10:15 29/10/2015

Nhiều nước khẳng định tôn trọng quyền tự do hàng hải ở Biển Đông

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ ủng hộ việc tàu chiến Mỹ tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo mà Trung Quốc tôn tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.


Trước việc tàu chiến Mỹ tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh các đảo mà Trung Quốc tôn tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ sự ủng hộ hành động trên, coi đây là hành động phù hợp với luật pháp quốc tế. Nhà lãnh đạo Tokyo khẳng định Nhật Bản sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế để bảo vệ các đại dương rộng mở, tự do và hoà bình.

Ngày 29/10, truyền thông Singapore đưa tin trong các buổi tiếp riêng rẽ Đại sứ Mỹ và Đại sứ Trung Quốc tại Singapore, Ngoại trưởng nước này Vivian Balakrishnan đã tái khẳng định lập trường của Singapore ủng hộ tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

Tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, Việt Nam ngày 7/11/2009. Ảnh: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Singapore dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này khẳng định quan điểm của Singapore rằng các tuyến hàng hải và hàng không qua Biển Đông và các nước có tuyến vận tải thương mại qua Biển Đông, hoặc những nước có tàu và máy bay đi qua Biển Đông, đều có lợi ích trong việc duy trì tự do hàng hải và hàng không tại đây. Singapore là một trong những nước như vậy, coi Biển Đông là “tuyến đường huyết mạch sống còn”. Singapore là quốc gia không có tranh chấp và không đứng về bên nào trong tranh chấp này. Tuyên bố kêu gọi các bên giải quyết bất đồng một cách hòa bình và bình tĩnh theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, với mục đích chung là duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Tờ "Wall Street Journal" của Mỹ số ra ngày 28/10 cho biết Australia đang cân nhắc khả năng triển khai tàu tới các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép tại Biển Đông. Canberra đã chuẩn bị các kế hoạch triển khai chiến dịch hải quân hoặc các chiến dịch trên không bằng các máy bay tuần tra trên biển. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne nhấn mạnh Australia có lợi ích chính đáng trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do giao thương, tự do hàng hải tại Biển Đông và nước này tiếp tục thực thi các quyền tự do hàng hải và hàng không tại khu vực này.

Trong khi đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông kiềm chế, đồng thời hối thúc Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khởi động các cuộc thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để quản lý những căng thẳng tại vùng biển này. Tổng thống Widodo nhấn mạnh Indonesia sẵn sàng đóng "vai trò tích cực" trong việc giải quyết tranh chấp do có lợi ích hợp pháp trong hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Ông kêu gọi các bên thể hiện sự kiềm chế, tránh những hành động có thể phá hoại lòng tin dẫn đến nguy cơ gây bất ổn trong khu vực.

Theo báo "Japan News" (Nhật Bản) ngày 29/10, chính phủ Mỹ đã thông báo với Nhật Bản và các đồng minh khác về việc Washington tiếp tục kế hoạch tuần tra trên Biển Đông. Theo báo này, kế hoạch của Mỹ có thể kéo dài vài tuần hoặc lâu hơn.

Trước đó, ngày 27/10, hãng AFP đưa tin tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen của Hải quân Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây được xem là động thái cụ thể đầu tiên trong kế hoạch của Mỹ triển khai đều đặn các hoạt động tuần tra ở Biển Đông. Theo Reuters, tàu USS Lassen tiến gần các bãi đá Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Các chuyến tuần tra tiếp theo có thể sẽ diễn ra trong những tuần tới.

Ngày 29/10/2015, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua, Mỹ đưa tàu đi qua khu vực một số cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

TTXVN/Tin Tức