12:00 10/12/2013

Nhìn lại Chiến tranh Vùng Vịnh 1990-1991- Kỳ 8: Lý do Iraq bại trận

Khi cuộc chiến tranh Vùng Vịnh bùng nổ, nhiều người, trong đó cả các chiến lược gia, các nhà quân sự nghi ngờ về sự thắng lợi nhanh chóng của Mỹ và đồng minh đối với Iraq.

Khi cuộc chiến tranh Vùng Vịnh bùng nổ, nhiều người, trong đó cả các chiến lược gia, các nhà quân sự nghi ngờ về sự thắng lợi nhanh chóng của Mỹ và đồng minh đối với Iraq. Quân đội Iraq tinh nhuệ, được trang bị vũ khí hiện đại, lại trải qua thử thách. Trong khi đó Mỹ ở xa, nếu chiến tranh kéo dài, Mỹ sẽ lại bị sa lầy như đã từng sa lầy ở Việt Nam cách đó hơn 2 thập kỷ.

Tướng chỉ huy lực lượng đồng minh Norman Schwarzkopf (trái) gặp gỡ chỉ huy trưởng Quân đội Iraq, tướng Khalid Sultan Ahmed (thứ 2 bên phải) ngày 3/3/1991 để thảo luận về các điều kiện ngừng bắn và đầu hàng.


Thế nhưng chiến tranh đã sớm kết thúc với phần thắng thuộc về phía Mỹ và liên quân. Tại sao vậy? Phân tích tính chất của cuộc chiến Vùng Vịnh cũng như những tính toán sai lầm về chiến lược của Iraq cho thấy sự thất bại của Iraq là điều không thể tránh khỏi.


Về tính chất: Hành động xâm lược Kuwait của Iraq với bất cứ lý do nào vẫn là sự vi phạm luật pháp quốc tế, là hành động sai trái bị cả cộng đồng quốc tế lên án. Vì vậy, đây là một sai lầm về chính trị, hành động đó không thể biện minh vì bất cứ lý do gì. Do đó khi tham gia cuộc chiến chống lại liên quân, Iraq đã ở vào thế gần như bị cô lập. Còn với Mỹ, cuộc chiến Vùng Vịnh được khoác cái áo “chính nghĩa”, với mục đích “giải phóng Kuwait khỏi sự chiếm đóng của Iraq”. Thực tế, Mỹ có danh nghĩa pháp lý là chấp hành NQ của HĐBA LHQ nên đã lôi kéo, tập hợp được liên minh khá đông gồm 30 nước trực tiếp ủng hộ.


Về chiến lược: Nhìn toàn bộ quá trình cuộc chiến ở Vùng Vịnh, có thể thấy Iraq đã mắc rất nhiều sai lầm trong tính toán, thể hiện trên nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, Iraq đánh giá sai bối cảnh quốc tế và Trung Đông, làm cho nước này ở vào tình thế hoàn toàn bất lợi. Saddam Hussein tính toán rằng cứ giương ngọn cờ chống Mỹ và Israel là có thể tập hợp được lực lượng ủng hộ, che lấp hành động chiếm đóng Kuwait. Nhưng bối cảnh quốc tế đã thay đổi. Lực lượng chống Mỹ trước đây do các nước xã hội chủ nghĩa làm nòng cốt, lúc này nhiều nước đã sụp đổ.

Xe tăng T-72 Iraq bị xe tăng Mỹ bắn cháy trong chiến dịch “Thanh kiếm sa mạc”.


Sau khi Iraq chiếm đóng Kuwait, sự phân bố lực lượng ở Trung Đông cũng thay đổi. Chỉ có Palestine, Jordan, Yemen là ủng hộ Iraq. Còn các nước Ai Cập, Syria, Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất, Oman, Qata đều ủng hộ Mỹ. Các nước khác như Libya, Algeria, Tunisia, Morocco… phản đối Mỹ đem quân chống Iraq nhưng cũng phản đối Iraq chiếm đóng Kuwait.


Thứ hai, Iraq mắc mưu Mỹ. Trong khi Mỹ đang muốn có “cái cớ” để can thiệp vào vùng này, hòng lật đổ ông Saddam Hussein - một “cái gai” trong mắt Mỹ - thì ông Hussein lại nhận định Mỹ khó mà phát động chiến tranh Vùng Vịnh. Theo ông Hussein, Mỹ đã có bài học Việt Nam và nếu tiến hành chiến tranh, Mỹ sẽ bị sa lầy, bị thế giới Hồi giáo làm cho điêu đứng. Nếu kéo cả Israel tham chiến, thì cả khu vực Trung Đông trở thành lò lửa chiến tranh có tầm vóc thế giới.


Nhưng quyền chủ động về chiến lược lại thuộc về Mỹ. Tổng thống Bush đã đồng thời triển khai cả 3 mặt hoạt động: 1- Hoạt động ngoại giao để tập hợp lực lượng, tranh thủ sự đồng tình của Liên Xô, Trung Quốc và một số nước Arập, cô lập Iraq và thực hiện nghi binh đánh lừa Hussein. 2- Thực hiện bao vây cấm vận về kinh tế. 3- Ráo riết chuẩn bị chiến tranh. Trong thời gian ngắn, Mỹ cùng liên quân đã hoàn thành việc tập kết hơn 70.000 quân và đảm bảo hậu cần, kỹ thuật, chuẩn bị bàn đạp tấn công.


Thứ ba, phía Iraq đã phạm nhiều sai lầm trong điều hành chiến tranh. Cuộc chiến tranh giữa Iraq và Mỹ là cuộc chiến tranh của nước nhỏ chống lại nước lớn. Vì vậy, việc giữ gìn lực lượng, nhất là trong thời kỳ đầu của chiến tranh, là rất cần thiết và có tầm quan trọng chiến lược. Song, chính trong thời kỳ này, Iraq không có những đòn giáng trả cần thiết nên không làm đảo lộn được kế hoạch tấn công của liên quân, làm bộc lộ chỗ yếu của đối phương, đồng thời không nâng cao được sỹ khí của quân đội và nhân dân. Là một nước có tiềm lực quân sự mạnh ở Trung Đông, nhưng Iraq đã tổ chức phòng ngự một cách tiêu cực, quá tin vào các hầm ngầm, các bãi mìn, biện pháp đổ dầu và phá các giếng dầu… Có thể nói, suốt trong quá trình chiến tranh do chiến lược phòng thủ thụ động như vậy, Iraq luôn ở vào thế bị động.


Mặt khác, phía Iraq phán đoán sai hướng tấn công chủ yếu của Mỹ và liên quân, cho rằng mũi tấn công chính sẽ đi vào từ biển. Nhưng sự thực hướng tấn công lại chủ yếu là trên bộ từ phía tây. Ba sư đoàn Mỹ đã di chuyển từ vị trí tập kết ở Saudi Arabia cách 400 km vào sát biên giới mà Iraq không biết, nên bị bất ngờ.


Bên cạnh đó, Bộ tổng Tư lệnh Iraq còn đánh giá quá cao sức chiến đấu của quân đội mình, nhất là các sư đoàn Vệ binh cộng hòa. Tuy quân đội Iraq đã qua gần 10 năm chiến đấu với Iran, song chưa trải qua những thử thách ác liệt, chưa phải chống lại đối phương có ưu thế hơn hẳn về không quân, hải quân, tên lửa. Lúc mới tiến công chiếm đóng Kuwait, quân Iraq tỏ ra có tinh thần chiến đấu và có lực lượng áp đảo nên thắng nhanh. Khi tiến hành chiến tranh với Mỹ và liên quân, quân đội Iraq bị đòn mạnh của không quân Mỹ, nên tinh thần sa sút nhanh chóng, hoảng loạn.


Tổng thống Iraq cho rằng có thể vận dụng bài học Việt Nam trong cuộc chiến tranh này. Nhưng thực tế hoàn toàn khác. Việt Nam chiến đấu cho chính nghĩa, có truyền thống chiến đấu và nghệ thuật quân sự “lấy nhỏ thắng lớn”, có Đảng cộng sản lãnh đạo từ trung ương đến cơ sở, nên đã tổ chức được cuộc chiến tranh rộng khắp. Iraq chiếm đóng Kuwait là sai trái thì làm sao có thể phát động được cuộc chiến tranh nhân dân.


Công Thuận

Đón đọc kỳ tới: Hậu quả của Chiến tranh Vùng Vịnh