11:15 24/11/2020

Nhiều nhà nhập khẩu Israel quan tâm sản phẩm tiêu dùng Việt Nam

Thực hiện Chương trình Cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2020, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Liên đoàn các Phòng Thương mại Israel (FICC) vừa tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam - Israel 2020 nhằm quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh hàng xuất khẩu của Việt Nam về nông sản, thực phẩm, giày dép, dệt may, hàng tiêu dùng các loại... tới thị trường Israel.

Hội nghị bao gồm Phiên toàn thể và các Phiên giao thương riêng, kết nối trực tuyến 1:1 giữa các doanh nghiệp Việt Nam với từng nhà nhập khẩu tiềm năng Israel theo phân nhóm mặt hàng.

Chú thích ảnh
Đại diện thương mại tại Israel và Việt Nam trao đổi thông tin sản phẩm. Ảnh: Việt Thắng/Pv TTXVN tại Israel

Tại Phiên toàn thể, các cơ quan, doanh nghiệp tham dự cùng tìm hiểu về triển vọng hợp tác kinh doanh sản phẩm tiêu dùng Việt Nam tại thị trường Israel, thế mạnh các ngành xuất khẩu sản phẩm tiêu dùng của Việt Nam, đặc biệt là hồ tiêu và các sản phẩm từ dừa là hai trong nhiều nhóm mặt hàng của Việt Nam được nhiều nhà nhập khẩu Israel đang quan tâm.

Ông Ze’ev Lavie, Trưởng ban Quan hệ quốc tế và Phát triển kinh doanh, đại diện FICC đánh giá cao sáng kiến của Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel về việc đặt vấn đề tổ chức sự kiện kết nối giao thương trực tuyến; giới thiệu tóm tắt về thị trường và doanh nghiệp Israel có sức mua, khả năng thanh toán cao.

Ông Ze’ev Lavie cho biết, các doanh nghiệp nhập khẩu Israel đang quan tâm tới thị trường Việt Nam và coi Việt Nam là nguồn cung cấp hàng hóa, dịch vụ, logistics ổn định ở châu Á cho Israel.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn ra tại nhiều nước trên thế giới, việc tổ chức sự kiện là hoạt động quan trọng nhằm giúp cho các nhà nhập khẩu Israel có điều kiện tiếp cận và gặp gỡ trao đổi trực tuyến với các nhà cung cấp Việt Nam về các nhóm hàng nông sản, lương thực thực phẩm và hàng tiêu dùng là những mặt hàng hiện nay phía Israel đang có nhu cầu nhập khẩu lớn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở trong nước.

Trao đổi tại hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Israel Đỗ Minh Hùng đã giới thiệu các thông tin về việc Việt Nam phòng chống thành công đại dịch COVID-19, tổng quan hoạt động kinh tế và thương mại của Việt Nam, tình hình hội nhập kinh tế quốc tế mới nhất của Việt Nam, môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam và triển vọng kết thúc sớm đàm phán hiệp định thương mại tự do song phương giữa hai nước.

Đề cập về thế mạnh của ngành sản xuất hàng tiêu dùng của Việt Nam, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú nhấn mạnh, với kết cấu dân số trẻ, khả năng tiếp cận internet nhanh, người tiêu dùng Việt Nam có hứng thú trải nghiệm với những sản phẩm mới đã tạo động lực lớn cho lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng có thể thích ứng với những thay đổi của thị trường trong nước cũng như thế giới và bắt kịp các xu hướng mới.

Ba nhóm ngành tiêu dùng thế mạnh của Việt Nam trên thị trường tiêu dùng quốc tế gồm nông sản - thực phẩm, dệt may và giày dép và cả ba nhóm ngành này đều được đề cập trong Hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm tiêu dùng Việt Nam - Israel 2020.

Chú thích ảnh
Đại sứ Đỗ Minh Hùng trao đổi thông tin với đại diện thương mại Việt Nam và Israel tại hội nghị. Ảnh: Việt Thắng/Pv TTXVN tại Israel

Chia sẻ với các đại biểu tham dự hội nghị, Tham tán thương mại Việt Nam tại Israel Lê Thái Hòa đã tóm tắt về quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước, thực trạng và triển vọng trao đổi thương mại Việt Nam - Israel, năng lực sản xuất và thế mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, triển vọng các cơ hội trao đổi hợp tác thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới.

Sau phiên toàn thể, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam được bố trí thu xếp tiến hành giao thương trực tuyến và trực tiếp trao đổi với các nhà nhập khẩu Israel theo từng ngành hàng chuyên biệt.

Mặc dù quy mô dân số chỉ khoảng 9,3 triệu người và dung lượng thị trường không lớn, nhưng Israel đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông sau Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất-UAE và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Israel, mặt hàng của hai nước thường không cạnh tranh mà bổ sung cho thị trường của nhau. Những mặt hàng Israel có nhu cầu nhập khẩu lớn cũng chính là những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Các doanh nghiệp Israel làm ăn khá nghiêm túc và có khả năng thanh toán cao. Israel chủ yếu nhập khẩu lương thực, thực phẩm, hàng nông sản, giày dép, may mặc, điện thoại di động, cà phê, hạt điều, tôm đông lạnh, cá ngừ, mực đông lạnh… từ Việt Nam.

Hàng năm, Israel nhập khẩu từ Việt Nam các loại hàng hóa với trị giá khoảng trên dưới 800 triệu USD. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch cúm COVID-19, tính đến hết tháng 10, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Israel đạt 574,21 triệu USD; trong đó hàng thủy sản đạt 45,09 triệu USD, hạt điều đạt 38,7 triệu USD, cà phê đạt 14,6 triệu USD, dệt may đạt 18,25 triệu USD, giày dép đạt 31,06 triệu USD…

Trong số các mặt hàng xuất khẩu sang Israel trong 10 tháng qua, xuất khẩu điện thoại và linh kiện chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, đạt 277,62 triệu USD.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Israel trong 10 tháng đầu năm nay đạt 717,06 triệu USD. Như vậy, tính chung 10 tháng, Việt Nam nhập siêu từ Israel trên 142,85 triệu USD.

Đáng lưu ý, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Israel các nhóm mặt hàng thiết bị máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, bo mạch, phân bón để phục vụ sản xuất ở trong nước.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn từ đầu năm nay, do tình trạng chung ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tổ chức sự kiện nói trên có hiệu quả thiết thực hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm bạn hàng nhập khẩu.

Nếu tiếp tục giữ đà tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Israel như hiện tại và không có thêm những diễn biến bất lợi, dự báo xuất khẩu cả năm 2020 sang Israel có thể vẫn đạt trên 700 triệu USD, cán cân xuất nhập khẩu giữa hai nước có khả năng cân bằng.

Chú thích ảnh
Đại diện thương mại Việt Nam và Israel trao đổi thông tin sản phẩm tiêu dùng Việt Nam. Ảnh: Việt Thắng/Pv TTXVN tại Israel

Thương vụ Việt Nam tại Israel cho hay, hiện nhiều doanh nghiệp Israel quan tâm mặt hàng cá tra phi-lê, lương thực thực phẩm đóng hộp, nông sản các loại, hàng dệt may và đang giao dịch với các công ty Việt Nam để tiếp tục đẩy mạnh nhập khẩu các mặt hàng này vào Israel trong thời gian tới.

Ngoài ra, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp Israel đang quan tâm, giao dịch, ký kết một số đơn hàng nhập khẩu các mặt hàng như găng tay y tế, quần áo bảo hộ y tế... với các doanh nghiệp Việt Nam.

Uyên Hương (TTXVN)