12:22 21/12/2017

Nhìn từ thương vụ Sabeco

Bộ Công thương đã tổ chức phiên chào bán cạnh tranh thành công đối với hơn 343 triệu cổ phần của Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Khoảng 51% cổ phiếu của Sabeco được bán, Nhà nước thu về gần 5 tỷ USD là một thành công lớn. Nhà đầu tư tham gia và đã trúng giá theo đúng quy định và chủ trương của Chính phủ đó là đảm bảo công khai, minh bạch và bán được tối đa lượng cổ phần chào bán.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nếu so sánh với khoản tiền nộp ngân sách của Sabeco năm 2016 là 9.400 tỷ đồng, thì khoản tiền thu được chỉ tương đương với khoảng hơn “10 năm nộp ngân sách”. Nếu chúng ta không vội lấy tiền, bán ít cổ phần lại để không mất quyền kiểm soát của Sabeco và dùng một phần số tiền thu được ấy để tái đầu tư, phát triển thương hiệu Sabeco, có thể chúng ta sẽ thu được nhiều hơn khoản 5 tỷ USD trong những năm tới.


Chẳng hạn, nếu số cổ phiếu bán đi không phải là trên 51% mà chỉ là 49%, để không mất quyền kiểm soát Sabeco, thì mức giá có thể không cao được như mong muốn, nhưng sẽ là một giải pháp an toàn hơn cho doanh nghiệp trong nước cũng như việc bảo vệ các thương hiệu lớn của quốc gia. Để mất quyền kiểm soát một thương hiệu bia được hình thành từ năm 1875, đang chiếm hơn 40% thị phần trong nước, chưa kể thị phần quốc tế, hẳn là một điều gây tiếc nuối.


Chủ trương thoái vốn ở những ngành kinh doanh không phải là chiến lược quốc gia là một chủ trương đúng. Hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) cũng là bình thường trong nền kinh tế thị trường, qua đó các doanh nghiệp nói riêng và từng lĩnh vực kinh doanh phát huy lợi thế về quản lý, công nghệ, mạng lưới phân phối. Nhưng quá trình thực hiện cần có phương án thận trọng, có lộ trình, tránh để những thương hiệu lớn của quốc gia rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài, lại là những đối thủ cạnh tranh lớn của doanh nghiệp nội địa trong bối cảnh đa phần còn “non trẻ” như hiện nay.


Không chỉ vậy, thị phần trong nước đang dần bị thâu tóm một cách có chủ đích từ rất sớm của các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi doanh nghiệp trong nước cũng như chiến lược quốc gia vẫn chưa đề ra được giải pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn làn sóng này. Sau những thương vụ buôn bán tưởng chừng như rất được giá với các doanh nghiệp nước ngoài là những khó khăn chồng chất lên doanh nghiệp trong nước. Thị phần bán lẻ bị thu hẹp, hàng Thái, hàng Nhật, hàng Trung Quốc, Hàn Quốc... tràn ngập từ siêu thị cho đến các hội chợ ngoài công viên, đường phố.


Thực tế này đòi hỏi việc thoái vốn ở những doanh nghiệp Nhà nước cần phải có lộ trình, có chiến lược, có phương án đảm bảo an toàn. Chúng ta không thể ngăn cản doanh nghiệp nước ngoài tham gia mua cổ phần, thâu tóm các doanh nghiệp mạnh trong nước, nhưng quá trình bán cổ phần cần được thực hiện thận trọng, để mọi nhà đầu tư trong và ngoài nước có cơ hội như nhau. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cũng cần xây dựng tiềm lực về vốn, nâng cao trình độ quản lý, cải tiến công nghệ để tránh bị rơi vào khó khăn khi đối thủ mạnh vào tận nhà và chiếm lĩnh những “lợi thế chiến lược”.

Lê Hiền