12:11 16/12/2010

Nhìn về làng

Làng Việt Nam từ muôn đời nay luôn gắn với cây đa, bến nước, con đò, cổng làng, lũy tre, những con đường nho nhỏ quanh co, những cánh đồng lúa vàng ruộm nắng và mái đình, giếng nước.

Làng Việt Nam từ muôn đời nay luôn gắn với cây đa, bến nước, con đò, cổng làng, lũy tre, những con đường nho nhỏ quanh co, những cánh đồng lúa vàng ruộm nắng và mái đình, giếng nước. Môi trường sống đó làm cho con người luôn gắn bó và hòa hợp với thiên nhiên – một thiên nhiên nên thơ và môi trường thân thiện đã tạo nên một không gian văn hóa rất đặc trưng của dân tộc “tình làng nghĩa xóm, tắt lửa tối đèn có nhau…”.

Làng không chỉ là cái nôi nuôi dưỡng, bảo tồn những giá trị văn hóa mà còn là “chiến địa” giữ nhà, giữ nước trong suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta; cũng là nơi đời nọ truyền đời kia “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để mưu sinh và góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Làng từ bao đời nay là nơi sinh ra những nhân tài đất Việt. Cũng là chốn thiêng trong trái tim của người xa quê.

Nhưng ngày nay làng đã và đang có những biến đổi sâu sắc về cảnh quan và môi trường, những nét cổ kính truyền thống ngày càng mai một. Làng đã, đang và sẽ bị bê tông hóa hoàn toàn và đang tự làm mất đi màu xanh của mình. Những bờ tre, giậu duối đã bị thay thế bằng những bức tường xây, ao hồ bị san lấp làm đất ở, hình thành một diện mạo mới với những căn nhà bám sát mặt đường chính, xưa gọi là đường cái, nơi mà trước đây là một hệ thống ao hồ liền kề và thông nhau.


Cây đa cổ thụ tại làng cổ Đường Lâm-Sơn Tây-Hà Nội-Ảnh internet


Làng đã không còn ao, lại thêm một bộ phận dân cư bám sát mặt đường, mở tiệm bán tạp hóa, thực phẩm, cắt tóc và các dịch vụ khác khiến cho làng dường như có nét của phố thị. Theo đó, giá đất mặt tiền đường làng cũng tăng lên; nhiều địa phương đã lấy “vốn” từ quĩ đất san lấp ao hồ này để đầu tư phát triển hạ tầng với các công trình điện, đường, trường…

Một hạ tầng mới thay thế cho hạ tầng truyền thống xem ra rất tiện lợi nhưng sau một vài năm dân làng mới thấy hậu quả của việc lấp ao hồ và “phố hóa” đường làng. Cụ thể là, sau mỗi trận mưa “lối thoát duy nhất” của nước là tràn ra đường, mang theo đầy đủ các chất thải từ chăn nuôi, từ con người, làm mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường trầm trọng. Tiếp theo là nhiệt độ trong những ngày hè tăng lên rõ rệt, cả làng như một trại mới lập, trơ ra những bức tường bê tông, những căn nhà mái bằng với cổng sắt trước cửa; lúc đó nhiều người mới thấy tiếc những bờ tre, bụi duối quê kiểng ngày xưa. Khi dân làng ý thức được các hậu quả của việc san lấp ao hồ cũng là lúc nguồn lợi thủy sản không còn, con cua, con ốc thành đặc sản ngay giữa làng quê.

Sự mất mát ấy của làng sẽ không có cách gì bù đắp được vì nhà đã xây, đường đã mở, ao làng không thể đào lại, giếng làng vĩnh viễn đi vào ký ức, những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi cũng dần biến mất vì không thể nào trụ được với bê tông. Tuy nhiên, không phải tất cả ao làng đã bị san lấp hết mà nhiều nơi ao làng vẫn còn là quĩ đất tiềm năng làm “vốn” cho những kế hoạch phát triển hạ tầng.


Vậy nên, những ao làng còn sót lại các địa phương cần phải giữ lại như là bảo tồn một giá trị văn hóa, chiếc nôi nuôi dưỡng “mạch sống” và làm sạch môi trường của làng. Đồng thời, cũng cần phải dành quĩ đất thích hợp để trồng cây lâu năm, khôi phục lại màu xanh cho đường làng và những nơi công cộng của làng.

Nguyễn Quang Vinh