03:07 11/03/2018

Nhiều trường Sư phạm ở Nghệ An chủ động phương án tuyển sinh hợp lý

Với ngành Sư phạm, ngoài căn cứ vào điểm của thí sinh tại Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia, Trường Đại học Vinh dự kiến chỉ xét tuyển hồ sơ đối với những thí sinh tốt nghiệp loại giỏi.

Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN

Nhằm xây dựng ngưỡng đầu vào, đảm bảo việc tuyển sinh của các trường Sư phạm đạt chất lượng, dự thảo mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung tiêu chí xét tuyển đầu vào với yêu cầu: Đối với trình độ Đại học, ngành Sư phạm xét tuyển học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Đối với trình độ Cao đẳng, Trung cấp xét tuyển học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên.

Đây là điều hết sức cần thiết nhằm tạo nguồn cho ngành Giáo dục và Đào tạo, xây dựng được đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Tại các trường Sư phạm ở Nghệ An, chủ trương này đã nhận được sự đồng tình dù điều này sẽ gây khó khăn cho các nhà trường.

Tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, những năm trước, việc xét tuyển bằng học bạ mới chỉ được áp dụng cho hệ Trung cấp. Do những khó khăn chung, dù xét tuyển bằng học bạ với điểm tổng kết trung bình, số lớp hệ Trung cấp cũng đã giảm từ 10 lớp xuống 3 lớp trong 3 năm trở lại đây và chủ yếu chỉ tuyển sinh được với ngành học Mầm non.

Từ thực tế này, thầy giáo Trần Anh Tư, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: Mục đích của dự thảo là rất tốt, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, các trường Sư phạm, đặc biệt là các trường Cao đẳng và Trung cấp sẽ rất nan giải vì điều đó sẽ thu hẹp nguồn tuyển sinh của nhà trường.

Trường Đại học Vinh là một ngôi trường có bề dày nhiều năm đào tạo ngành Sư phạm. Theo thầy giáo Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, xét tuyển vào ngành Sư phạm đối với những học sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên là một bước tiến lớn.

Tuy nhiên, chưa thể tin tưởng một cách tuyệt đối ở học bạ và coi đó là thông tin đầy đủ và chính xác được. Vẫn có tình trạng thiếu khách quan nếu việc cho điểm thiếu trung thực. Thầy Khoa cũng cho rằng: Những năm gần đây, ngành Sư phạm không còn là "ngành hot". Vì vậy, nếu có thêm "rào cản", việc tuyển sinh ở các trường Sư phạm sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Thực tế cho thấy, Kỳ tuyển sinh Đại học năm 2018 của Trường Đại học Vinh, chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành Sư phạm sẽ bị thu hẹp, giảm khoảng từ 620 xuống còn 550 chỉ tiêu. Bên cạnh đó, Nhà trường cũng buộc phải có những điều chỉnh để vừa đảm bảo đủ chỉ tiêu và vừa đảm bảo được chất lượng. Cụ thể, theo kế hoạch, năm nay, Nhà trường có chính sách tuyển thẳng đối với học sinh của các trường chuyên như Trung học Phổ thông Chuyên Đại học Vinh, Trung học Phổ thông Chuyên Phan Bội Châu, Trung học Phổ thông Chuyên Năng khiếu Hà Tĩnh.

Lãnh đạo Nhà trường xác định, trong năm nay, nhiều ngành sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu hoặc có thể một số ngành sẽ bị đóng cửa. Vì uy tín lâu dài, sinh viên trúng tuyển ngành Sư phạm ngoài căn cứ vào điểm tại Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia, Nhà trường dự kiến chỉ xét tuyển hồ sơ đối với những thí sinh tốt nghiệp loại giỏi.

Từ năm học này, Trường Cao đẳng Sư phạm Vinh sẽ mở rộng việc xét tuyển đối với bậc học Cao đẳng thông qua xét tuyển bằng học bạ. Tuy vậy, với những bậc học đặc thù như Mầm non, việc xét tuyển chỉ là một kênh. Song song với đó, các thí sinh sẽ phải thi thêm phần năng khiếu.

Bên cạnh những điều chỉnh trên, một số ý kiến cho rằng, để việc tuyển sinh ngành Sư phạm đạt hiệu quả và chất lượng, cần có những chính sách đồng bộ và có những điều chỉnh hợp lý hơn. Đơn cử như đối với bậc học Mầm non, cô giáo Nguyễn Thị Quý Hoa, Trưởng Khoa Mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An cho biết: Đây là ngành đặc thù, ngoài kiến thức còn cần rất nhiều năng khiếu và sự đam mê. Chính vì vậy, việc xét tuyển không nên máy móc là tốt nghiệp khá, giỏi, thay vào đó chỉ cần xét tuyển loại khá, giỏi đối với các tổ hợp môn gần sát với ngành như Văn - Sử - Địa...

 Lãnh đạo nhiều trường Sư phạm cũng bày tỏ quan điểm, khó khăn lớn nhất hiện nay là "đầu ra" cho sinh viên. Bởi khi nhiều trường Sư phạm làm tốt và nghiêm túc "đầu vào", địa phương và các ngành liên quan cần có những chính sách riêng đối với sinh viên Sư phạm, đặc biệt là sinh viên giỏi để các em yên tâm khi chọn ngành Sư phạm. Bên cạnh đó, việc đào tạo ngành Sư phạm theo đơn “đặt hàng” của các địa phương cũng là mong đợi của nhiều trường Sư phạm và nhiều học sinh. Có như vậy mới thu hút được học sinh có năng lực, tạo nguồn cho đội ngũ giáo viên trong tương lai.

Bích Huệ (TTXVN)