06:08 10/06/2021

Nhiều lợi ích từ sản xuất lúa hữu cơ trên cánh đồng Mường Tấc 

“Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” là câu nói giới thiệu về bốn vựa lúa lớn cho hạt cơm dẻo ngon nức tiếng của vùng Tây Bắc từ xưa.

Chú thích ảnh
Khu vực sản xuất lúa hữu cơ tại xã Quang Huy, huyện Phù Yên. 

Ngày nay trên cánh đồng Mường Tấc, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La những người nông dân đang chuyển đổi từ hình thức canh tác lúa vô cơ sang hữu cơ, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, đưa sản phẩm lúa gạo an toàn, chất lượng cao đến người tiêu dùng.

Cánh đồng Mường Tấc nằm ở trung tâm huyện Phù Yên với diện tích thâm canh lúa nước 2 vụ trên 4.650 ha/năm. Để xây dựng mô hình gạo hữu cơ, trong 2 năm 2019-2020, huyện Phù Yên đã triển khai "Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm gạo theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm". Dự án được triển khai tại 2 xã Quang Huy và Huy Tân với quy mô 150 ha và sự tham gia của hơn 1.300 hộ dân.

Ông Lò Văn Tan là một trong những hộ dân đầu tiên ở xã Quang Huy tham gia dự án sản xuất gạo theo hướng hữu cơ từ năm 2019. Sau 2 năm tham gia, ông Tan nhận thấy thời gian bỏ ra để chăm bón cho cây lúa theo phương pháp hữu cơ cũng tương đương như các giống lúa trước đây. Tuy nhiên, khi thu hoạch chất lượng gạo ngon hơn, bán được giá hơn và đặc biệt ruộng đất tơi xốp, không còn cứng như trước đây khi sản xuất theo kiểu vô cơ dùng phân hóa học.

Ông Lò Văn Tan chia sẻ, trước đây sản xuất lúa thường dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân hóa học nhiều, còn hiện nay chỉ dùng phân hữu cơ. Qua 5 vụ sản xuất lúa hữu cơ, so sánh với cấy bình thường từ ngày xưa thì ông thấy lúa hữu cơ tốt hơn, năng suất và chất lượng hơn. Trước đây với 800m2 ruộng lúa của gia đình ông khi thu hoạch chỉ đạt khoảng 6 tạ, từ khi chuyển sang làm lúa hữu cơ đạt gần 7,5 tạ. Ngoài ra, giá bán cũng cao hơn, gạo hữu cơ có giá khoảng 22.000 đồng/kg, loại khác chỉ từ 17.000 đồng/kg. Từ ngày chuyển sang trồng cây lúa hữu cơ bà con cảm thấy rất yên tâm.

"Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm gạo theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm" tại huyện Phù Yên đã đưa vào cấy các dòng lúa thuần chất lượng cao có đặc tính chống sâu bệnh và đã được công nhận chính thức như Đài Thơm 8, BC15, J02. Đồng thời, định lượng chi tiết việc sử dụng dòng phân bón hữu cơ vi sinh cho từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của giống lúa. Về thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng các dòng thuốc sinh học, thảo mộc để phòng trừ sâu, bệnh hại lúa. Các giống lúa được đưa vào sản xuất hữu cơ đến nay đã cho năng suất, chất lượng vượt trội.

Chú thích ảnh
Hiện nay lúa hữu cơ tại cánh đồng Mường Tấc, huyện Phù Yên đang vào vụ thu hoạch. 

Theo đánh giá, đối với giống lúa BC15 trồng theo hướng hữu cơ cho năng xuất 70 tạ/ha, cao hơn so với gieo cấy giống lúa BC trồng theo phương pháp thông thường là 2 tạ/ha. Giá trị kinh tế đạt trung bình 56 triệu đồng/ha cao hơn khoảng 11 triệu đồng so với việc sản xuất thông thường. Còn giống lúa Đài Thơm 8 có năng suất 65 tạ/ha; giá trị kinh tế cao hơn việc sản xuất vô cơ gần 12 triệu đồng/ha, đạt khoảng 46,8 triệu đồng/ha.

Ông Lương Văn Tư, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên cho biết, sau 3 đến 5 vụ, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đã đem lại nguồn lợi rất tích cực. Việc không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ đã giúp khôi phục và duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, bảo vệ độ phì nhiêu của đất, bảo vệ thiên địch cũng như các loài thủy sinh sống trong ruộng lúa.

Để triển khai thành công dự án, hình thành nên vùng sản xuất lúa gạo hữu cơ ổn định, an toàn, gắn với chuỗi giá trị, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, huyện Phù Yên đã thành lập hợp tác xã chuyên sản xuất lúa hữu cơ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa hoàn thành việc cấp chứng nhận chuyển đổi hữu cơ. Do đó, đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tiêu thụ sản phẩm của người dân.

Bà Cầm Thị Ngân, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quang Huy cho biết, hiện nay các cá nhân, tổ chức muốn mua gạo để bày bán tại các siêu thị nhưng chưa có giấy chứng nhận nên họ còn e ngại. Đến nay các điều kiện để được cấp chứng nhận sản xuất lúa hữu cơ đã đảm bảo. Vì vậy, hợp tác xã mong muốn các ban, ngành của huyện hỗ trợ để sớm được công nhận sản xuất hữu cơ.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Phù Yên, từ vụ thứ 3 trở đi trồng lúa theo hướng hữu cơ cho thấy rõ hiệu quả hơn. Cụ thể, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh hại hơn, cây cứng nên chống đổ tốt, cây lúa đẻ nhánh khỏe, tỷ lệ hạt chắc/bông cao. Cùng với đó, khi canh tác lúa hữu cơ, không còn tình trạng vỏ chai thuốc tràn lan bừa bãi tại các bờ ruộng. Thay vào đó, bà con đã ý thức chấp hành quy trình chăm sóc bằng phân hữu cơ để giúp tăng trưởng cho cây lúa và cải tạo đất, làm cho đất tơi, xốp.

Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Yên cho biết, thời gian tới, huyện Phù Yên tiếp tục duy trì và thực hiện 150 ha đất sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Đối với với việc cấp chứng nhận hữu cơ, ngành nông nghiệp tiếp tục lấy mẫu đát, nước, lúa để phân tích, dự kiến trong năm 2021 sẽ cấp chứng nhận hữu cơ. Ngoài ra, huyện sẽ tiến hành rà soát và nhân rộng thêm khoảng 100 ha lúa hữu cơ tại các khu vực khác. Đồng thời, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, sản phẩm OCOP gạo hữu cơ Phù Yên; gắn sản xuất với bao tiêu sản sản phẩm; nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác.

Bài và ảnh: Hữu Quyết (TTXVN)