12:14 16/12/2010

NHNN: Yêu cầu giảm lãi suất xuống 14%?

Sau khi các ngân hàng thương mại cam kết đồng thuận giảm lãi suất huy động xuống 14%/năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đã ban hành văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại nghiêm túc chấp hành đồng thuận trên.

Sau khi các ngân hàng thương mại cam kết đồng thuận giảm lãi suất huy động xuống 14%/năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đã ban hành văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại nghiêm túc chấp hành đồng thuận trên. Đây được coi là hành động cứng rắn của NHNN nhằm ngăn chặn cuộc đua lãi suất huy động diễn ra trong thời gian qua.

Đồng thuận giảm lãi suất

Hôm qua (15/12), các ngân hàng thương mại đã ấn định lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam bao gồm cả các khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức không vượt quá 14%/năm.

Theo đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã hạ lãi suất huy động xuống 14%/năm đối với kỳ hạn 1 và 2 tháng, 13,75% cho kỳ hạn từ 3 - 6 tháng, 12% cho kỳ hạn từ 7 - 12 tháng.

Ngân hàng Liên Việt cũng thông báo giữ mức lãi suất huy động 14%/năm đối với kỳ hạn 1 - 3 tháng và 6 tháng, 12 tháng. Các kỳ hạn 4 tháng, 5 tháng là 13,2%/năm, kỳ hạn 9 tháng là 12,5%/năm. Các ngân hàng khác cũng đồng loạt giảm lãi suất huy động xuống dưới mức 14%/năm.

Theo ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), việc đồng thuận hạ lãi suất huy động xuống không quá 14%/năm là việc làm phù hợp, giúp các ngân hàng tránh khỏi cuộc đua lãi suất căng thẳng, gây mất an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Hoạt động kho quỹ tại Hội sở Ngân hàng Thương mại cổ phần Nhà Hà Nội (Habubank). Ảnh: Trần Việt - TTXVN


"Trước đây, khi các ngân hàng được tự do huy động vốn, nhiều ngân hàng nhỏ vì ít vốn đã đẩy mặt bằng lãi suất lên quá cao, khiến nhiều ngân hàng lớn cũng phải tăng lãi suất huy động theo. Do đó, tạo ra cuộc đua lãi suất không có hồi kết, khách hàng chạy từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, khiến chi phí vốn của các ngân hàng tăng cao đồng thời làm hệ thống ngân hàng trở nên khó kiểm soát", ông Toại nói.

Cùng chung quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng Liên Việt cho biết: Với kết quả lạm phát 11 tháng năm 2010 là 9,58%/năm, việc quy định mức huy động tối đa 14%/năm là phù hợp với thị trường. Lãi suất cao có hại trước hết cho doanh nghiệp và khách hàng, sau đó là có hại cho nền kinh tế và chính các ngân hàng thương mại vì “lãi giả, lỗ thật”... khi khách hàng không có khả năng trả nợ do lãi suất cao.

Ngân hàng Nhà nước mạnh tay

Để các ngân hàng chấp hành nghiêm túc việc đồng thuận hạ lãi suất huy động không vượt quá 14%/năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu đã ban hành Văn bản số 9779/NHNN - CSTT yêu cầu các tổ chức tín dụng và các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai ngay một số công việc liên quan đến lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam (lãi suất tiền gửi, lãi suất giấy tờ có giá...) của các tổ chức (trừ tổ chức tín dụng) và cá nhân, bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức không vượt quá 14%/năm. Mức lãi suất huy động vốn tối đa này được thực hiện kể từ ngày 15/12/2010 và điều chỉnh giảm phù hợp với tình hình lạm phát và cung - cầu vốn thị trường; đồng thời, niêm yết công khai lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam tại các địa điểm huy động vốn (hội sở chính, sở giao dịch, chi nhánh, phòng giao dịch, quỹ tiết kiệm...) theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bên cạnh đó, công văn cũng yêu cầu các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố phải thực hiện kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng (chi nhánh) trên địa bàn về mức lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam theo nội dung trên; áp dụng ngay các biện pháp theo thẩm quyền để xử lý đối với tổ chức tín dụng (chi nhánh) vi phạm quy định về mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam, đồng thời báo cáo kịp thời việc xử lý về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

H.V - TTN