự những lúc thóc cao gạo kém. Nhìn cái cối xay trong viện bảo tàng mà tôi thấy gai người. Khi đó mới hơn mười tuổi, tôi đã phải làm gạo tạ rồi. Cái cối xay lúa cao gần bằng người, mà vẫn phải giằng, phải kéo đến toát mồ hôi. Bụng thì đói, nhiều lúc muốn ngất đi.Thứ phương tiện này đã gắn bó và cũng hành hạ tôi cả một thời thơ ấu. Sau khi làm gạo xong, tôi và anh tôi đi lấy lá chuối khô, lá chuối tươi  để về gói bánh. Gánh lá về đến nhà thấy rốn bị ngứa, lật ra mới thấy có mò.Trời rét mà chúng tôi vẫn nhảy ào xuống sông tắm giặt vùng vẫy để chuẩn bị đón Tết.

Xẩm tối, cả nhà quây quần ngồi gói bánh. Tôi và anh tôi gói bánh chưng. Mẹ tôi và chị tôi gói bánh lá. Đến 8 giờ đêm chúng tôi chất bánh vào nồi để luộc. Cái nồi đồng này to lắm, nó chứa được khoảng vài chục chiếc bánh chưng cỡ bự. Thầy tôi bảo cái nồi này đã có từ lâu lắm rồi. Trước cả đời ông tôi. Nó được đúc từ năm Hiệp Hòa, Kiến Phúc gì ấy. Chính xác thì không ai biết. Tính đến nay dễ đến cả trăm năm rồi. Xếp bánh vào nồi xong, đổ nước, lấy nùn rơm quấn quanh miệng nồi, rồi lấy chiếc nồi mười chứa nước đặt lên nùn rơm làm vung. Chúng tôi nhóm bếp, lấy trấu vây chung quanh, chỉ một lúc gốc tre khô bắt lửa cháy đượm. Hai anh em lấy khoai lang ra nướng, lấy bi tự làm bằng đất sét bỏ vào bếp nung. U tôi lấy nước nóng của  chiếc nồi mười đặt trên nùn rơm để tắm. Chỉ sau vài tiếng khoai nướng đã dậy mùi, chúng tôi vừa bóc, vừa thổi, vừa ăn. Khoai lang cuối vụ ăn ngọt như mật. Chúng tôi tiếp tục ngồi luộc bánh. U tôi bảo, đã khuya rồi các con đi ngủ đi, hai anh em tôi không chịu cứ đòi ngồi luộc tiếp, nhưng chỉ được một lúc cả hai đều lăn quay ra ngủ. Ngủ ngay tại bếp, cạnh nồi luộc bánh cháy hồng than gốc tre. Lúc tỉnh dậy thì trời đã sáng. U tôi đã vớt bánh ra. Một chiếc bánh chưng vừa được bóc xong, hơi nóng còn bốc lên nghi ngút. Chúng tôi mỗi người nếm một miếng. Mùi nếp hương quyện với mùi lá dong, thịt lợn, hạt tiêu  bốc lên, vừa thơm, vừa ngậy, vừa ngon.

Đêm 30 Tết, u tôi treo bánh pháo tép ở dây phơi giữa sân. Tôi cầm bao diêm đánh lửa châm ngòi, rồi ù té chạy. Bánh pháo nhà tôi nổ giòn, bánh pháo nhà bác tôi cũng nổ. Cả xóm nhà nào cũng đốt pháo tạo thành một bản hòa tấu náo hoạt dữ dội đánh dấu phút cựa mình, chuyển đổi của thời gian. Đã nhiều năm người Việt đón Tết không có pháo. Lý giải việc này có nhiều cách, song riêng tôi, Tết đến không có pháo, tôi vẫn thấy như còn thiếu cái gì đó. Sáng mùng 1 Tết, u tôi gọi các con dậy sớm, xúng xính mặc quần áo mới để chuẩn bị sang quê ngoại chúc Tết. Gọi là quần áo mới chứ thực ra nó đâu có mới. Đó chỉ là quần áo của anh chị họ ở thành phố thải về, nhưng đối với chúng tôi,  lũ học trò quê hồi ấy, thế cũng là một tặng phẩm quí giá rồi.

Đã bao năm tôi không còn được đón Tết theo kiểu chân quê. Cuộc sống thị thành đã cuốn hút tôi theo cách sống của phố phường thời mở cửa. Giờ đây người ta không chỉ làm việc, sinh hoạt theo kiểu công nghiệp mà cả đón Tết cũng theo kiểu công nghiệp nữa. Nhưng với tôi, những kỷ niệm về những cái Tết năm xưa, những cái Tết trong khung cảnh đầm ấm gia đình vẫn không bao giờ nhạt nhòa trong ký ức tôi

Tản văn của Nguyễn Tiến Hóa