02:10 24/02/2021

Nhiều địa phương ở Bến Tre thiếu bác sĩ - Bài cuối: Tháo gỡ khó khăn

Trước thực trạng thiếu nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ khám, chữa bệnh ở các tuyến, ngành Y tế tỉnh Bến Tre đã thực hiện các giải pháp trước mắt, như tăng cường bác sĩ giữa các trạm y tế, giữa trạm y tế với trung tâm y tế huyện và đào tạo cán bộ y tế theo địa chỉ sử dụng, áp dụng chính sách thu hút nhân lực... để giải bài toán thiếu bác sĩ.

Tuy nhiên, các giải pháp này vẫn chưa thực sự giải quyết căn cơ được tình trạng thiếu hụt hiện nay.

Giải pháp trước mắt

Thiếu bác sĩ nhưng không có nguồn bổ sung buộc các địa phương phải đưa ra giải pháp tình thế, như điều chuyển bác sĩ bổ sung cho các đơn vị thiếu hụt bác sĩ, hoặc hợp đồng với các bác sĩ đã về hưu là phương án tạm thời được các địa phương lựa chọn.

Chú thích ảnh
Mặc dù nhiều địa phương ở Bến Tre thiếu nhân lực y tế, đặc biệt là bác sĩ nhưng không tuyển được. 

Hiện nay, bình quân mỗi ngày Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh (huyện Mỏ Cày Bắc) tiếp nhận khám và điều trị khoảng 1.000 lượt bệnh nhân. Ông Phan Văn Tăng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh cho biết, để đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, Bệnh viện tăng cường bác sĩ ở các phòng chức năng vào buổi sáng và mời được những bác sĩ nghỉ hưu ký hợp đồng khám bệnh mỗi ngày 4 giờ.

Trong khi đó, Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày Bắc hoạt động đa chức năng sẽ vận hành vào năm 2022, nhưng hiện nay trung tâm chỉ có 9 bác sĩ. Để đáp ứng công tác khám, chữa bệnh khi trung tâm chính thức đi vào hoạt động đa chức năng, cần bổ sung thêm 24 bác sĩ. Huyện đang trình Sở Y tế đề án tổ chức lại Trung tâm Y tế để có cơ sở xây dựng nhân sự, vị trí việc làm, tạo điều kiện cho bác sĩ ở nơi khác về…

Tuy nhiên, theo ông Hồ Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mỏ Cày Bắc, việc tuyển dụng được đủ bác sĩ khi Trung tâm Y tế mới đi vào hoạt động sẽ không dễ. Vì vậy, trong lúc chờ đợi Sở Y tế bố trí nhân lực, Trung tâm dự kiến sẽ điều động bác sĩ tuyến xã về hỗ trợ.

Tại huyện Giồng Trôm, thực trạng thiếu 8 bác sĩ ở tuyến xã và khoảng 10 bác sĩ ở Trung tâm Y tế huyện buộc Trung tâm phải hợp đồng tiếp tục với 4 bác sĩ về hưu để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngoại trú. Bên cạnh đó, mỗi ngày Trung tâm phải điều động thêm hai bác sĩ ở trạm y tế xã lên hỗ trợ Trung tâm khám khoảng 300 – 500 lượt bệnh ngoại trú. Ngoài ra, Trung tâm cũng điều chuyển bác sĩ cơ hữu từ trạm y tế này sang trạm y tế khác từ 2-3 ngày/tuần để hỗ trợ cho trạm y tế chưa có bác sĩ cơ hữu.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Giồng Trôm Phạm Công Luận, đây cũng chỉ là giải pháp “chữa cháy” bởi bệnh không hẹn ngày, nhiều lúc không đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh đột xuất. Nếu có cấp cứu ở tuyến xã, Trung tâm Y tế huyện sẽ hội chẩn trực tiếp qua điện thoại để hỗ trợ; nếu bệnh nặng sẽ đưa về cấp cứu ở Trung tâm. Còn ở các trạm không có bác sĩ cơ hữu, ngoài những ngày có bác sĩ ở các trạm khác đến tăng cường, các y sĩ sẽ đảm nhiệm khám, kê đơn thuốc cho bệnh nhân.

Tiếp tục thu hút nhân lực

Thiếu nguồn nhân lực y tế trên địa bàn Bến Tre thời gian qua là vấn đề được các đại biểu đưa vào chất vấn tại Kỳ họp thứ 19, Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre khóa IX. Tại Kỳ họp này, trước những băn khoăn của các cử tri về đội ngũ y, bác sĩ phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân trong thời gian tới, ông Ngô Văn Tán, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre đã đưa ra một số giải pháp để tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực y tế tỉnh, nhất là lực lượng bác sĩ.

Chú thích ảnh
Trạm y tế xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm là một trong 26 trạm y tế trên địa bàn tỉnh Bến Tre chưa có bác sĩ cơ hữu.

Năm 2021, tỉnh có nhu cầu bổ sung 200 bác sĩ. Nhằm tăng số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực y tế, Sở Y tế Bến Tre đưa ra giải pháp sẽ xây dựng quy hoạch cán bộ để có kế hoạch đào tạo phù hợp cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn.

Theo đó, ngành Y tế Bến Tre sẽ tuyển dụng, bổ sung nguồn nhân lực đảm bảo nhu cầu, vị trí công việc phù hợp với chức danh nghề nghiệp; tăng cường công tác đào tạo theo địa chỉ sử dụng để bổ sung nguồn bác sĩ cho các đơn vị, đặc biệt là tuyến cơ sở; đẩy mạnh và trình các cấp có thẩm quyền kế hoạch thu hút cán bộ.

Ông Ngô Văn Tán cho biết, trước đây, tỉnh cũng có chương trình thu hút cán bộ công tác trong các bệnh viện. Tuy nhiên, sau một thời gian có một số vấn đề đặt ra, nhất là mức tiền hỗ trợ cán bộ không cạnh tranh lại các tỉnh khác, đến nay chương trình này đã ngưng.

Thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch thu hút nguồn nhân lực. Để giữ chân các nhân lực y tế theo địa chỉ sử dụng, ngành Y tế sẽ trình cơ quan có thẩm quyền thay đổi hình thức giao kết. Vì với giao kết hiện nay, sau khi được đào tạo về, các bác sĩ, dược sĩ chỉ cần đền tiền, thậm chí đơn vị thu nhận sẵn sàng chi gấp 3 - 4 lần để "đền bù" thay cho các bác sĩ, dược sĩ này.

Để đảm bảo nguồn nhân lực, ngoài thu hút, củng cố về số lượng, vấn đề chất lượng cũng quan trọng. Do đó, ngành Y tế tỉnh Bến Tre xây dựng, duy trì kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức giai đoạn 2021 - 2025; đào tạo liên thông từ cán bộ có trình độ trung cấp lên đại học, đào tạo sau đại học cho cán bộ có trình độ đại học.

Ngoài ra, Sở Y tế tỉnh Bến Tre cũng tham gia các phiên hội chợ việc làm do các khối ngành sức khỏe tổ chức hằng năm để tiếp cận, tìm kiếm, kêu gọi nguồn nhân lực có chuyên môn phục vụ địa phương. Sở Y tế cũng đưa ra nhiều giải pháp, hình thức để tổ chức đào tạo; đào tạo chuyên môn kỹ thuật tại chỗ và cử cán bộ về tuyến trên để đào tạo chính quy, tập trung, cập nhật, bồi dưỡng kiến thức hằng năm.

Những năm vừa qua, ngành Y tế cử cán bộ đi đào tạo gồm bác sĩ, thạc sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ và học thêm một số kỹ thuật cao của tuyến Trung ương. Sở Y tế cũng mời các chuyên gia về đào tạo tại tỉnh cho cán bộ quản lý y tế các bệnh viện về những chuyên đề quản lý nhân sự, quản lý vật tư, trang thiết bị...

Đối với các vị trí thiếu cán bộ chuyên môn thay thế để đi đào tạo tập trung, Sở Y tế sẽ mời các viện, trường về đào tạo tại chỗ; mời các chuyên gia ở bệnh viện tuyến trên đến chuyển giao kỹ thuật ở bệnh viện tỉnh; tăng cường bồi dưỡng trình độ vi tính để ứng dụng nâng cao quản lý điều hành, chuyên môn kỹ thuật, hỗ trợ từ xa qua mạng.

Chú thích ảnh
Dự kiến năm 2022, Trung tâm y tế huyện Mỏ Cày Bắc đa chức năng chính thức đi vào hoạt động nhưng hiện nay mới chỉ có 9 bác sĩ. 

Riêng đối với các dự án y tế lớn đang và sắp triển khai trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế cũng có dự kiến nguồn lực đảm bảo công việc. Ví dụ: Trung tâm Y tế dự phòng huyện Mỏ Cày Bắc đang xây dựng cơ sở và kế hoạch nhân sự. Trong xây dựng kế hoạch nhân sự, ngành Y tế sẽ phối hợp với Sở Nội vụ định biên cho hoạt động Trung tâm Y tế hai chức năng.

Đối với các trạm y tế tuyến xã chưa có bác sĩ cơ hữu, ngành Y tế sẽ tiếp tục bố trí và tăng cường bác sĩ để tránh lãng phí trang thiết bị được đầu tư. Ngành Y tế dự kiến trong quý I/2021, sẽ tăng ngày trực của bác sĩ ở các trạm y tế từ 2 -3 ngày/trạm y tế. Sau đó, trong nhiệm kỳ 2021- 2025, sẽ bố trí bác sĩ cơ hữu ở tất cả các trạm y tế để tránh lãng phí các trang thiết bị ở trạm y tế, đồng thời chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn.

Bài và ảnh: Trần Thị Thu Hiền