06:21 04/06/2015

Nhiều đơn vị đã “phá rào” từ lâu

Sau khi Quyết định 14/2015/QĐ-TTg “Về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn” được Chính phủ ký ban hành, nhiều nghệ sỹ, diễn viên đã chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này.

Sau khi Quyết định 14/2015/QĐ-TTg “Về chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp và chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn” được Chính phủ ký ban hành, nhiều nghệ sỹ, diễn viên đã chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này.

NSƯT Trịnh Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát chèo Hà Nội: Mừng nhưng cũng “rơi nước mắt”!

Quyết định mới này dù rất mừng, nhưng mà cũng “rơi nước mắt”. Mừng là sau thời gian chờ đợi đến hàng chục năm, thì đến nay người nghệ sỹ đã được ưu đãi hơn, còn buồn là quyết định này vẫn quá lạc hậu so với thực tế và chưa tương xứng so với công sức mà người nghệ sỹ bỏ ra.

Những nghệ sỹ xiếc luôn phải đối mặt với rủi ro trong luyện tập và biểu diễn.


Cũng có người cho rằng, chúng tôi “được voi thì đòi tiên”, nhưng thực tế cho thấy, mức sống hiện tại khác quá xa, dù mức phụ cấp tăng được thêm vài lần, nhưng đối với những nghệ sỹ truyền thống thì mức tăng này vẫn chưa thể vui nổi.

Thực tế, lâu nay một số nhà hát đã phải tự bươn trải, xã hội hóa bằng nhiều hình thức khác nhau để có kinh phí chi trả thêm cho các nghệ sỹ. Bởi nếu không, các nhà hát không thể giữ được diễn viên tài năng. Điều khiến tôi lo nhất là, khi Quyết định 14 này có hiệu lực, nếu các nhà hát bị bắt buộc phải chi theo mức này thì sẽ rất khó khăn cho họ.

Diễn viên Đỗ Ngọc Bích, Liên đoàn Xiếc Việt Nam: Thêm động lực gắn bó với nghề

Khi biết có quyết định mới về việc tăng mức phụ cấp luyện tập, tăng tiền bồi dưỡng biểu diễn cho nghệ sỹ, bản thân tôi thấy rất vui, thấy mình có thêm động lực để gắn bó với nghề. Bởi thực tế, từ trước đến giờ mỗi buổi tập, chúng tôi được trả 10.000 -15.000 đồng là quá ít, trong khi hàng ngày chúng tôi phải tập luyện rất vất vả, nhất là vào mùa hè nóng nực như hiện nay. Đặc biệt là trong quá trình luyện tập xiếc rủi ro rất cao, chỉ cần xao nhãng một chút là xảy ra tai nạn.

Chúng tôi rất mong Nhà nước, các cấp lãnh đạo quan tâm nhiều hơn đến các nghệ sỹ, đặc biệt là ở các loại hình nghệ thuật đặc thù, để các nghệ sỹ như chúng tôi yên tâm hơn khi gắn bó với nghề.


Ông Trương Nhuận, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ: Nhiều đơn vị đã “phá rào” từ lâu

Sự thay đổi này mới đáp ứng được một phần nào những yêu cầu cơ bản, không quá bất cập so với mặt bằng chung về giá cả trong đời sống xã hội hiện nay, chứ chưa thực sự bám sát và đáp ứng được nhu cầu của nghệ sỹ. Trên thực tế, nhiều đơn vị hoạt động không sử dụng ngân sách Nhà nước đã tự thay đổi từ cách đây rất lâu rồi. Ngay cả trong các đơn vị nghệ thuật Nhà nước, trong các chương trình nghệ thuật xã hội hóa, nhiều nhà hát đã “phá rào”, chi cao hơn từ cách đây rất lâu rồi. Bản thân Nhà hát Tuổi trẻ, đối với chương trình xã hội hóa, chúng tôi đã áp dụng mức chi cao hơn quy định cho nghệ sỹ từ cách đây 5 - 6 năm rồi.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam: Phải có hướng dẫn thực hiện

Quyết định góp phần khích lệ động viên các nghệ sỹ luyện tập, biểu diễn. Tuy nhiên, việc tăng phụ cấp này sẽ ảnh hưởng đến ngân sách của các đơn vị. Chính vì vậy, cần phải có văn bản hướng dẫn của các bộ ngành, về việc lấy tiền từ đâu, nguồn doanh thu nào, quỹ nào để chi trả cho việc này, để tránh sự lúng túng trong quá trình thực hiện của các đơn vị nghệ thuật. Nếu không có sự hướng dẫn, không có nguồn tài chính rót xuống, thì văn bản vẫn chỉ là trên giấy.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam: Khó khăn nếu không tăng ngân sách

Quyết định mới là niềm vui cho những người làm nghệ thuật, là động lực để các nghệ sỹ yêu nghề, gắn bó với nghề hơn, cũng làm cho những người làm công tác quản lý như chúng tôi thoải mái hơn, bởi khi nghệ sỹ yêu nghề, họ sẽ làm tốt hơn.

Tuy nhiên, điều khó khăn là việc chi trả này phụ thuộc vào nguồn thu của đơn vị. Với những đơn vị có nguồn thu nhiều thì không sao, nhưng với những đơn vị nguồn thu hạn chế, thì đây cũng là khó khăn. Ví dụ như đối với Nhà hát Tuồng Việt Nam, việc tăng nguồn thu là rất khó, bởi nghệ thuật tuồng hiện nay có rất ít khán giả, trong khi ngân sách Nhà nước có hạn, nếu chi quá nhiều tiền vào hoạt động luyện tập, biểu diễn thì sẽ không có đủ tiền cho những công việc thường xuyên, lâu dài khác. Vì vậy, trong trường hợp ngân sách không được tăng thêm, có lẽ chúng tôi sẽ phải hạn chế bớt các buổi tập luyện thì mới đủ kinh phí chi trả cho các nghệ sỹ.



Phương Hà (ghi)