06:07 05/06/2019

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản rời Trung Quốc để tránh đòn áp thuế của Mỹ

Ngày càng có nhiều công ty Nhật Bản lên kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác do lo sợ sự cạnh tranh về giá vì ảnh hưởng của thuế quan Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Công nhân làm trong cơ sở sản xuất lốp ô tô của Tập đoàn Wanda Tyre tại Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Theo báo Singapore Straits Times, trong trường hợp chính sách thuế của Mỹ mở rộng đối với hầu hết các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, các doanh nghiệp Nhật Bản có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc lo sợ sản phẩm của mình sẽ trở nên đắt đỏ và giảm tính cạnh tranh trên thị trường.

Từ ngày 1/6, đợt tăng thuế quan của Trung Quốc đối với hàng nghìn các mặt hàng nhập khẩu của Mỹ trong danh sách trị giá 60 tỷ USD đã bắt đầu có hiệu lực. Đây là động thái trả đũa của Bắc Kinh trước việc Washington leo thang trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trước đó, vào hôm 10/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump loan báo áp mức thuế cao hơn đối với 200 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc. Nhà lãnh đạo Mỹ còn lên tiếng đe dọa sẽ có những bước đi tiếp theo để áp thuế lên toàn bộ hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc trị giá 325 tỷ USD.

40% mặt hàng Trung Quốc bị Mỹ nhắm tới là hàng tiêu dùng. Việc tăng giá hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể dẫn đến tình trạng giảm doanh số bán hàng tại Mỹ. Nếu Mỹ áp thuế trừng phạt đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhiều công ty lo ngại điều này sẽ kéo theo ảnh hưởng với quy mô chưa từng có.

Bên cạnh sản phẩm máy tính và điện thoại di động, các sản phẩm mục tiêu còn bao gồm thiết bị chơi game, đồng hồ đeo tay và quần áo được sản xuất hàng loạt bởi các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc.

Để đối phó với tình hình bất lợi, ngày càng có nhiều công ty Nhật Bản đã chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á.

Cụ thể, công ty sản xuất máy tính Casio đã bắt đầu triển khai kế hoạch di dời cơ sở sản xuất đồng hồ đeo tay, nổi bật với dòng sản phẩm G-Shock, và nhạc cụ tại Trung Quốc sang Thái Lan. Casio ước tính doanh thu đồng hồ đeo tay dự kiến thiệt hại khoảng 700 triệu yên vì đòn thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu như di dời cơ sở sản xuất, thiệt hại dự kiến chỉ còn một nửa.

Về phần mình, thương hiệu chuyên sản xuất máy in và máy photocopy Ricoh cũng quyết định chuyển dây chuyền sản xuất các mặt hàng cho thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Thái Lan ngay đầu Hè vừa qua.

Thương hiệu thời trang bán lẻ Uniqlo rục rịch tiến hành các cuộc thảo luận về việc tăng phụ thuộc sản xuất quần áo vào các quốc gia Nam và Đông Nam Á như Bangladesh và Việt Nam. Trong khi đó, tập đoàn điện tử Panasonic đã chuyển một phần sản xuất các linh kiện ô tô từ Trung Quốc sang các nhà máy ở Thái Lan và Malaysia.

Tuy nhiên, một vài công ty vẫn còn chần chừ trong việc quyết định từ bỏ cơ sở sản xuất ở Trung Quốc với lý do xuất hiện nhiều vấn đề liên quan đến chi phí dịch chuyển cũng như tái xây dựng mạng lưới cung ứng.

Chính sách “rút khỏi Trung Quốc” không hề dễ đối với các công ty Nhật Bản vốn phụ thuộc vào các dây chuyền sản xuất tại đây trong thời gian dài. Khoảng 40% thiết bị chơi game Nintendo sản xuất tại Trung Quốc được tiêu thụ tại Bắc và Nam Mỹ. Giá nhập khẩu của các thiết bị này tại Mỹ sẽ tăng lên 25% sau khi vòng đánh thuế thứ tư có hiệu lực.

Song bản thân Nintendo không thể đơn phương đưa dây chuyền sản xuất sang các quốc gia khác vì thiết bị chơi game lại được một công ty có trụ sở ở Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất theo sự ủy quyền của Nintendo.

Chịu cảnh tương tự, tập đoàn Kyocera cũng chỉ có thể di dời một phần cơ sở sản xuất máy in sang Việt Nam, với giới hạn một số mẫu máy được sản xuất. “Không hề dễ dàng để di dời dây chuyền sản xuất”, nguồn tin giấu tên Kyocera tiết lộ.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức