09:10 19/09/2019

Nhiều hồ thủy lợi cần nâng cấp, sửa chữa

Tỉnh Quảng Nam hiện có 73 hồ chứa thủy lợi lớn nhỏ, hầu hết được xây dựng cách đây vài chục năm và đang có biểu hiện xuống cấp cần được đầu tư sửa chữa, nâng cấp để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.

Trước mùa mưa bão năm 2019, Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với ngành chức năng kiểm tra, rà soát, đánh giá các công trình hồ chứa thủy lợi trên địa bàn. Kết quả cho thấy, hiện có 49 hồ bị hư hỏng; trong đó, hư hỏng nặng là 25 hồ. Những hạng mục hư hỏng gồm: thấm thân đập, biến dạng mái đập, tràn xả lũ, hư hỏng dàn van và thân cống lấy nước...

Chú thích ảnh
Dự án nâng cấp, sửa chữa hồ thủy lợi Phước Hà, xã Bình Phú, huyện Thăng Bình được triển khai từ cuối năm 2018 với kinh phí gần 13,9 tỷ đang được khẩn trương hoàn thiện để đưa vào sử dụng vào cuối tháng 10/2019.

Tỉnh ưu tiên dành kinh phí để thi công sửa chữa, nâng cấp 8 hồ thủy lợi bị hư hỏng nặng gồm: Khe Tân, Phước Hà, Nước Rôn, Chấn Sơn, Hố Qườn, Chủ Bò, Bình Hòa, Hố Giếng.

Dự án nâng cấp, sửa chữa hồ thủy lợi Phước Hà ở xã Bình Phú, huyện Thăng Bình được triển khai từ cuối năm 2018 đến nay với kinh phí gần 13,9 tỷ đồng. Trên công trường, phía đơn vị thi công đang khẩn trương huy động tối đa thiết bị máy móc và nhân lực để hoàn thiện hạng mục gia cố chân thân đập bằng dầm bê tông chèn đá hộc với chiều dài 485 m, đổ bê tông phần cống ngầm.

Ông Nguyễn Văn Tân - Phó giám đốc Công ty xây dựng cổ phần Khuê Trung, đơn vị thi công cho biết, việc sửa chữa, nâng cấp hồ chứa nước Phước Hà hiện đã hoàn thành được 90% khối lượng công việc để kịp bàn giao, đưa vào khai thác ổn định vào cuối tháng 10/2019. Trong quá trình sửa chữa, hồ chứa nước Phước Hà vẫn vận hành và phải đảm bảo nước tưới cho 400 ha đất sản xuất của huyện Thăng Bình nên đơn vị đã lựa chọn phương án thi công cuốn chiếu, bóc mái đập đến đâu thi công hoàn thiện đến đó nhằm đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Quảng Nam là một trong những địa phương có nhiều hồ thủy lợi ở khu vực miền Trung. Các hồ này giữ vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước ngọt tưới cho hàng trăm nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do hạn hẹp kinh phí nên trước đây các hồ chứa thủy lợi mới chỉ dừng lại ở những sửa chữa nhỏ mang tính chắp vá.

Ông Võ Văn Điềm - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện đơn vị đang thiết kế và sẽ triển khai nâng cấp, sửa chữa thêm 14 hồ thủy lợi bắt đầu từ năm 2020, với tổng mức đầu tư hơn 229 tỷ đồng do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Đồng thời, tỉnh cũng đang nghiên cứu để đầu tư xây dựng một số hồ chứa nước thủy lợi mới nhằm đáp ứng nguồn nước tưới trong bối cảnh biển đổi khí hậu ngày càng tác động nặng nề đến sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, hiện việc quản lý các hồ chứa nước thủy lợi này cũng còn nhiều bất cập. Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam đang quản lý 17 hồ thủy lợi lớn và vừa. Thế nhưng, hiện chỉ có 5 hồ do đơn vị này quản lý là xây dựng được quy trình vận hành có tràn xả sâu. Phú Ninh là hồ thủy lợi lớn nhất của tỉnh Quảng Nam với dung tích chứa khoảng 344 triệu m3 nước. Mặc dù hồ Phú Ninh đã được lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị quan trắc công trình đập và hồ chứa nước nhưng những hệ thống này lại hoạt động chập chờn, cung cấp số liệu không chính xác, ảnh hưởng đến vận hành hồ trong mùa mưa lũ.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam Đỗ Văn Tùng cho biết, các hồ chứa thủy lợi do đơn vị quản lý được xây dựng đã lâu, việc đánh giá an toàn công trình hàng năm chỉ bằng kiểm tra trực quan nên chưa phản ánh chính xác, toàn diện chất lượng từng hồ chứa. Bên cạnh đó, việc thực hiện các nội dung quản lý an toàn đập rất phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian, thiết bị hiện đại và kinh phí lớn nên rất khó để đơn vị đảm bảo đủ các quy định.

Hầu hết các hồ thủy lợi vừa và nhỏ hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều do cấp huyện, xã quản lý. Tuy nhiên, quản lý, khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi tại đây còn nhiều hạn chế do thiếu đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn phụ trách. Nhiều địa phương không có hợp tác xã nông nghiệp đứng ra vận hành, quản lý hồ chứa thủy lợi theo như quy định.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam Trương Xuân Tý cho rằng, nếu các địa phương không sớm quan tâm kiện toàn tổ chức đơn vị quản lý hồ thủy lợi ở cơ sở sẽ ảnh hưởng đến điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của người dân sinh sống ở vùng hạ du khi các hồ tích đầy nước trong mùa mưa bão.

Tin, ảnh: Đỗ Trưởng (TTXVN)