06:11 20/06/2019

Nhiều phi công Mỹ 'đòi' nâng cao huấn luyện điều khiển máy bay Boeing 737 MAX

Ngày 19/6, nhiều phi công Mỹ đã kêu gọi cơ quan quản lý nước này nâng cao chương trình huấn luyện điều khiển máy bay Boeing 737 MAX trước khi cho phép dòng máy bay hiện đại này trở lại "bầu trời" sau khi xảy ra 2 thảm họa hàng không nghiêm trọng khiến 346 người thiệt mạng.

Chú thích ảnh
Máy bay 737 MAX 7 của hãng Boeing tại Seattle, Washington, Mỹ, ngày 16/3/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu trước một tiểu ban của Hạ viện Mỹ, phi công Chesley "Sully" Sullenberger III, người được biết đến như một "người hùng" khi cho hạ cánh thành công một chiếc máy bay bị hư hỏng trên sông Hudson ở New York hồi năm 2009, đã chỉ trích lời đảm bảo của tập đoàn Boeing rằng phi công sẽ chỉ cần rà soát những cập nhật phần mềm của 737 MAX. Theo ông Sullenberger, các phi công điều khiển Boeing 737 MAX phải thường xuyên thực hành phần mềm của máy bay để có khả năng ứng phó nhanh chóng và hiệu quả trường hợp khẩn cấp xảy ra bất thường. Ông cho rằng thực hành qua văn bản là chưa đủ, mà phi công phải trải nghiệm thực tế và trực tiếp.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội phi công liên minh Daniel Carey, đồng thời là phi công của hãng hàng không American Airlines, đã chỉ trích mạnh mẽ quá trình phát triển dòng máy bay hiện đại này và bày tỏ quan ngại về việc liệu các văn bản hướng dẫn mới, các tài liệu và đợt huấn luyện mà Boeing đề xuất có thể đảm bảo các phi công xử lý tình huống an toàn trên máy bay MAX hay không. 

Đây là phiên điều trần thứ ba tại Quốc hội Mỹ kể từ khi máy bay Boeing 737 MAX bị cấm bay trên toàn thế giới sau khi xảy ra vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Ethiopian Airlines hồi tháng 3 vừa qua. Hệ thống tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS), còn gọi là hệ thống lái tự động trong trường hợp nguy hiểm, được cho là nguyên nhân gây ra các tai nạn thảm khốc của hai hãng hàng không Ethiopian Airlines (Ethiopia) và Lion Air (Indonesia). Ông Sullenberger cho rằng hệ thống MCAS không được thiết kế đầy đủ tính năng trong khi vấn đề trở nên trầm trọng hơn khi tập đoàn Boeing không thông báo sự cố về phần mềm này cho các phi công. Phi công này nhận định MCAS là "cái bẫy" vô tình nảy sinh trong quá trình thiết kế dòng máy bay này và gây ra hậu quả chết người.  

Trên thế giới, hiện chỉ có 4 mô hình bay của dòng 737 MAX, do đó việc yêu cầu phi công trải qua huấn luyện trên mô hình của dòng máy bay này sẽ tốn kém về thời gian và tài chính. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ cho rằng các phi công cũng có thể thực hành trên các mô hình bay của các dòng Boeing 737 trước đó. Theo ông Carey, ít nhất phải mất 10 tháng để một phi công lái máy bay MAX trải qua giai đoạn huấn luyện ban đầu trên máy tính với thiết bị mô hình. 

Ngày 18/5 vừa qua, Boeing đã lần đầu tiên thừa nhận phải sửa lỗi phần mềm giả lập dùng để đào tạo phi công điều khiển máy bay 737 MAX. Boeing cho biết hãng đã chỉnh sửa phần mềm này và cung cấp thêm thông tin cho các hãng vận hành thiết bị để bảo đảm rằng các quá trình giả lập sẽ phù hợp với các tình huống bay khác nhau. 

Một số hãng hàng không  của Mỹ đang có kế hoạch khai thác trở lại dòng Boeing 737 MAX vào tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tới, song cho đến nay Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) vẫn chưa thông qua các bản vá lỗi phần mềm MCAS của Boeing.

Thanh Hương (TTXVN)