04:15 21/04/2020

Nhìn lại hơn 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ - Bài cuối: Cần một khung pháp lý đủ mạnh

Những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông thời gian qua có nguyên nhân căn bản là do quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với tình hình giao thông hiện nay.

Xây dựng một khung pháp lý đủ mạnh để điều chỉnh về vấn đề này là vấn đề đang đặt ra. Để giải quyết tận gốc vấn đề, theo Bộ Công an, cần có sự tách bạch giữa vấn đề về bảo đảm an ninh, trật tự an toàn giao thông đường bộ và vấn đề về xây dựng, phát triển, kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ.

Xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ

Chú thích ảnh
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra xe chở khách hoạt động bất chấp Chỉ thị 16/CT-TTg. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Tại Hội nghị đánh giá tác động xã hội, tác động giới của chính sách trong đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và điều chỉnh chương trình năm 2020 do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức vừa qua, Bộ Công an cho biết, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tuy đã có quy định về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông nhưng chưa quy định cụ thể về công tác giải quyết tai nạn giao thông đường bộ. Công tác giải quyết tại nạn giao thông đường bộ nếu được quy định đầy đủ, rõ ràng sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra.

Ba phương án được Bộ này đưa ra, đó là giữ nguyên hiện trạng; điều chỉnh quy định về chính sách trong nghị định của Chính phủ hoặc thông tư của Bộ trưởng để bảo đảm điều chỉnh kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn; ban hành mới Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đánh giá về phương án giữ nguyên hiện trạng, Bộ Công an cho rằng, tai nạn giao thông nếu không được giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Bên cạnh đó, việc giải quyết hậu quả vụ tai nạn giao thông liên quan đến thẩm quyền và trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan như Công an, Y tế, Bảo hiểm, UBND địa phương nơi xảy ra tai nạn, trong khi luật hiện hành và các văn bản dưới luật chưa quy định cơ chế giải quyết vụ tai nạn giao thông một cách rõ ràng, đồng bộ, gây nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các bên có liên quan trong vụ tai nạn.

Đối với phương án điều chỉnh quy định về chính sách trong nghị định của Chính phủ hoặc thông tư của Bộ trưởng để bảo đảm điều chỉnh kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phương án này phát sinh chi phí để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhiều văn bản dưới luật để tổ chức thực hiện. Việc giải quyết tai nạn giao thông nếu chỉ căn cứ vào các văn bản dưới luật như hiện nay sẽ gặp nhiều vướng mắc, thiếu thống nhất với các đạo luật như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Do đó, việc giải quyết của cơ quan chức năng gặp khó khăn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Do vậy, phương án tối ưu là xây dựng Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ để điều chỉnh chuyên sâu các nội dung về trật tự an toàn giao thông đường bộ, tách bạch với lĩnh vực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý hoạt động vận tải đường bộ, tạo ra một hành lang pháp lý đủ mạnh để giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra, bảo đảm cả hai lĩnh vực quản lý nhà nước được thực hiện hiệu lực, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn.

Luật hóa đầy đủ các quy định về trật tự an toàn giao thông

Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông sẽ luật hóa đầy đủ và có hệ thống các quy định về trật tự an toàn giao thông; ưu tiên ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ hiện đại trong giám sát, chỉ huy, điều hành giao thông, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm; xác định rõ cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính và cơ quan có trách nhiệm phối hợp để bảo đảm hiệu quả, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót các nhiệm vụ quản lý.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho biết, dự luật bổ sung nội dung trích xuất dữ liệu từ các thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện, các camera giám sát giao thông và hình ảnh thu thập được từ các nguồn khác; áp dụng các phương tiện thiết bị kỹ thuật hiện đại để xem xét quy trình thao tác, điều khiển phương tiện tham gia giao thông, xác định nồng độ cồn, ma túy và chất kích thích khác đối với người điều khiển phương tiện giao thông để giải quyết tai nạn giao thông một cách khách quan, chính xác.

Dự luật quy định cụ thể về hệ thống báo hiệu, quy tắc giao thông đường bộ. Đặc biệt, nhằm khắc phục kẽ hở trong công tác quản lý, nâng cao trình độ, kỹ năng, đạo đức lái xe, gắn trách nhiệm của chủ phương tiện đối với việc đảm bảo an toàn kỹ thuật của phương tiện, luật quy định về cụ thể về trách nhiệm của chủ phương tiện và người lái xe trong việc bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện để đảm bảo duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện; điều kiện của người lái xe tham gia giao thông; giấy phép lái xe; tuổi, sức khỏe của người lái xe; đào tạo lái xe; sát hạch để cấp giấy phép lái xe…

Khắc phục tồn tại của Luật Giao thông đường bộ, không xác định được bộ, ngành nào chịu trách nhiệm chính trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, dự luật đề cập đến phân công trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công an, Bộ Giao thôngVvận tải, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn một cách rõ ràng, rành mạch, đúng quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước, trong đó xác định Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Việc phân công cụ thể, rõ ràng, đúng chức năng, nhiệm vụ sẽ nâng cao trách nhiệm và phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng bộ, ngành, địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ, góp phần quan trọng làm chuyển biến tình hình trật tự an toàn giao thông, kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.

Không tăng biên chế, tổ chức bộ máy

Chú thích ảnh
Kíp trực cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ xử lý vi phạm qua hệ thống camera tại Trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo Bộ Công an, hiện nay, lực lượng Công an đã được tổ chức ở 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã. Do đó, việc phân công, phân cấp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông rất thuận lợi, các chính sách được triển khai đến cơ sở và ngay tại cơ sở theo hệ thống ngành dọc thống nhất, thông suốt. Khi chính sách pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ có sự thay đổi, ngành tiến hành đào tạo, tập huấn và sắp xếp, bố trí số cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân đang làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tổng số biên chế hiện có, đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác và đảm bảo không tăng biên chế, tổ chức bộ máy. Đối với các bộ, ngành khác được phân công một số nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ, khi ban hành Luật này, nguồn lực vẫn được sử dụng trong tổng số biên chế hiện có, trên cơ sở sắp xếp, bố trí, đào tạo, tập huấn số cán bộ, công chức, viên chức trong tổ chức bộ máy của mình, đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác, không phát sinh thêm biên chế mới.

Xu hướng hiện nay là đẩy mạnh xã hội hóa một số dịch vụ (như kiểm định xe cơ giới, đào tạo lái xe), theo đó, Nhà nước chủ yếu tập trung quản lý việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quản lý quá trình chấp hành pháp luật của người lái xe sau khi được cấp giấy phép và quản lý các điều kiện đảm bảo an toàn của phương tiện khi tham gia giao thông, không can thiệp sâu vào hoạt động đào tạo lái xe, kiểm định an toàn kỹ thuật, do đó sẽ giảm chi phí từ ngân sách nhà nước và không tăng biên chế, tổ chức bộ máy.

Khi Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ được ban hành sẽ đủ mạnh để kiểm soát tình hình, tác động đến công tác quản lý Nhà nước tốt hơn, đảm bảo hành lang pháp lý cho các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ hiệu lực, hiệu quả hơn. Đồng thời, luật góp phần nâng cao chất lượng của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông để làm giảm vi phạm, tai nạn và ùn tắc giao thông, góp phần tạo chuyển biến căn bản về ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hình thành văn hóa giao thông văn minh, tiệm cận với nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới.

Chu Thanh Vân (TTXVN)