06:16 18/06/2014

Nhiều 'điểm sáng' trong dự thảo Luật Nhà ở

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng 18/6, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công; thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 18/6, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công; thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN



Thông qua Luật Đầu tư công

Với 88,35% số đại biểu tán thành, sáng 18/6, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật Đầu tư công. Luật quy định việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quản lý nhà nước về đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Theo Luật này, các lĩnh vực đầu tư công gồm các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đầu tư phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở trong nước và ở nước ngoài; đầu tư và hỗ trợ hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích; đầu tư bằng vốn đầu tư công trong phần Nhà nước tham gia thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công - tư.

Tạo môi trường thuận lợi để phát triển nhà ở

Tiếp theo chương trình làm việc, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Tán thành với các nội dung sửa đổi, các đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng: Sau gần 8 năm thi hành, Luật Nhà ở đã đạt được những thành tựu quan trọng, cơ bản giải quyết được nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt là việc hỗ trợ, cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người thu nhập thấp, người nghèo có khó khăn về nhà ở, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, từng bước đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, theo đại biểu, Luật Nhà ở hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế như: Tình trạng phát triển nhà ở tràn lan, không có kế hoạch, không theo quy hoạch làm mất cân đối nhu cầu về nhà ở, thiếu nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp, người nghèo còn khó khăn về nhà ở nhưng lại dư thừa nhà ở cao cấp; nhiều đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, thu nhập thấp, lực lượng công nhân ở các khu, cụm công nghiệp không tiếp cận được nhà ở…

Các đại biểu cho rằng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) đã thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng trong lĩnh vực nhà ở, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền có nơi ở, quyền sở hữu nhà ở của công dân, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để người dân, doanh nghiệp và nhà nước phát triển nhà ở theo hướng lành mạnh, bền vững; khắc phục những tồn tại vướng mắc không phù hợp với thực tiễn của Luật hiện hành, đồng thời thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong lĩnh vực nhà ở, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền có nơi ở, quyền sở hữu nhà ở của công dân, nhằm tạo môi trường thuận lợi để người dân, doanh nghiệp và Nhà nước phát triển nhà ở theo hướng lành mạnh, bền vững.

Song, cũng còn không ít ý kiến băn khoăn đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát để quy định cho phù hợp hơn, kịp thời điều chỉnh những vướng mắc, bất cập, ảnh hưởng của cơ chế bao cấp trong lĩnh vực nhà ở và bảo đảm tính khả thi của Luật.

Nhà ở xã hội – “điểm sáng” trong dự thảo Luật


Nhận định trong 10 nhóm nội dung cần sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những vấn đề bất cập, tồn tại của Luật Nhà ở hiện hành, những nội dung liên quan đến nhà ở xã hội trong dự thảo Luật được nhiều chuyên gia đánh giá là “điểm sáng”, đại biểu Hồ Thị Thủy cho rằng Luật dành một chương riêng với những nội dung quy định khá cụ thể đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách về nhà ở xã hội, đã tạo cơ hội cho người thu nhập thấp, người khó khăn về nhà ở như đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên mới ra trường, người ngoại tỉnh, vợ chồng trẻ và nhất là công nhân ở các khu công nghiệp được tiếp cận nhà ở. Theo đại biểu, thực tế thời gian qua, do Luật Nhà ở hiện hành chưa quy định cụ thể về việc phát triển nhà ở xã hội nên một số địa phương đã vận dụng một số cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp, người khó khăn có cơ hội về nhà ở, nên đã xảy ra nhiều quan điểm khác nhau chưa thống nhất, dẫn đến một số địa phương bị xử lý sai phạm.

Đại biểu cho rằng dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi sẽ khắc phục được vấn đề này với những quy định chặt chẽ, chính sách minh bạch, đồng thời hạn chế tình trạng đầu cơ, trục lợi, tham nhũng đối với thị trường nhà ở và bất động sản. Phát triển nhà ở xã hội là một chính sách đúng đắn mang tính nhân văn, hướng tới các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở, nhưng còn khó khăn về tài chính để mua nhà, nên nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội. Thực tế hiện nay giá nhà ở xã hội còn cao so với thu nhập của đại đa số người dân, vì doanh nghiệp hoạt động đều phải tính đến lợi nhuận. Việc phát triển nhà ở xã hội là cần thiết nhưng tránh bao cấp tràn lan, lợi dụng chính sách để trục lợi, ngược lại cũng không làm khó các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở mà khó khăn về tài chính.

Còn theo đại biểu Đinh Thị Mai Lan (Cao Bằng), mục tiêu phát triển nhà ở xã hội tại dự án Luật Nhà ở lần này cho thấy chính sách đúng đắn của Nhà nước trong việc quan tâm đến nhóm người yếu thế trong xã hội, mở ra cơ hội cho người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn có chỗ ở. Song, đại biểu khẳng định, nhiều vấn đề nếu quy định như dự án Luật, sẽ rất khó áp dụng vào thực tế. Bằng cách nào đảm bảo được mục tiêu phát triển nhà ở bằng ngân sách nhà nước trong khi nguồn ngân sách và quỹ đất quá hạn hẹp so với số đối tượng có nhu cầu; làm sao thu hút được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong khi lợi nhuận không cao mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình; làm thế nào tổ chức hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở nông thôn, miền núi, hải đảo khi chưa xác định đối tượng và mức hỗ trợ rõ ràng?

Với một loạt câu hỏi đặt ra, đại biểu đề nghị tính toán, cân nhắc kỹ trước khi Luật được ban hành. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo lược bỏ những quy định mang tính hình thức, cào bằng, chung chung; nhấn mạnh hơn trách nhiệm, vai trò của nhà nước cũng như trách nhiệm của các nhà đầu tư thương mại trong đầu tư nhà ở xã hội; đồng thời đề ra cơ chế áp dụng nghiêm túc, nếu không nhà ở xã hội sẽ chỉ là một chế định cho các nhà đầu tư và các đối tượng trung gian tìm kiếm ưu đãi trong khi người thực sự có nhu cầu lại không có cơ hội.

Phát triển nhà ở công vụ - cần bao cấp đúng đối tượng

Chỉ ra một thực tế thời gian qua việc quản lý, sử dụng nhà công vụ còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng sử dụng nhà công vụ không đúng đối tượng, sai mục đích hoặc nhiều người không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được ở nhà công vụ, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng điều này đã gây dư luận không tốt trong xã hội, không bảo đảm công bằng xã hội. Đại biểu chỉ rõ, nhà công vụ hiện nay thực chất là bao cấp cho một số ít đối tượng với giá rẻ, trong khi số đông cán bộ, công chức, nhất là cán bộ, công chức trẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn có nhu cầu thực sự lại không được đáp ứng.

Đại biểu băn khoăn tại sao chúng ta không tiếp cận vấn đề phát triển nhà công vụ nhằm hướng tới mọi đối tượng thực hiện công vụ, thay vì chỉ phục vụ cho một số đối tượng nhất định. Trong trường hợp ngân sách chưa đáp ứng được, đại biểu đề nghị chỉ nên quy định đối tượng được hưởng chế độ nhà công vụ là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước được bố trí nhà ở công vụ theo yêu cầu an ninh và lực lượng vũ trang được điều động, luân chuyển theo yêu cầu quốc phòng, an ninh. Các đối tượng còn lại nghiên cứu theo hướng khoán đưa vào tiền lương, để họ tự chủ hoàn toàn về nhà ở, ngân sách không phải bỏ ra số tiền quá lớn để xây dựng và giá trị đất có thể chuyển thành tiền dùng vào việc khác, đồng thời không phải duy trì một cơ quan quản lý về nhà ở công vụ, vừa tiết kiệm chi phí, vừa chấm dứt tình trạng biến tướng nhà công vụ chuyển thành nhà cá nhân...

Nghiên cứu kỹ quy định về quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài và của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam

Tán thành với chủ trương mở rộng, cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở, song các đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị cần làm rõ tác động của việc mở rộng các đối tượng được sở hữu nhà ở, nhất là đối với người nước ngoài đến quyền có nơi ở của người dân, đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản trong nước. Đại biểu Trần Ngọc Vinh kiến nghị: Để bảo đảm an ninh quốc gia, đồng thời để hạn chế các trường hợp lợi dụng chính sách của Nhà nước về nhà ở, gây lũng đoạn thị trường bất động sản, cần bổ sung quy định để bảo đảm điều kiện chặt chẽ hơn đối với người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, như chỉ cho phép các cá nhân nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên mới được sở hữu nhà ở, không cho phép họ được mua cả chung cư hoặc mua số lượng lớn tập trung vào một khu vực nhất định.

Đại biểu Hồ Thị Thủy nhận định việc cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở sẽ góp phần thu hút nhân tài, nguồn lực, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với thông lệ quốc tế; kích thích các lĩnh vực khác phát triển theo và nhà nước cũng thu được ngoại tệ, thuế. Theo đại biểu, thực tế hiện nay, chúng ta hạn chế người Việt Nam ở nước ngoài và tổ chức, người nước ngoài mua nhà ở, trong khi đó lại không quản lý được các doanh nghiệp trong nước tự do chuyển nhượng dự án cho doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ để tránh sự cạnh tranh với các đối tượng trong nước có nhu cầu về nhà ở thực sự cũng như để đảm bảo về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội là đối tượng sở hữu nhà ở bởi theo đại biểu, các cơ quan, tổ chức này đang làm đại diện chủ sở hữu nhà ở công vụ và một phần nhà ở xã hội được nhà nước đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách, quy định như vậy sẽ tạo hành lang pháp lý để các cơ quan nhà nước xây dựng nhà để bán giá rẻ hoặc cho thuê mang tính công ích, phi lợi nhuận ở các địa bàn mà các doanh nghiệp nhà nước không đầu tư.


Chu Thanh Vân