05:22 17/05/2021

Nhiều địa phương nâng lên mức cao nhất về phòng, chống dịch COVID-19

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh, trong ngày 17/5, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận thêm 39 ca mắc COVID-19, trong đó huyện Thuận Thành ghi nhận thêm 38 ca và 1 ca huyện Lương Tài, nâng tổng số ca mắc trên địa bàn tỉnh lên 294 ca tại 7/8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Bắc Ninh lấy hơn 100 nghìn mẫu xét nghiệm

Chú thích ảnh
Lực lượng y tế lấy mẫu, xét nghiệm cho công nhân Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam thuộc khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh). Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh, trong ngày 17/5, tỉnh Bắc Ninh ghi nhận thêm 39 ca mắc COVID-19, trong đó huyện Thuận Thành ghi nhận thêm 38 ca và 1 ca huyện Lương Tài, nâng tổng số ca mắc trên địa bàn tỉnh lên 294 ca tại 7/8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, huyện Thuận Thành là đơn vị ghi nhận nhiều nhất với 249 ca, huyện Yên Phong 20 ca, huyện Tiên Du 5 ca, huyện Lương Tài 6 ca, thị xã Từ Sơn 2 ca, huyện Quế Võ 2 ca, thành phố Bắc Ninh 9 ca và 1 ca là người Bắc Giang.

Thực hiện rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với các bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh, xác định 2.900 trường hợp F1; trên 25.000 trường hợp F2. Tỉnh đã thực hiện cách ly các trường hợp tại các cơ sở y tế 470 trường hợp và trên 2.300 trường hợp cách ly tại các cơ sở tập trung, 907 trường hợp cách ly tại các khách sạn và trên 20.000 trường hợp cách ly tại nhà. Toàn tỉnh đã lấy trên 107.000 mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó có 4.217 mẫu trường hợp F1, gần 11.000 mẫu các trường hợp F2 và trên 92.000 mẫu tại cộng đồng.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng kế hoạch điều chỉnh đáp ứng với từng cấp độ mới của dịch trong tình hình mới; Tổ chức giám sát dịch, thần tốc truy vết F1, F2, F3 liên quan đến các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; tăng cường hoạt động của tổ phòng chống COVID cộng đồng; giám sát chặt chẽ số lao động Bắc Ninh và các tỉnh đang tạm trú tại Bắc Ninh đi làm tại các khu công nghiệp tại Bắc Giang. Ngoài ra, Bắc Ninh đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch tại khu công nghiệp; siết chặt phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở y tế, nâng cao năng lực các cơ sở cách ly tập trung, sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị y tế…

Đặc biệt, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguồn lây lan dịch bệnh COVID-19, hạn chế tối đa số người dương tính với SARS-CoV-2, Bắc Ninh yêu cầu từ 0 giờ ngày 17/5, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông báo cho người lao động đến từ tỉnh Bắc Giang tạm thời nghỉ việc, cách ly tại nhà, khai báo y tế với địa phương để thực hiện rà soát, theo dõi sức khỏe đến khi có thông báo mới. Cùng với đó, những người đã từng đi, đến, ở và về từ các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang từ ngày 3/5/2021 đến nay cần thực hiện ngay việc cách ly tại nhà và liên hệ với cơ quan y tế gần nhất hoặc gọi đến đường dây nóng để tư vấn, hỗ trợ. Những doanh nghiệp không thực hiện, khi dịch bệnh xảy ra tại doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch...

Hải Phòng rà soát người đến từ Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh.

UBND thành phố yêu cầu Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, UBND các quận, huyện chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý rà soát toàn bộ danh sách công nhân, người lao động đến từ các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh từ ngày 1/5/2021 để quản lý, lấy mẫu làm xét nghiệm sàng lọc, tuyệt đối không để lọt những ca nguy cơ cao trong các khu công nghiệp. 

Các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, UBND các quận, huyện rà soát danh sách người của địa phương đến làm việc tại Bắc Giang, Bắc Ninh trong thời điểm này, đề nghị tạm thời không di chuyển về Hải Phòng; rà soát tại tất cả người từ thành phố Đà Nẵng về thành phố Hải Phòng từ ngày 1/5/2021, yêu cầu khai báo y tế và phối hợp với ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc; yêu cầu người đã từng đến thành phố Đà Nẵng chưa qua 28 ngày nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc có triệu chứng nghi mắc COVID-19 đến ngay cơ sở y tế để điều trị và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, tổng số lao động hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế là gần 160.100 người; trong đó lao động Việt Nam 155.229 người (lao động ngoại tỉnh 50.878 người, chủ yếu là lao động đến từ các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình), lao động nước ngoài gần 4.850 người.

Ngay sau khi có Văn bản hỏa tốc số 3130/UBND-VX, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp đang có hoạt động xây dựng, các nhà thầu đang thi công xây dựng trong các Khu công nghiệp, Khu kinh tế trên địa bàn thành phố, các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp cần khẩn cấp tập trung, quyết liệt thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19; lập danh sách chi tiết, quản lý chặt chẽ toàn bộ nhân sự tại công trường; yêu cầu khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động, chuyên gia, nhà thầu trước khi vào công trường làm việc, báo cáo Ban Quản lý Khu kinh tế kết quả thực hiện trước 17 giờ ngày 17/5/2021. 

Cùng đó, các đơn vị lập danh sách người lao động ra khỏi thành phố để đi bầu cử, tạo điều kiện tối đa để số lao động này được xét nghiệm COVID-19 trước khi về đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026...

Kon Tum nâng mức cảnh báo COVID-19 lên mức cao nhất

Đó là nội dung quan trọn trong văn bản số 1584/UBND-KGVX ngày 17/5 của UBND tỉnh Kon Tum. Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu  các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương nâng cảnh báo phòng dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh lên mức cao nhất, triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch kể từ ngày 18/5. Kon Tum bắt buộc mọi người dân đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và nơi công cộng; thực hiện nghiêm yêu cầu 5K phòng chống dịch của Bộ Y tế; không cho phép tụ tập quá 20 người tại nơi công động, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc. Tỉnh cũng tiếp tục tạm dừng tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, có nguy cơ lây lan dịch như: karaoke, vũ trường, bar, các điểm truy cập internet, bi da…; các địa điểm tập thể dục; nhà hàng tiệc cưới… trên địa bàn tỉnh.      
 
Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ được tiếp tục hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch cho công nhân, người lao động; phải có phương án phòng chống dịch. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng và các huyện vùng biên (Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H’Drai) UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu tiếp tục tăng cường phối hợp quản lý, kiểm soát chặt chẽ biên giới, xuất nhập cảnh, ngăn chặn và kiểm soát nhập cảnh trái phép…
 
Về công tác phòng chống dịch bệnh trước và trong thời gian bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đảm bảo thành công của cuộc bầu cử. UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai các điểm bầu cử (cố định và lưu động) đảm bảo đúng quy định và đảm bảo công tác phòng chống dịch.
 
Ngoài ra, đối với các sở: Y tế, Công Thương, giao thông vận tải, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, UBND các huyện, thành phố chủ động thực hiện cách ly, khoanh vùng, xét nghiệm và điều trị người nhiễm COVID-19 (nếu có); đảm bảo lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội, không để xảy ra tình trạng ngăn sông, cấm chợ. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở Y tế tham khảo kinh nghiệm, biện pháp hay về phòng, chống COVID-19 của một số địa phương để phổ biến đến các huyện, thành phố; hướng dẫn việc bắt buộc khai báo y tế và quét mã QR khi đến các địa điểm như bệnh viện, bến xe, khu công nghiệp….
 
Tỉnh Kon Tum hiện chưa có trường hợp mắc bệnh, kết quả xét nghiệm 19.300 mẫu bệnh phẩm đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Hiện tỉnh đang cách ly tập trung gần 240 người, 457 người đang cách ly tại nhà. Lực lượng chức năng trong tỉnh đã phạt 93 trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19 với tổng số tiền gần 92 triệu đồng.

Thanh Thương - Minh Huệ -  Cao Nguyên (TTXVN)