12:07 19/12/2013

Nhớ “Quán tự giác” một thời

Người bán, người ăn ở “Quán tự giác” đều tự trọng và văn minh biết bao. Bây giờ “Quán tự giác” như thế này không còn nữa nhưng vẻ đẹp của nó vẫn lắng đọng mãi trong tâm hồn những ai đã từng qua miền Tây Bắc.

Chuyến đi xa nhà đầu tiên trong đời tôi là vào năm 1962. Đứa trẻ ngây thơ tròn xoe mắt ngỡ ngàng trước bao điều mới lạ trên tuyến đường số 6 xuyên qua miền Tây Bắc điệp trùng núi non. Trí nhớ non nớt của tôi có thể đã quên đi nhiều thứ trong chuyến đi đó, nhưng không hiểu sao, đã bao nhiêu năm trôi qua, tôi còn nhớ như in những quán bán hàng tự giác bên đường mà xe thỉnh thoảng dừng lại nghỉ.


Tôi còn nhớ, mình đã bật cười khanh khách khi xe dừng lại ở một “Quán tự giác” bên đường: Một con sáo đen mỏ vàng trong lồng treo trong quán đã hót lên giai điệu bài Giải phóng Điện Biên, chào khách, sau đó nó hót: Hào năm quả, hào năm quả, khiến cho từ chú lái xe đến các cô đi công tác cùng xe với bố con tôi đều bật cười vui vẻ…


Tây Bắc bấy giờ đất rộng người thưa, giữa núi non bạt ngàn, xa ngái thỉnh thoảng mới có vài nhà sàn dựa vào vách núi hoặc một vài bản nhỏ nằm ven suối. Nhà neo người, tất cả đã đi nương. Chuối, xoài, na, mía nhà trồng được, không ăn hết, người dân đem bán cho khách qua đường nhưng không có người ngồi bán hàng. Trong các quán như thế, chủ yếu là hoa quả, đôi khi có cả vài cặp bánh nếp hoặc khoai sắn luộc. Chủ nhà còn để sẵn một con dao nhỏ, một cái bát sắt và một tích nước hãm củ khúc khắc, nước đỏ hồng, khách uống thỏa thích.


Tôi thấy mọi người đều uống nước, ăn chuối, ăn na, gọt xoài, ăn bánh rồi trả tiền vào chiếc ớp nhỏ đan bằng tre treo ở vách quán. Tôi cũng ăn liền mấy quả và thấy chuối, na sao thơm ngọt lạ lùng.


Trên những nẻo đường Tây Bắc bốn mùa xanh tươi, có biết bao “Quán tự giác” mộc mạc, hiền lành đáng yêu như vậy. Vài chiếc cột tre, vài tấm tranh lợp sơ sài, chõng tre bầy bánh, chuối, nước, vài khúc gỗ cưa bằng làm ghế… Chỉ thế thôi nhưng đã là điểm dừng chân tin cậy, là cả một tấm lòng chất phác, chân thực, đôn hậu của người dân nơi đây, làm ấm lòng những hành khách đường trường khiến người ta nhớ mãi…


Cũng ở nơi này, tôi thấy nhiều nhà không khóa cửa, chỉ rấp rào tre ở cổng ngăn trâu bò vào phá. Dọc theo dòng suối nhỏ hàng chục cối giã gạo bằng sức nước nhịp nhàng giã trông thật vui mắt… Niềm tin của họ vào con người thật tuyệt vời trong sáng. Có lẽ vì thế mà ai ăn bao nhiêu cũng đều tự giác bỏ số tiền tương ứng vào ớp, thậm chí đôi khi, người mua trả tiền vào ớp có dư chút tiền lẻ cũng chẳng băn khoăn. Người bán, người ăn ở “Quán tự giác” đều tự trọng và văn minh biết bao. Bây giờ “Quán tự giác” như thế này không còn nữa nhưng vẻ đẹp của nó vẫn lắng đọng mãi trong tâm hồn những ai đã từng qua miền Tây Bắc.


Dương Hiền Nga