09:09 09/09/2011

Nhiều khách hàng không làm thủ tục mua nhà thu nhập thấp

Các chủ đầu tư xây NTNT tại đô thị Sài Đồng, Đặng Xá cho biết thông tin khá “sốc”: Mỗi dự án có tới 1/3 khách hàng không đến hoàn thiện thủ tục và nộp tiền mua nhà.

Tại hội nghị lấy ý kiến các sở, ngành, chủ đầu tư trên địa bàn Hà Nội về sửa Quyết định 34 về tiêu chuẩn mua nhà thu nhập thấp (NTNT) vừa tổ chức giữa tuần này, các chủ đầu tư xây NTNT tại đô thị Sài Đồng, Đặng Xá cho biết thông tin khá “sốc”: Mỗi dự án có tới 1/3 khách hàng không đến hoàn thiện thủ tục và nộp tiền mua nhà. Tại sao lại có tình trạng này?

Nhà thu nhập thấp ế ẩm?

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến thời điểm này, thành phố đã có 11 dự án đầu tư xây NTNT. Trong đó, một dự án đã xong là tòa nhà CT1, quận Hà Đông với 328 căn hộ; 5 dự án đang xây thô với tổng số 3.422 căn hộ tại đô thị Kiến Hưng, Sài Đồng và Đặng Xá; 5 dự án đang hoàn thiện thủ tục để chuẩn bị khởi công trong thời gian tới như tại đô thị Mê Linh – Đại Thịnh, đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp... “Hà Nội vẫn còn một số dự án khác đang được các chủ đầu tư đề nghị các sở, ngành và thành phố cho phép đầu tư với tổng diện tích 21 ha, xây dựng 11.714 căn hộ, đáp ứng cho khoảng 41.645 người...”, ông Tuấn cho hay.

Nhìn vào con số dự án, số diện tích NTNT được nêu trên, không ít người đã tỏ ra hài lòng vì cho rằng với hơn 11 dự án xây NTNT đã và đang triển khai, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về xây NTNT cho các đối tượng có thu nhập thấp. Nhưng thông tin của các chủ đầu tư công bố về số khách hàng bỏ quyền mua NTNT lại đặt ra nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Người dân bốc thăm căn hộ ở dự án nhà thu nhập thấp Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội). Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN


Trước việc có nhiều ý kiến về giá NTNT tại Hà Nội quá cao, Sở Tài chính Hà Nội đã thẩm định giá NTNT trên địa bàn và đề nghị UBND thành phố phê duyệt giá tạm tính của các chủ đầu tư: Tại đô thị Kiến Hưng giá khoảng 11,6 triệu đồng/m2 (đã có VAT và 2% phí bảo trì), đô thị Sài Đồng giá hơn 13,2 triệu đồng/m2 (có VAT và 2% phí bảo trì) và đô thị Đặng Xá là hơn 9,4 triệu đồng/m2 (chưa tính VAT nhưng đã tính phí bảo trì 2%).
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó GĐ Sở Xây dựng Hà Nội

Ông Trần Văn Nguyên, Phó giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng số 3 Hà Nội (HANCO3), đơn vị chủ đầu tư NTNT tại lô N010A và N012 - 3 khu đô thị Sài Đồng, quận Long Biên cho hay, trong tổng số 420 khách hàng trúng quyền mua căn hộ thì có tới 115 người không đến hoàn thiện hợp đồng và nộp tiền, chưa kể 9 trường hợp đã xin rút hồ sơ không mua NTNT.

Lãnh đạo HANCO5, đơn vị đang triển khai hai dự án tại lô N011A và N012 - 3 cũng than, nhà đã xây đến tầng 4 nhưng trong 420 căn bán đợt này, số khách hàng ký hợp đồng và nộp tiền chỉ có 300 khách và còn tới 110 khách hàng không đến hoàn thiện hợp đồng. “Công ty đã gửi công văn khẩn hai lần nhắc nhở, thậm chí gọi cả điện thoại thúc giục!”, lãnh đạo HANCO5 cho biết.

Dự án NTNT tại đô thị Đặng Xá chiếm tỉ lệ khách hàng bỏ quyền mua đông nhất. Trong tổng số 946 căn NTNT mà Tổng Công ty Viglacera xây mới tiếp nhận được 869 hồ sơ hợp lệ xin mua nhà. Nhưng trong 869 hồ sơ xin mua lại chỉ có 763 người đến bốc thăm vị trí căn hộ. Tiếp tục trong 763 người bốc thăm xong, chỉ có 528 người hoàn thiện thủ tục mua nhà và nộp tiền. Như vậy có tới 235 khách hàng xem ra đã bỏ quyền mua.

Tìm cách hạ giá, thu hút khách hàng

Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho rằng, giá NTNT ở mức 13 triệu đồng/m2 là quá cao. Theo đó, các chủ đầu tư phải tìm mọi cách có thể để giảm giá thành, ví như việc tiết giảm chi phí ở phần nội thất, khâu chiếm tới 50% giá thành (theo giải trình của lãnh đạo Công ty CP Bê tông và xây dựng Xuân Mai) hoặc việc chủ đầu tư có thể lấy 1 - 3 tầng trệt của tòa nhà, đấu giá, cho thuê văn phòng, trung tâm thương mại để giảm giá thành, hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân chung cư NTNT...

Theo TS Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, thu nhập của người lao động đang rất thấp, vì thế các đối tượng này chỉ có thể mua được những căn hộ phù hợp với túi tiền. Muốn sức cầu này tiếp cận được với NTNT, thành phố Hà Nội và các chủ đầu tư cùng phải tìm cách hạ giá NTNT. Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội nên tìm giải pháp xây dựng giá đất đối với việc xây NTNT, phía chủ đầu tư phải triệt để áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành. “Các nhà xây dựng nước ngoài có thể xây nhà chỉ với giá chỉ từ 4 - 5 triệu đồng/m2; công nghệ xây dựng của Trung Quốc chỉ thi công có 3 ngày/tầng. Nếu áp dụng được các công nghệ này vào, giá thành NTNT sẽ giảm đáng kể”, TS Liêm đặt vấn đề.

Định hướng phát triển NTNT trong thời gian tới tại Hà Nội, Phó chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi giao nhiệm vụ, các sở, ngành phải đánh giá được cụ thể tổng nhu cầu về NTNT của người lao động, trên cơ sở đó Hà Nội mới lên quy hoạch các khu vực. Các thông tin về quy hoạch phát triển NTNT sẽ công khai tại các khu vực (quận, huyện) để người có nhu cầu biết, tạo thuận lợi cho người lao động mua NTNT được gần nhà, nơi làm việc. Đối với việc sửa đổi tiêu chuẩn mua NTNT, thành phố và Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu để mở rộng, ví dụ cho cả các đối tượng tạm trú từ 1 năm trở lên, có việc làm, đang hưởng lương cũng được mua. Bên cạnh đó, các sở, ngành chức năng sẽ điều chỉnh cơ cấu căn hộ từ 36 – 69 m2/căn để phù hợp với nhiều loại nhu cầu và giảm giá thành NTNT.

Xuân Hương