06:06 24/06/2016

Nhiều mô hình kinh tế mới phát huy hiệu quả

Là địa bàn vùng sâu, vùng xa nên KBang (Gia Lai) có tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí còn hạn chế so với mặt bằng chung. Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa phương đã chủ động khuyến khích phát huy nội lực và lồng ghép hợp lý các nguồn vốn mục tiêu quốc gia để xây dựng các mô hình kinh tế mới bền vững gắn với điều kiện thổ nhưỡng của vùng đất, mang lại hiệu quả cao trong xóa đói, giảm nghèo.

Một trong những mô hình đang phát huy thế mạnh là mô hình cánh đồng lớn sản xuất chuyên canh cây mía gắn với Nhà máy đường An Khê ở xã Đăk Hlơ, địa phương đầu tiên của huyện KBang cán đích về xây dựng nông thôn mới. Với tổng diện tích đất sản xuất khoảng 1.700 ha chủ yếu tập trung phát triển cây mía, trong đó chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật đưa cơ giới hóa, giống mới năng suất cao vào sản xuất nên năng suất mía của Đăk Hlơ tăng vượt bậc, từ 60 tấn/ha tăng lên gần 100 tấn/ha, cá biệt có nơi đạt tới 130 tấn/ha tăng gần gấp đôi so với sản xuất đại trà. Ngoài ra, mỗi ha mía mô hình cánh đồng lớn sau sản xuất còn tiết kiệm được chi phí hơn 30% trồng đơn thuần.

Đường bê tông nông thôn mới của huyện KBang (Gia Lai).

Từ thành quả đó, thu nhập bình quân đầu người của địa phương hiện đạt gần 29 triệu đồng/người/năm, tăng gần gấp đôi so với mức 15 triệu đồng/người/năm của năm 2011. Ông Bùi Phích, Chủ tịch xã Đăk Hlơ chia sẻ, xác định rõ mục tiêu phát triển kinh tế để xóa đói giảm nghèo, chính quyền đã tập trung toàn lực vận động nhân dân nhận thức một cách đầy đủ nhất việc xây dựng mô hình cánh đồng lớn đưa ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và thâm canh giống mới để nâng cao năng suất, đưa giá trị tăng cao trên cùng một đơn vị diện tích.

KBang còn là địa phương có lợi thế về tiềm năng nuôi trồng thủy sản với cơ cấu 3 hồ thủy điện lớn, 25 đập thủy lợi nhỏ với tổng diện tích mặt nước 3.000 ha rất thuận lợi để phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản. Tận dụng thế mạnh này, địa phương đã triển khai dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi cá tầm trong lồng trên hồ chứa thủy điện Vĩnh Sơn C. Dự án có quy mô 10.000 con cá tầm giống được nuôi trong 20 ô lồng với kinh phí thực hiện 4 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp khoa học tỉnh hỗ trợ 2 tỷ đồng còn lại là vốn đóng góp của 10 hộ gia đình tham gia dự án.

Hồ chứa thủy điện Vĩnh Sơn C có điều kiện tự nhiên khá phù hợp với môi trường sống của loài cá tầm nên sau gần 3 năm chăm sóc, các cá thể cá tầm của dự án đều sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ cá sống đạt 90% và hiện bình quân mỗi con đạt hơn 5 kg. Với sản lượng cá thương phẩm của dự án hiện đạt gần 40 tấn, các hộ dân tham gia mô hình này sẽ có thu nhập khoảng gần 100 triệu đồng/năm.

Anh Chế Hiển Lê, người phụ trách trang trại nuôi cá Tầm cho biết, cá bắt đầu được đưa về nuôi giai đoạn 6 tháng tuổi, trọng lượng 100 gram, đến thời điểm này cá đã đạt trọng lượng trung bình hơn 5 kg. Với điều kiện thời tiết tốt, tương lai khoảng 2 năm nữa cá sẽ cho trứng đồng loạt và bắt đầu có thể khai thác trứng cá đen. Các loài cá tầm đang được phát triển trên địa bàn cả nước hiện nay là các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế rất cao với các sản phẩm từ thịt và trứng.

Nông dân huyện KBang (Gia Lai) thu hoạch mía.

Cùng với mô hình nuôi cá tầm, mô hình nuôi chim le le hoang dã (còn gọi là sâm cầm) cũng không kém phần triển vọng. Mô hình được gia đình anh Lê Trọng Định ở thị trấn KBang, huyện KBang đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng trên quy mô gần 400 m2 bao gồm: Một hồ nước có diện tích khoảng 100 m2, khu tắm nắng, khu sinh sản được quây kín bằng tường gạch và lưới chắn. Sau hơn 1 năm nuôi thử nghiệm, đàn chim giống của gia đình anh đều sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, không có dấu hiệu bị bệnh.

Đặc biệt, giá thành xuất bán chim le le ra thị trường rất cao, bình quân 700.000 đồng/con, dịp cao điểm lên tới gần 1 triệu đồng/con. Chỉ tính riêng đợt xuất bán gần đây đã mang về cho gia đình anh hơn 200 triệu đồng. Anh Định vui mừng cho biết: qua thời gian nuôi thử nghiệm, thấy chim le le rất thích nghi với điều kiện thời tiết của địa phương và đặc biệt giá thành bán khá cao, thị trường rất ưa chuộng. Hiện ngân hàng đã tạo điều kiện cho gia đình tôi tiếp cận vốn vay, lãi suất ưu đãi để mở rộng mô hình.

Theo đánh giá bước đầu của ngành nông nghiệp huyện KBang, mô hình nuôi chim le le trên địa bàn có rất nhiều triển vọng vì loài chim này có sức đề kháng cao, ít bệnh, đặc biệt thức ăn rất đơn giản và tận dụng được từ các phụ phẩm nông nghiệp như lúa, các loại rau và lục bình… Tuy nhiên để đánh giá một cách toàn diện, ngành nông nghiệp đang tiếp tục theo dõi chu kỳ sinh sản và trong thời gian tới nếu có hiệu quả sẽ xây dựng đề án khoa học công nghệ cấp tỉnh và khuyến khích phát triển loại gia cầm này ra diện rộng.

Ông Phạm Xuân Trường, Phó Chủ tịch huyện KBang cho biết, với mục tiêu xây dựng các mô hình kinh tế mới áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp với thế mạnh của địa phương và sự ủng hộ của người dân, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực, đến thời điểm này, huyện đã giảm được tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 51% năm 2011 xuống còn hơn 26%.
Bài và ảnh: Nguyễn Hoài Nam