12:06 09/12/2013

Nhìn lại Chiến tranh Vùng Vịnh 1990-1991 - Kỳ 7: Chiến dịch “Thanh kiếm sa mạc”

Ngày 22/2/1991, Iraq chấp nhận đề nghị hòa bình do Liên Xô đưa ra, theo đó sẽ rút quân không điều kiện khỏi Kuwait, đồng thời giải quyết tất cả các vấn đề khác trong vùng.

Ngày 22/2/1991, Iraq chấp nhận đề nghị hòa bình do Liên Xô đưa ra, theo đó sẽ rút quân không điều kiện khỏi Kuwait, đồng thời giải quyết tất cả các vấn đề khác trong vùng. Việc rút quân do HĐBA LHQ giám sát. Tuy nhiên, phía Mỹ bác bỏ thỏa thuận này nhưng nói rằng việc rút quân của Iraq sẽ không bị tấn công và giới hạn trong 24 giờ.

 

Xa lộ chết.


Đúng 1 giờ (GMT) ngày 24/2/1991, liên quân tiến hành cuộc tiến công trên bộ với mật danh “Thanh kiếm sa mạc”. Sư đoàn lính thủy đánh bộ số 1 và 2 của Mỹ xuất phát từ biên giới Saudi Arabia - Kuwait, vượt qua tuyến phòng thủ của Iraq, tiến vào Kuwait theo hướng đông bắc. Cùng lúc, các lực lượng Saudi Arabia vượt qua biên giới tiến dọc theo bờ biển Kuwait. Sư đoàn thiết giáp số 6 của Pháp, sư đoàn không vận 101 của Mỹ với khối lượng lớn dự trữ nhiên liệu, nước, trang bị vượt biên giới Iraq tiến theo hướng bắc - đông bắc. Từ phía tây, các đơn vị Saudia Arabia - dọc biên giới Saudi Arabia - Kuwait cũng nổ súng tấn công và tiến theo hướng đông bắc.


Cùng thời gian này sư đoàn bộ binh số 24, 1 bộ phận quân đoàn đổ bộ đường không số 18, quân đoàn bộ binh số 7 Mỹ cùng với sư đoàn thiết giáp số 1 của Anh tiến vào Iraq bằng đường bộ, đường không theo hướng bắc, đánh chiếm các kho, trạm nhiên liệu và hậu cần của Iraq nằm sâu trong sa mạc. Sư đoàn không vận 101 Mỹ với 460 trực thăng, tiến hành cuộc đổ bộ xuống thung lũng sông Tigre và Euphrate (cách Bagdad gần 200 km) thiết lập căn cứ tác chiến và hậu cần nhằm chia cắt, chặn đường rút lui của quân Iraq. Tướng Norman Schwarzkopf (Mỹ) nói: “Nhờ có chiến thuật nghi binh và hiệu quả của nó, chúng tôi chẳng phải lo lắng gì về những chướng ngại vật. Chúng tôi đi vòng qua đối phương và nhanh chóng đánh tập hậu”.


Ngày 25-26/2, lực lượng đặc nhiệm Saudi Arabia tiếp tục tiến công sườn phía đông Kuwait tạo điều kiện cho các lính thủy đánh bộ đang tiến về phía bắc bắt đầu chuyển sang hướng đông tiến về thủ đô Kuwait. Lực lượng Anh tiến trên lãnh thổ Iraq dọc theo biên giới Iraq - Kuwait trong khi quân đoàn 7 Mỹ chuyển sang hướng đông đánh vào các sư đoàn Vệ binh cộng hòa. Sư đoàn bộ binh số 24 Mỹ thọc sâu tới thung lũng sông Tigre và Euphrate nhằm chặn không cho quân Iraq rút lui. Quân Pháp chiếm các vị trí ở phía tây, ngăn chặn lực lượng Iraq đánh tạt sườn liên quân.

 

Đại đội C, Tiểu đoàn số 1, Trung đoàn Staffordshire, Sư đoàn thiết giáp số 1 Hoàng gia Anh trong chiến dịch “Thanh kiếm sa mạc”.


Lực lượng trên bộ của Iraq cũng được coi là một lực lượng mạnh với hệ thống phòng thủ khá kiên cố. Nhưng sau 38 ngày đêm bị oanh kích, các công trình phòng thủ như bãi mìn, hầm ngầm, vật cản… bị phá hủy nghiêm trọng. Người và vũ khí bị tiêu hao nhiều, hệ thống thông tin chỉ huy bị tê liệt, sức chiến đấu sa sút, tinh thần hoang mang. Vì vậy Iraq không thể chống chọi trước sức tấn công ào ạt của lực lượng liên quân, bị bao vây, chia cắt, và cuối cùng là bị tiêu diệt, bị bắt, bị tan rã từng mảng lớn một cách nhanh chóng


Trước tình hình trên, ngày 26/2, quân đội Iraq bắt đầu rút khỏi Kuwait, đốt cháy các giếng dầu mà họ bỏ lại. Một đoàn quân Iraq dài dằng dặc rút lui dọc theo đường cao tốc Iraq-Kuwait nhưng bị liên quân tấn công liên tục khiến nhiều phương tiện bị hủy hoại và nhiều binh sĩ thiệt mạng tới mức nó được gọi là "Xa lộ chết".


Điều ngạc nhiên nhất của chiến dịch trên bộ là tỷ lệ thương vong thấp của liên quân. Lý do là vì quân Iraq không thể tìm ra một biện pháp phản công thích hợp đối với những ống nhòm hồng ngoại và loại đạn năng lượng động lực từ các xe tăng M1 Abrams của Mỹ và liên quân. Phương tiện này cho phép những chiếc xe tăng liên quân chiến đấu và tiêu diệt một cách hiệu quả các xe tăng Iraq từ khoảng cách xa gấp ba lần xe tăng Iraq. Các lực lượng Iraq cũng không lợi dụng ưu thế chiến thuật chiến tranh đô thị - chiến đấu bên trong thành phố Kuwait - có thể gây ra những thương vong đáng kể đối với các lực lượng tấn công của liên quân bởi vì chiến tranh trong thành phố làm giảm tầm chiến đấu và vì thế giảm bớt ưu thế công nghệ của liên quân.

Hai là, khi Iraq đã quyết định rằng họ sẽ không tiến về phía các giếng dầu phía đông của Saudi Arabia thì không có lí do gì để các lực lượng Iraq triển khai xa hơn nữa về phía nam thành phố Kuwait với số lượng lớn. Quyết định triển khai một lực lượng khá đông đảo quân dọc theo biên giới Kuwait càng làm tăng khoảng cách tiếp tế của quân Iraq một cách không cần thiết.


Thứ ba, khi đã quyết định triển khai quân dọc biên giới, việc mở rộng này càng khiến nguy cơ bị tấn công ồ ạt vào sườn. Quả thực người Iraq không có đủ lực lượng để giữ một mặt trận đủ dài dọc theo biên giới Kuwait và tây nam Iraq. Iraq chỉ có một lợi thế tuyệt đối trước lực lượng liên quân ở số lượng và chất lượng pháo binh nhưng đa số các đơn vị pháo binh Iraq được kéo bằng xe và vì thế không thích ứng tốt với việc phát triển mở rộng.


Sau các đợt tiến công ở các hướng, phía liên quân cho biết một nửa trong số 42 sư đoàn Iraq bị coi là không còn sức chiến đấu (trong đó có 19 sư bộ binh, 1 sư cơ giới, 1 sư thiết giáp) hơn 3 vạn quân Iraq bị bắt làm tù binh.


Việc nhanh chóng thất bại khiến Iraq phải tuyên bố rút quân khỏi Kuwait, chấp nhận toàn bộ các nghị quyết của HĐBA LHQ không điều kiện trong đó có yêu cầu phải hủy bỏ các loại vũ khí hóa học, hạt nhân, tên lửa tầm xa, thừa nhận đường biên giới với Kuwait năm 1963, dành 1 phần thu nhập xuất khẩu dầu để bồi thường chiến tranh.


Đến ngày 28/2, chiến tranh Vùng Vịnh chấm dứt sau khi tổng thống Mỹ tuyên bố tạm ngừng các cuộc tấn công (5 giờ - GMT) và Kuwait được giải phóng. Chiến tranh Vùng Vịnh kết thúc sau 38 ngày đêm chiến đấu trên không và 4 ngày chiến đấu trên bộ. Thắng lợi hoàn toàn thuộc về Mỹ và liên quân.


Công Thuận

Đón đọc kỳ tới: Lý do Iraq bại trận