11:17 07/11/2019

Nhìn nhận lại chủ nghĩa tư bản châu Á bằng cách tiếp cận đa ngành

Trong hai ngày 7-8/11, tại TP Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại (IRASEC, Băng Cốc, Thái Lan) và Trường Đại học Mở TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc tế “Đánh giá lại chủ nghĩa tư bản và xã hội châu Á trong thế kỷ XXI: Tổng quan so sánh các thành tựu của Việt Nam sau 30 năm Đổi mới và những thách thức phía trước”.

Hội thảo đã thu hút hơn 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu từ Pháp, Bỉ, Ba Lan, Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Canada… tham dự.

Chú thích ảnh
Diễn giả quốc tế trao đổi tại hội thảo.

Theo bà Trần Thị Liên Claire, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại, hội thảo được tổ chức nhằm mục tiêu nêu bật những nét đặc trưng của con đường quá độ ở châu Á, đồng thời nhận diện được những thách thức chính mà Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong khu vực đang gặp phải. Những thập niên tới đây, các quốc gia châu Á sẽ phải đối mặt với những thách thức mới và những đòi hỏi quy mô lớn về nền tảng môi trường, địa chính trị, kinh tế - xã hội. Từ đó, hội thảo cũng được xác định tìm kiếm cách giải quyết các thách thức nêu trên.

Các đại biểu cho rằng để có những quyết định đúng đắn nhất cho tương lai, điều quan trọng là phải chú trọng xem xét những gì cho đến nay đã đạt được và cân nhắc những vấn đề tương lai từ góc nhìn mang tính so sánh, tính khu vực. Năm 2019, Việt Nam đã phát triển hơn bao giờ hết về hợp tác đa phương mang tính chiến lược về kinh tế, chính trị trong bối cảnh mất ổn định trên thế giới hiện nay. Thông qua kinh nghiệm Đổi mới của Việt Nam, cần phải nhìn nhận lại chủ nghĩa tư bản châu Á bằng cách tiếp cận đa ngành.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, nhấn mạnh: Từ năm 1986, Việt Nam đã tiến hành quá trình chuyển đổi sâu rộng từ một nền kinh tế kế hoạch hóa sang một nền kinh tế mang tính toàn cầu hóa và trên cơ sở thị trường. Hội nhập vào kinh tế toàn cầu đã trở thành động lực then chốt đối với những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật của Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới trong phát triển với mục tiêu trở thành một nền kinh tế công nghiệp và hiện đại. Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng cách đáng kể trong việc đổi mới năng lực để đáp ứng yêu cầu của một nền kinh tế hiện đại; tăng cường hội nhập quốc tế nhằm giải quyết những thách thức của đất nước cũng như của khu vực và toàn cầu.

Chú thích ảnh
Các diễn giả quốc tế trao đổi tại hội thảo. 

Dẫn chứng những kết quả nổi bật của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là năm 2018, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng cao nhất (gần 7%) kể từ năm 2011, các nhà nghiên cứu quốc tế đánh giá: Được khích lệ bởi chính sách tự do hóa nhanh chóng, tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế đã giúp Việt Nam đối phó được với hàng loạt cú sốc trong, ngoài nước như những bất ổn kinh tế vĩ mô, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 1997 ở Đông Á, cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008. Sức sống của nền kinh tế Việt Nam mở ra những viễn cảnh mới và cho phép đất nước này đóng góp vai trò quyết định, ngày càng quan trọng trong khu vực.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi về các chủ đề chính gồm: Việt Nam từ hôm qua đến hôm nay - một triển vọng khu vực và nghiên cứu so sánh sự chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; những biến chuyển của xã hội Việt Nam trong quá trình mở cửa ra thế giới; Việt Nam trên bản đồ thế giới: từ khối xã hội chủ nghĩa đến thế giới toàn cầu hóa.

Chủ đề Việt Nam và các thách thức của thế kỷ XXI trong một thế giới toàn cầu hóa đã đề cập đến các vấn đề: các thách thức khu vực như cấu trúc mới tại Đông Á và Đông Nam Á, xung đột hàng hải và căng thẳng địa chính trị, cơ chế quản trị đa phương; các thách thức xã hội như biến chuyển xã hội và văn hóa, nguy cơ mắc bẫy thu nhập trung bình (bất bình đẳng thu nhập, bất bình đẳng giới); các thách thức môi trường như biến đổi khí hậu (di cư, tính tổn thương, tính cạnh tranh), tăng trưởng xanh (thay đổi công nghệ, năng lượng tái tạo).

Tin, ảnh: A.Tuấn (TTXVN)