04:14 18/04/2018

Nhiều ý kiến chưa đồng thuận về dự Luật Phòng chống tác hại rượu, bia

Tọa đàm lấy ý kiến về dự luật này sáng 18/4 đã nhận được nhiều ý kiến phản biện của các luật sư, chuyên gia, đại biểu Quốc hội, đặc biệt xung quanh đề xuất thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe và quy định cấm quảng cáo, tài trợ đối với đồ uống có cồn.

Dự luật do Bộ Y tế xây dựng, dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kì họp thứ 6 khai mạc vào cuối tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, đến nay dự án luật vẫn còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, chưa nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội.

Nhiều chuyên gia, đại biểu đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia.

Không thể đánh đồng rượu bia với thuốc lá

Liên quan đến đề xuất thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe trong dự luật, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bia, rượu đang gặp nhiều khó khăn như giá nguyên liệu tăng, môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt và đang chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt 65%. Chính phủ đã có chủ trương giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Do đó, theo Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), việc quy định doanh nghiệp phải đóng góp thêm 1 - 2% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đưa vào Quỹ nâng cao sức khỏe là không phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA quan ngại về tính hiệu quả của việc thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe tại Điều 19 trong Dự thảo Luật. Theo ông Việt, Quỹ chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm đầy đủ (Điều 19.8 quy định Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả hoạt động của quỹ chỉ hai năm một lần). Dự thảo đề xuất kết hợp quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá và quỹ phòng, chống tác hại lạm dụng đồ uống có cồn vào chung một Quỹ sẽ dẫn tới việc sử dụng ngân quỹ do ngành rượu, bia đóng góp để hỗ trợ những vấn đề khác, không liên quan tới ngành.

"Việc đánh đồng rượu, bia với thuốc lá là không phù hợp khi chính sách, chủ trương cho 2 ngành hàng này là hoàn toàn khác nhau. Đối với thuốc lá là chủ trương giảm tiêu thụ - do không có bất kỳ phương thức nào để sử dụng thuốc lá an toàn. Còn đối với rượu, bia, chủ trương là phát triển ngành một cách có trách nhiệm song hành với mục tiêu giảm tình trạng lạm dụng và nghiện đồ uống có cồn", ông Việt cho hay.


Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội góp ý dự thảo.

Các đại biểu Quốc hội cùng chung quan điểm về việc lập Quỹ này. Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật này), việc hợp nhất với quỹ phòng chống tác hại thuốc lá là không thuyết phục. Đồng thời, bà Thúy đặt câu hỏi: "Liệu có đánh giá được kết quả thực hiện mục tiêu về sức khỏe khi thực hiện quỹ này hay không?".

Còn theo ông Trần Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, dự thảo luật dành hơn 3 trang nói về Quỹ Nâng cao sức khỏe cần phải tính toán thêm.

"Với tư cách đại biểu Quốc hội, tôi cho là cần nghiên cứu. Quy mô nền kinh tế của ta nhỏ, nguồn lực phân tán nhiều. Năm 2018, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội sẽ giám sát các quỹ ngoài ngân sách nên việc thành lập quỹ này phải cân nhắc. Đừng để nguồn lực nhà nước, nguồn lực của dân bị phân tán vì có quá nhiều loại quỹ. Khoản thu này không phải thuế nhưng không khác thuế, thu trên giá trị tuyệt đối doanh thu của doanh nghiệp. Với tờ trình như hiện nay, nếu Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra thì khó mà được thông qua", ông Chiểu cho hay.

VBA kiến nghị bỏ đề xuất thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe vì các công ty kinh doanh/sản xuất đồ uống có cồn đang dành một khoản tiền lớn cho các chiến dịch tuyên truyền, giáo dục về uống có trách nhiệm, nên được ghi nhận để tạo động lực giúp các công ty này tiếp tục thực hiện các chiến dịch khác.

Cấm quảng cáo có hợp lý?

Theo VBA, việc cấm quảng cáo và tài trợ đồ uống có cồn như dự thảo sẽ không có tác dụng làm giảm thiểu hành vi lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam mà sẽ dẫn tới những thiệt hại đáng kể cho phát triển du lịch, kinh tế và xã hội. Các hoạt động văn hóa và thể thao xã hội hóa (do các doanh nghiệp tài trợ) đem đến cho công chúng Việt Nam các chương trình giải trí hấp dẫn, đẳng cấp quốc tế. Những hoạt động này đang góp phần giúp hỗ trợ phát triển ngành dịch vụ du lịch, đóng góp cho nền kinh tế ở các địa phương.

Kinh nghiệm tại các quốc gia trên thế giới cho thấy, việc cấm quảng cáo sẽ không có hiệu quả đối với nhóm thiểu số những cá nhân có hành vi lạm dụng đồ uống có cồn. Số liệu thống kê và kinh nghiệm ở các nước khác cho thấy việc cấm quảng cáo đồ uống có cồn/bia thực tế không có tác động đến lượng tiêu thụ các sản phẩm này.

Đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu băn khoăn về tính khả thi của dự án luật này.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu, dự luật khó đi vào cuộc sống do có thể không phù hợp cam kết quốc tế. "Luật Quảng cáo không cấm quảng cáo bia. Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt đã thông qua, chúng tôi thẩm tra thấy chi phí quảng cáo không bị giới hạn 15% nữa mà được tính trong thu nhập chịu thuế dù là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Vậy việc cấm quảng cáo có đúng không?", ông Chiểu đặt câu hỏi.

Đại diện hãng bia Heineken cho rằng, quy mô của thị trường đồ uống trái phép ở Việt Nam rất lớn. Theo một khảo sát năm 2015 của Euromonitor cho thấy, 28% sản lượng bia rượu trên thị trường là bất hợp pháp bao gồm rượu gạo, rượu lậu... gây thất thoát hơn 400 triệu USD ngân sách. Nếu ngăn cản và cấm hoạt động quảng cáo thì người dân sẽ khó phân biệt sản phẩm bia rượu chính hãng, an toàn với các sản phẩm bất hợp pháp.

Ông Trần Hùng, đại diện Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho rằng dự luật không nêu được mặt tích cực của rượu, bia đóng góp cho xã hội. "Doanh nghiệp quảng cáo chúng tôi thu được hàng nghìn tỷ đồng từ quảng cáo của các hãng bia, nếu cấm quảng cáo sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh doanh. Chúng tôi ủng hộ cần chống tác hại của việc lạm dụng bia rượu, chống rượu thủ công gây chết người nhưng không thể đánh đồng bia với rượu, cần có khoản riêng cho rượu/bia", ông Hùng đề nghị.

Đại diện Bộ Y tế không góp mặt tại buổi tọa đàm. Tuy nhiên, những ý kiến đóng góp về dự luật Phòng chống tác hại rượu, bia sẽ được tổng hợp để gửi đến Bộ này nhằm hoàn thiện dự luật.

Nhiều ý kiến băn khoăn về tên luật

Cho rằng tên luật như hiện nay đã mặc nhiên coi rượu, bia là chất độc hại cần phòng chống, nhiều ý kiến đề nghị cần đổi tên luật cho phù hợp và bao quát hơn.

TS Trần Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm đề nghị lấy tên Luật Phòng chống tác hại của việc lạm dụng bia rượu, hoặc Luật Kiểm soát đồ uống có cồn.

Luật sư Trương Thanh Đức đề nghị xem xét đổi tên thành Luật Kiểm soát đồ uống có cồn hoặc Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trương Minh Hoàng cho rằng, tên gọi của Luật sẽ còn được các đại biểu bàn thảo, trước khi thông qua vẫn còn có thể đổi tên như trường hợp Luật Lâm nghiệp mới đây.


Hoàng Dương/Báo Tin tức