03:09 02/03/2011

Nhiều mặt hàng "té nước" theo giá điện và xăng

Theo ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), với mức tăng giá điện 15,28% kể từ ngày 1/3, việc ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế đã được xem xét để giữ ở mức thấp nhất.

Theo ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), với mức tăng giá điện 15,28% kể từ ngày 1/3, việc ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển kinh tế đã được xem xét để giữ ở mức thấp nhất.


Tuy nhiên, giá cả một số mặt hàng và dịch vụ nhỏ lẻ trên thị trường đang có tình trạng “té nước" theo giá xăng và điện. Không ít hộ kinh doanh đã lợi dụng giá điện tăng để đẩy giá lên vô tội vạ.

Giá cước và dịch vụ xe tăng theo giá xăng dầu

Trao đổi với phóng viên Tin Tức ngày 1/3, ông Nguyễn Văn Thế (Ngũ Xã - Hà Nội) - chủ kinh doanh xe Transit 15 chỗ ngồi chia sẻ: Sau khi giá xăng, dầu tăng từ ngày 24/2, chi phí nhiên liệu cho loại xe chạy dầu đã tăng từ 250.000 đến 300.000 đồng/chuyến đi 250 km. Do hiện nay giá cả hàng hóa đều đắt nên chi phí cho lái xe cũng đã được đội lên từ 100.000 đến 200.000 đồng/chuyến. Như vậy một chuyến xe đường dài đã phát sinh thêm 350.000 - 500.000 đồng. Vì thế, nếu như trước kia thuê xe đi Thái Nguyên (cả đi và về), ông Thế lấy giá "hữu nghị" là 1,4 triệu đồng thì giờ là 1,8 triệu đồng/chuyến.

Giá các mặt hàng tiêu dùng phần lớn đều tăng kể từ ngày 1/3/2011. Ảnh: Thế Anh – TTXVN


Hiện 100 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội vận tải hàng hóa Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cũng đã có kế hoạch tăng giá cước, mức tăng trung bình có thể từ 15 - 20%. Hiện nay, khá nhiều nhà xe đã áp mức giá cước vận tải mới với mức tăng khoảng 20%... Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe miền Đông cho biết: Đến ngày 1/3, đã có 28/231 doanh nghiệp vận tải đăng ký hoạt động tại bến xe tăng giá vé, mức tăng chung khoảng 15% so với trước.

Nhiều đơn vị vận tải cho biết đang chuẩn bị tăng giá cước do bị ảnh hưởng nặng từ việc giá xăng dầu tăng cao. Hãng taxi Vinasun đã gửi công văn đến Sở Tài chính và Cục Thuế TP.HCM về việc tăng giá cước khoảng 10%, tương đương 1.000 đồng/km.

Tại Hà Nội, từ ngày 1/3, giá cước của Taxi Group tăng từ 1.000 đến 1.500 đồng, tùy từng loại xe. Trong đó, đối với xe 7 chỗ, 30 km đầu tiên, giá mở cửa là 13.500 đồng/km, tăng 1.500 đồng so với trước; từ km thứ 31 trở đi, giá là 10.500 đồng, tăng 1.000 đồng.... Theo Taxi Group, đợt điều chỉnh giá là không đừng vì giá xăng, dầu đã tăng quá cao.

Sinh viên Nguyễn Thị Thủy (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: Trước đây giá xe ôm từ ký túc xá Học viện ra Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) chỉ có 15.000 đồng/lượt, nay là 20.000 đồng/lượt; tuyến đi từ phố Bạch Mai lên Lê Thánh Tông trước 15.000 đồng/lượt, nay lên 20.000 đồng/lượt...

"Bão giá" ở nhà trọ

Dựa vào việc tăng giá xăng, dầu từ ngày 24/2 và điện từ ngày 1/3 nên nhiều gia đình có nhà cho thuê cũng thừa cơ tăng giá. Đang yên vị ở một căn hộ chung cư mini tại ngõ 12 Đào Tấn (Ba Đình, Hà Nội), gia đình chị Hoàng Lan phải "tức tốc" chuyển nhà vì chủ nhà "hét" giá cao. Chị Lan cho biết: "Đang thuê nhà 3,1 triệu đồng/tháng gần một năm nay, gần hết hợp đồng, chủ nhà đòi giá thuê là 4,1 triệu đồng/tháng. Tăng quá nhiều như vậy gia đình tôi đã phải chuyển nhà đi". Không chỉ tăng giá nhà, những dịch vụ như: Truyền hình cáp, điện, nước, Internet, chỗ gửi xe... ở những khu chung cư mini tại phố Đào Tấn cũng "nhúc nhích" lên giá.

Mặc dù giá điện tăng từ ngày 1/3 ở mức 15,28% so với năm 2010, tức chưa đến 200 đồng mỗi kWh. Song, cuối tháng 2/2011, nhiều người thuê nhà tại TP.HCM cũng được chủ thông báo điều chỉnh giá điện thêm 1.000 đồng/kWh nữa. Hầu như các khu nhà trọ tại thành phố đều điều chỉnh tăng giá điện sinh hoạt trung bình 500 - 1.000 đồng/kWh. Như vậy ở các khu nhà trọ, giá điện tăng gấp đôi, thậm chí gấp 5 lần so với mức điều chỉnh của Nhà nước.

Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại Hà Nội. Vân Anh (sinh viên Học viện Tài chính) cho biết: Khi giá điện vừa tăng đã bắt đầu nhận được thông báo từ chủ nhà tăng giá tiền nhà. Những người thuê nhà có thắc mắc thì cũng chỉ nhận được câu trả lời “Thời buổi điện đắt đỏ thế này thì phải tăng giá nhà trọ thì mới sống được chứ, nếu không ở được thì đi tìm chỗ khác”. Nếu như trước đây ở Phùng Khoang, Triều Khúc, Mỹ Đình (Hà Nội), giá các phòng trọ này từ 1,4 - 1,5 triệu đồng/phòng thì nay đã tăng lên 1,6 - 2 triệu đồng/phòng. Giá điện ở đây, trước kia ở mức từ 2.500 - 3.000 đồng/kWh thì nay được đòi từ 3.000 - 4.000 đồng/kWh, giá nước tăng từ 40.000 - 50.000 đồng/người/tháng.

Trao đổi với báo giới mới đây, ông Phạm Mạnh Thắng thừa nhận: Thực tế xảy ra nhiều trường hợp chủ nhà trọ thu cao hơn nhiều so với giá bán lẻ điện công bố. Tuy nhiên, tình trạng trên không dễ giải quyết. Bởi thực tế, người ký hợp đồng mua điện với cơ quan điện lực là chủ nhà trọ mà không phải khách trọ nên tình trạng chủ nhà tự ý tăng giá rất khó kiểm soát. Ngay cả trong trường hợp người thuê trọ có thể ký trực tiếp với ngành điện thì họ vẫn có thể bị chủ nhà bắt chẹt thông qua việc tăng giá thuê nhà. "Nếu giá điện thấp, chủ nhà sẽ tăng giá tiền nhà. Trong mọi trường hợp, người thuê sẽ luôn chịu thiệt thòi", ông Thắng nói.

Theo Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương đang nghiên cứu sử dụng thẻ trả trước gắn vào công tơ điện cho các đối tượng mua điện ngắn hạn để tránh tình trạng bị bắt chẹt giá.

Giá thực phẩm nhúc nhích tăng

Một số tiểu thương nhỏ lẻ tại Hà Nội đã tự nâng giá thực phẩm lên theo giá xăng. Theo chị Sửu, tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại Hà Đông, Hà Nội, do giá xăng tăng nên việc vận chuyển cũng tốn kém hơn, vì thế phải tăng giá bán thì mới có lãi. Đơn cử: Thịt gà ta trước đây là 75.000 đồng/kg thì nay là 80.000 đồng/kg.

Một số tiểu thương ồ ạt tăng giá theo tâm lý “té nước theo mưa”.


Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Kỹ nghệ súc sản Vissan, với giá điện tăng ở mức 15,3%, hàng tháng công ty phải trả thêm khoảng 200 triệu đồng tiền điện. "Nhưng không chỉ dừng ở tiền điện tăng mà giá xăng, dầu tăng đã liên quan tới chi phí vận chuyển. Vì vậy chắc chắn năm nay sẽ phải tăng giá, mức tăng bao nhiêu phải tính toán”.

Để tránh "cơn sốt" giá, ông Nguyễn Hữu Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho rằng: Cần đưa chương trình bán hàng bình ổn của doanh nghiệp là công cụ điều tiết thị trường của Nhà nước, tức là khi giá cả hàng hóa lên thì Nhà nước, doanh nghiệp tung hàng ra bán. Như vậy sẽ góp phần "hạ nhiệt"' giá cả trên thị trường.

Theo một lãnh đạo của Bộ Tài chính, để tránh việc các mặt hàng thiết yếu tăng giá theo giá xăng, điện, Cục Quản lý giá sẽ rà soát và tính toán thật kỹ “đơn” xin tăng giá của các doanh nghiệp. Trước mắt, mức thuế nhập khẩu xăng, dầu sẽ vẫn giữ ở mức 0%. Cùng với đó trong năm 2011 chỉ tăng giá bán than cho điện 5%, bằng khoảng 70% giá than trong năm 2010. Tuy nhiên, các bộ, ngành khác cùng các cơ quan quản lý thị trường tại địa phương cần tăng cường thanh, kiểm tra thực hiện quy định về giá, chống đầu cơ, găm giữ. Kiên quyết xử phạt thật nặng khi phát hiện vi phạm.

Phương-V.Anh-Thảo

Ý KIẾN:

Tiết kiệm triệt để

Ông Lưu Văn Quảng - Chủ tịch Công ty cổ phần Veesano (doanh nghiệp sản xuất đồ chơi bằng gỗ và các sản phẩm may mặc cho trẻ em):
Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp chỉ còn cách tiết kiệm triệt để. Các chi phí hội hè, tiếp khách, quảng cáo... chắc chắn sẽ được chúng tôi cắt giảm triệt để trong thời gian tới. Hiện nay đã có ít nhất 4 đối tác, bạn hàng gửi thông báo về đợt điều chỉnh phí đầu vào cước vận chuyển mới, tăng 15% so với bình thường.
Đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua đã khiến doanh nghiệp nhập khẩu các nguyên liệu về sản xuất trong nước gặp khó khăn đáng kể. Hiện nay, xưởng sản xuất của công ty đặt tại Hóc Môn (TP.HCM), các sản phẩm luôn được chuyển đi phân phối tại các điểm bán trên toàn quốc. Như vậy, hai khoản chi phí tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất của công ty chủ yếu vẫn là điện và xăng, dầu. Vì thế chắc chắn thời gian tới, tình hình sẽ cực kỳ khó khăn khi chi phí đầu vào của Veesano bị đội lên tới gần 19%.

Ngành thép lo bị cắt điện hơn là giá điện tăng

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA):
Lo ngại nhất của ngành thép tới đây là việc bị cắt điện. Nếu bị cắt điện cách nhật, các chi phí về điện của ngành thép sẽ bị đội lên rất lớn. Đây là mối lo hơn cả việc giá điện tăng.
Về giá thép đang bán trên thị trường hiện nay (16,5 - 17,5 triệu đồng/tấn), ông Nghi cho rằng vẫn chưa phản ánh hết chi phí. Cụ thể, riêng giá phôi thép đã là 15 triệu đồng/tấn, cộng với chi phí sản xuất (cán ra thành phẩm) khoảng 1,5 - 1,8 triệu đồng/tấn. Nếu cộng các chi phí nhân công, khấu hao nhà máy, vận tải, điện, dầu..., giá thép phải cao hơn giá đang bán.
Hiện có một số doanh nghiệp đã tăng giá thép sau khi giá xăng, điện tăng. Tuy nhiên, phần lớn vẫn đang bán với giá 16,5 - 17,5 triệu đồng/tấn. Sở dĩ các doanh nghiệp vẫn bán giá cũ bởi lượng thép này sản xuất từ nguồn phôi nhập trước đó (giá 530 - 540 USD/tấn). Khi hết lượng phôi giá cũ này, các doanh nghiệp phải nhập phôi mới với giá 580 USD/tấn hiện nay, giá thép sẽ tăng mạnh.

Xi măng "thắt lưng buộc bụng"
Ông Nguyễn Văn Điệp, Chánh Văn phòng Hiệp hội Xi măng Việt Nam: Điện, xăng, dầu tăng giá đã ảnh hưởng đến giá đầu vào nhưng ngành xi măng vẫn chưa tăng giá. Các doanh nghiệp trong hiệp hội vẫn đang tìm mọi cách khắc phục việc giá các loại hàng hóa đầu vào tăng để giữ giá đầu ra của xi măng.
Lo ngại nhất với ngành xi măng là giá đầu vào của các nguyên liệu vẫn tiếp tục tăng. Cụ thể, tới đây, nếu than tăng giá thì chắc chắn giá xi măng sẽ phải điều chỉnh tăng vì giá than chiếm 20% giá đầu vào của xi măng.

Phấn đấu giảm giá thành
Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng): Đối phó với giá điện, dầu tăng, ngành xi măng tiếp tục cơ cấu lại sản xuất, chấp nhận "thắt lưng buộc bụng" chặt hơn để giá xi măng không bị tăng. Tới đây, Bộ Xây dựng sẽ ban hành quy định để buộc các nhà đầu tư có dự án ký hợp đồng trong năm 2011 phải đảm bảo các điều kiện: Về thiết bị phải có hệ thống, thiết bị tận dụng nhiệt thừa, khí thải để phát điện. Đối với các dây chuyền công suất từ 2.500 tấn clinke/ngày trở lên phải lắp đặt bổ sung hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt thừa, khí thải để phát điện với mục tiêu tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng để giảm giá thành. Dự kiến đến năm 2014, ngành sản xuất xi măng phấn đấu tự túc được ít nhất 20% điện trong sản xuất.

X.Hương-M.Phương