02:19 25/02/2021

Nhiều doanh nghiệp tại Hải Dương chủ động xét nghiệm cho công nhân

Để vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa đảm bảo phát triển sản xuất, nhiều doanh nghiệp tại tỉnh Hải Dương đã, đang tích cực, chủ động xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho công nhân.

Chú thích ảnh
Từ ngày 24/2, tỉnh Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trên diện rộng bằng kỹ thuật Realtime-PCR để đánh giá nguy cơ và có giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả. 

Theo hướng dẫn của tỉnh Hải Dương, doanh nghiệp muốn sản xuất phải xét nghiệm cho toàn bộ công nhân lao động; chỉ sản xuất khi người lao động có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 và doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí phòng, chống dịch.
 
Ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, việc đầu tiên của công nhân Công ty TNHH Haivina (trụ sở tại xã Gia Tân, huyện Gia Lộc) là xếp hàng để lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Theo thông báo từ trước của các nhóm trưởng, công nhân đi theo từng hàng vào đúng khu vực lấy mẫu. Trong ngày, toàn bộ 4.500 công nhân ở 2 cơ sở sản xuất của doanh nghiệp này đã được lấy mẫu xong.

Là doanh nghiệp FDI 100% vốn Hàn Quốc, chuyên lĩnh vực gia công hàng thể thao xuất khẩu, từ năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, Công ty TNHH Haivina đã chủ động các biện pháp phòng dịch, khẩn cấp nhập khẩu 80.000 khẩu trang cấp cho công nhân. Cách đây 2 tuần, công ty đặt mua thêm 40.000 khẩu trang, phát cho công nhân 2 chiếc/tuần. Ngoài ra, công ty cũng yêu cầu đảm bảo khoảng cách giữa công nhân, phun thuốc khử khuẩn công ty định kỳ, hàng ngày, đo thân nhiệt cho công nhân trước khi vào làm…

Chị Nguyễn Mỹ Hạnh, Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Haivina cho biết: Sau khi liên hệ với CDC Hải Dương và giới thiệu một số cơ sở có đủ năng lực xét nghiệm, đơn vị đã chủ động liên hệ, đàm phán, ký hợp đồng; lên kế hoạch, lập danh sách, chia lịch từng bộ phận các giờ khác nhau để đến lấy mẫu xét nghiệm, để tránh việc tập trung đông người. Đồng thời, doanh nghiệp thiết kế luồng di chuyển cho hàng nghìn công nhân, bố trí hợp lý các khu vực đón tiếp, hướng dẫn, lấy mẫu sao cho hợp lý và tuân thủ quy định phòng, chống dịch.

Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp trong tỉnh Hải Dương chủ động xét nghiệm cho người lao động. Đơn cử, tại huyện Thanh Miện, đến sáng 24/2 đã có 7 doanh nghiệp tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 5.000 công nhân và người lao động, trong đó có một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam, Công ty TNHH GG Việt Nam, Công ty Cổ phần may Việt Trí… Tại huyện Cẩm Giàng, đã có trên 50 doanh nghiệp đăng ký xét nghiệm cho công nhân lao động thông qua kênh Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện.
 
Hiện, Sở Y tế Hải Dương đã cung cấp danh sách 91 đơn vị được Bộ Y tế công bố thực hiện xét nghiệm khẳng định để các doanh nghiệp trong tỉnh chủ động liên hệ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản khẳng định, trong bối cảnh hiện tại, công tác chống dịch được đặt lên hàng đầu. Tuy vậy, tỉnh luôn luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các đơn vị cung ứng nguyên vật liệu được lưu thông hợp lý.
 
"Những nhà máy, doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn phòng dịch được hoạt động bình thường. Những nơi chưa đáp ứng được điều kiện phòng dịch tạm thời chưa hoạt động và phải củng cố kiện toàn lại việc phòng dịch mới được sản xuất bình thường", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết.
 
Chia sẻ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại thành phố Hải Dương, Chủ tịch UBND thành phố Hải Dương Trần Hồ Đăng cho biết, hiện đoàn kiểm tra của thành phố đã xem xét việc thực hiện quy định phòng, chống dịch của các doanh nghiệp. Hiện, có khoảng 100 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp có số lượng từ 100 công nhân trở lên đã đủ điều kiện hoạt động sản xuất.

Thành phố Chí Linh, hiện có 30 doanh nghiệp đã đăng ký hoạt động trở lại sau Tết. Cơ quan chức năng đã kiểm tra các điều kiện phòng, chống dịch ở các doanh nghiệp; kiên quyết đối với những doanh nghiệp khác không đảm bảo sẽ được yêu cầu dừng hoạt động.

Mặc dù đã được đánh giá đủ điều kiện an toàn phòng dịch để đi vào sản xuất nhưng một số doanh nghiệp vẫn chưa yên tâm khi sản xuất trở lại. Ông Kim Hyung Soo, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Haivina mong muốn chính quyền địa phương có hướng dẫn quy trình ứng phó trong tình huống dịch bệnh xảy ra tại doanh nghiệp; mặt khác phối hợp với thành phố Hải Phòng để giúp cho việc lưu thông được thuận lợi hơn.
 
Làm rõ băn khoăn của doanh nghiệp về quy trình ứng phó nếu doanh nghiệp có ca mắc COVID-19, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản cho biết, trong trường hợp đó cơ quan chuyên môn sẽ đưa người mắc đi điều trị, truy vết, lấy mẫu người có liên quan và xác định mức độ nguy hiểm của dịch bệnh đối với doanh nghiệp; từ đó, đề ra giải pháp cụ thể tùy theo tính chất mức độ doanh nghiệp để đưa ra các kịch bản, giải pháp khác nhau.
 
“Về cơ bản, doanh nghiệp có người mắc COVID-19 sẽ xác định đây là nơi có dịch bệnh và sẽ ứng phó một cách triệt để, đảm bảo môi trường an toàn mới có thể sản xuất tiếp được”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lưu Văn Bản nhấn mạnh.

Mới đây, tại Thông báo số 95-TB/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương ngày 22/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu Ban thường vụ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời khắc phục khó khăn khôi phục sản xuất, kinh doanh thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, ổn định đời sống nhân dân trong điều kiện mới. Kế hoạch phải có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng và hoàn thành gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 1/3/2021.

Sở Y tế Hải Dương tham mưu UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí về đảm bảo an toàn dịch bệnh cho từng loại hình cơ quan, trường học, bệnh viện, trường học, phân xưởng, nhà máy, cơ sở xây dựng, kinh doanh, ăn uống, vận tải… trước ngày 1/3/2021 để giúp cấp huyện, cấp xã có căn cứ pháp lý để kiểm soát dịch bệnh.

Tin, ảnh: Mạnh Minh (TTXVN)