05:06 23/05/2014

Nhìn lại thảm họa lốc xoáy Ohio, Mỹ

Lốc xoáy là một hiện tượng khí tượng rất nguy hiểm vì nó gần như không dự báo được. Cách đây 40 năm, một thảm họa lốc xoáy tồi tệ đã xảy ra từ phía bắc bang Alabama đến bang Ohio của Mỹ, gây thương vong cho hàng ngàn người và phá hủy một vùng rộng lớn cơ sở hạ tầng nơi nó đi qua.

Lốc xoáy là một hiện tượng khí tượng rất nguy hiểm vì nó gần như không dự báo được. Cách đây 40 năm, vào ngày 3/4/1974, một thảm họa lốc xoáy tồi tệ đã xảy ra trên diện rộng từ phía bắc bang Alabama đến bang Ohio của Mỹ, gây thương vong cho hàng ngàn người và phá hủy một vùng rộng lớn cơ sở hạ tầng nơi nó đi qua.

Cơn lốc xoáy gần thành phố Bridgetown, phía tây Cincinnati, Ohio.

Lốc xoáy là hiện tượng một luồng không khí xoáy tròn mở rộng ra từ một đám mây dông nối dài xuống tới mặt đất. Nó thường được phát triển từ một ổ dông rất mạnh hay siêu mạnh, nên ở đâu có dông dữ dội là ở đó có thể có lốc xoáy.


Nguồn gốc hình thành lốc xoáy là nơi vùng khí hậu có luồng khí nóng đi lên và luồng khí lạnh đi xuống. Khi không khí ở lớp bên trên lạnh - đè lên lớp không khí nóng ở phía dưới, sẽ cưỡng bức luồng khí nóng chuyển động mạnh từ dưới lên và xoay tròn trong không trung. Tiếp đó là sự phát triển của dòng khí lạnh di chuyển theo hướng từ trên xuống với vận tốc có thể lên tới 160 km/giờ, hình thành nên lốc xoáy.


Lốc xoáy có thể xảy ra ở bất cứ nước nào, nhưng Mỹ là quốc gia hứng chịu nhiều lốc xoáy nhất thế giới, chiếm khoảng 75%. Hằng năm, có khoảng hơn 800 cơn lốc xoáy lớn, nhỏ xảy ra trên nước Mỹ, làm chết ít nhất hàng chục người. Vùng Nebraska, South Dakota, Oklahoma, Texas và Kansas được gọi là “hành lang lốc xoáy” vì nó là trục các tiểu bang ở Mỹ có số trận lốc xoáy hình thành nhiều nhất vào thời điểm cuối mùa xuân, đầu mùa hè.

 

Trường trung học Xenia ở Ohio tan hoang sau lốc xoáy.


Một thảm họa lốc xoáy đáng nhớ ở Mỹ xảy ra vào 14 giờ (giờ địa phương) ngày 3 và kéo dài đến rạng sáng ngày 4/4/1974, trong một khu vực rộng lớn trải dài hơn 2.500 dặm từ bắc Alabama đến bang Ohio. Nó là tập hợp của 148 lốc xoáy lớn, nhỏ, di chuyển với tốc độ rất nhanh. Những vùng mây xoáy khổng lồ trên bầu trời xám xịt vươn những chiếc vòi dài ngoằn ngoèo xuống mặt đất, phá hủy mọi thứ trên đường nó đi qua, giết chết 330 người và làm bị thương hơn 5.000 người.


Một ngày trước khi thảm họa tồi tệ xảy ra, các đài khí tượng đã cảnh báo về hiện tượng thời tiết cực đoan ở khu vực thung lũng Mississippi, nhưng chưa dự báo được mức độ và phạm vi di chuyển của vùng mây dông. Dự báo quốc gia của Mỹ chỉ có thể đưa ra cảnh báo lốc xoáy 16 phút trước khi nó xảy ra. Tuy nhiên, căn cứ vào ảnh chụp từ vệ tinh, văn phòng thời tiết quốc gia đã ban hành khoảng 150 cảnh báo về nguy cơ lốc xoáy trên tới người dân để kịp thời ứng phó. Các thông tin về những nơi lốc xoáy càn quét nhiều nhất cũng liên tục được cập nhật.


Cấp độ của lốc xoáy được xác định dựa trên việc đo tác hại của nó đối với các công trình nhân tạo, với mức độ tăng dần từ F0 đến F5. Trong thảm họa lốc xoáy này, hơn một nửa trong tổng số có độ mạnh từ cấp F2 trở lên. Các vùng: Alabama, Kentucky, Indiana và Ohio hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi tập trung các trận lốc mạnh cấp F4 và F5 - 2 cấp cao nhất trong hệ đo cấp độ của lốc xoáy. Với cấp F4 và F5, tốc độ của gió xoáy có thể lên tới 333 cho đến 420 km/giờ.

 

Đường đi của lốc xoáy.


Sau khi “bầy quỷ dữ” đi qua, nhiều thành phố, thị trấn ở các bang miền Trung và Bắc Mỹ ngổn ngang trong đống đổ nát. Nhà cửa chỉ còn là đống gạch vụn. Cây cối, cột điện đổ rạp, xe cộ như bị xoắn lại và nằm lăn lóc trên khắp các đường phố.


Lý giải về sự hình thành số lượng lớn các lốc xoáy trên, các nhà khí tượng học chỉ ra rằng, khi không khí ấm và ẩm thổi vào từ vịnh Mexico gặp không khí khô và lạnh từ dãy núi Rocky khổng lồ bị bao bọc trong những khối không khí ở phía đông, đã tạo điều kiện hình thành những đám mây dông tích điện lớn. Trên một vùng rộng trải dài từ Alabama tới Ohio, nhiều đám mây dông lớn hình thành trong nhiều giờ, xoáy tròn trong các vùng có đường kính từ 10 đến 16 km đã sinh ra vô số những “ống hút” khổng lồ.


Ngày nay, những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trên trái đất là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, trong đó có lốc xoáy. Số liệu ghi lại được cho thấy, trong những năm xuất hiện La Nina (tức là nước ở khu vực xích đạo trên Thái Bình Dương lạnh hơn bình thường), thì lốc xoáy xuất hiện trên đất liền nhiều hơn, với cường độ mạnh hơn.


Mặc dù con người chưa đủ sức để chế ngự các diễn biến bất thường của thiên nhiên, nhưng việc hạn chế những tác nhân chủ quan do chính mình gây ra là hoàn toàn có thể. Ngoài những nỗ lực của các quốc gia, chính phủ, thì nỗ lực của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng trong hành động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng.

 

TL