06:10 19/06/2019

Nhìn lại cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản trong thập niên 80-90

Nếu lịch sử là một tấm gương cho tương lai thì nét tương đồng giữa cuộc đối đầu khó kiểm soát giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay và chiến tranh thương mại Mỹ-Nhật Bản trong thập niên 80-90 là điều đáng suy ngẫm.

Chú thích ảnh
Trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Nhật Bản, Toshiba trở thành đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đánh giá vẫn có khác biệt giữa hai sự kiện dẫn tới khả năng kéo theo kết quả không giống nhau.

Căng thẳng kinh tế Mỹ-Nhật Bản bắt nguồn từ lĩnh vực dệt may trong thập niên 50 của thế kỷ trước, sau đó là thép và sợi tổng hợp trong những năm 60 rồi leo thang từ thập niên 70 đến 90 với ti vi màu, ô tô và chất bán dẫn.

Nhận được hỗ trợ từ chính phủ, ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn của Nhật Bản đã vượt qua Mỹ và trong những năm đầu thập niên 80 “đất nước Mặt Trời mọc” giữ vị thế là nhà cung cấp chip điện tử hàng đầu thế giới. Tình trạng này khiến Mỹ không hài lòng vì lo ngại về rủi ro an ninh quốc gia và mất cạnh tranh trong công nghệ then chốt.

Khi đó chính quyền Tổng thống Ronald Reagan coi Nhật Bản là mối đe dọa kinh tế hàng đầu của Mỹ. Washington cáo buộc Tokyo áp dụng chính sách bảo hộ công nghiệp, trộm cắp tài sản sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ và đưa ồ ạt các sản phẩm vào thị trường Mỹ.

Mỹ trừng phạt các công ty Nhật Bản mà Washington nghi ngờ đã đánh cắp công nghệ và bán những loại vũ khí nhạy cảm đến Liên Xô. Điều này buộc Nhật Bản phải ký thỏa thuận chia sẻ công nghệ chất bán dẫn đồng thời gia tăng mua sản phẩm chất bán dẫn của Mỹ.

Năm 1982, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc các lãnh đạo tập đoàn Nhật Bản Hitachi âm mưu trộm thông tin về máy tính của IBM (Mỹ) và đem về Nhật Bản. Bên cạnh đó, IBM cũng kiện cả Hitachi. Hai công ty giải quyết vấn đề tại tòa án và Hitachi đã trả 10 tỷ yên (92,2 triệu USD) tiền bản quyền cho IBM trong năm 1983.

Nhà sản xuất điện tử Toshiba và công ty Kongsberg Vaapenfabrikk (Na Uy) còn bí mật bán các máy móc tàu ngầm cho Liên Xô từ năm 1982 đến 1984. Thông tin này mãi đến năm 1986 mới được tiết lộ. Mỹ sau đó vào năm 1987 ban hành lệnh cấm trong 3 năm với các sản phẩm của Toshiba. Về phần mình, Toshiba đăng quảng cáo trên hơn 90 tờ báo của Mỹ xin nhận lỗi về hành động của công ty này.

Năm 1985, Mỹ áp đặt mức thuế 100% lên các sản phẩm chất bán dẫn của Nhật Bản. Một năm sau đó, qua thỏa thuận 5 năm liên quan đến chất bán dẫn với Mỹ, Nhật Bản chấp thuận giám sát chặt chẽ giá thành xuất khẩu, tăng nhập khẩu từ Mỹ. Sau đó là một thỏa thuận chất bán dẫn 5 năm khác vào năm 1991 trong đó Nhật Bản “gật đầu” tăng thị phần Mỹ tại Nhật Bản lên 20%.

Cùng thời điểm này, Chính phủ Mỹ đẩy mạnh nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực chip điện tử và công bố các quy định để bảo vệ ngành này.

Đến năm 1996, cả Nhật Bản và Mỹ không thể cùng hòa giải về thị phần. Tình hình thị trường năm đó cũng có nhiều thay đổi khi Mỹ "tăng lực" trong lĩnh vực bộ vi xử lý và Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) “trỗi dậy” thành đối thủ mạnh với Nhật Bản.

Trước thực tế này, Nhật Bản hướng đến châu Âu để tìm kiếm các thỏa thuận hợp tác công nghệ.

Chú thích ảnh
Trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc, Huawei đã nằm giữa "làn đạn". Ảnh: SCMP

Một cố vấn giấu tên của Chính phủ Trung Quốc cho biết: “Chính quyền Tổng thống Trump đã sử dụng những chiến thuật đối đầu với Trung Quốc tương tự điều từng áp dụng trong thập niên 80 và 90 đối với Nhật Bản. Sau cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc trong tháng 5 và tập đoàn viễn thông Huawei (Trung Quốc) đang nằm giữa làn đạn".

Năm 2018, người đứng đầu Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), Cơ quan Tình báo Quốc phòng trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ đều nhận định rằng các sản phẩm của Huawei gây rủi ro an ninh tới người sử dụng, đồng thời khuyến cáo người dân Mỹ không sử dụng điện thoại của công ty Trung Quốc này.

Nhà nghiên cứu Zhang Monan tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc nhận định không có nhiều khả năng giảm bớt thù địch trong cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bà Zhang Monan nhận định: “Xung đột kinh tế Mỹ-Trung Quốc hiện nay phức tạp hơn nhiều so với giữa Mỹ và Nhật Bản trước đây. Ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận giảm căng thẳng thương mại thì đối đầu công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không hạ nhiệt”.

Nhà nghiên cứu Zhang Monan cho rằng lịch sử cho thấy công nghệ cao có ảnh hưởng tới chiến lược an ninh quốc gia. Đó không phải là thị trường cạnh tranh mà dựa theo luật rừng. Bà Zhang dự đoán Mỹ sẽ tiếp tục làm khó lĩnh vực phát triển công nghệ Trung Quốc về trí tuệ nhân tạo, robot, công nghệ nano… vốn được đánh giá rất quan trọng với Bắc Kinh.

Nhận định về sự khác biệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong cuộc đối đầu thương mại với Mỹ, giới phân tích cho rằng “Tokyo vốn dựa vào bảo hộ an ninh của Washington. Nhật Bản có hạn chế trong phản kháng chiến tranh thương mại đồng thời là một quốc gia đã phát triển. Nhưng Trung Quốc có tiềm năng cao ở thị trường nội địa để xử lý mất cân bằng trong phát triển kinh tế và công nghệ. Thị trường Trung Quốc vẫn rất thu hút với các công ty đa quốc gia, vốn có thể tạo điều kiện để Bắc Kinh thâm nhập sâu hơn vào hợp tác công nghệ toàn cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc cần phải tìm cách xua tan ngờ vực của quốc tế đối với đường hướng phát triển của quốc gia này”.

Hà Linh/Báo Tin tức