08:20 13/08/2020

Nhiều địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Quyết định số 1215/QĐ-TTg và Quyết định số 1214/QĐ-TTg công nhận huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 và thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.

Chú thích ảnh
Nông dân làm đất bằng phương tiện cơ giới tại huyện Gò Công Đông. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Tiền Giang có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo huyện Gò Công Đông và thị xã Gò Công tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Theo báo cáo, hiện nay 11/11 xã của huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn nông thôn mới, đối với bộ tiêu chí nông thôn mới cấp huyện, đã cơ bản đạt 9/9 tiêu chí (14/14 chỉ tiêu) theo quy định tại Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với thị xã Gò Công, số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là 7/7 xã, đạt tỷ lệ 100%. Hiện thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn thị xã Gò Công là 51 triệu đồng/người/năm, tăng 1,77 lần so với cuối năm 2015 và tăng 4,6 lần so với năm 2011. Năm 2019 có 17.636/17.779 hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 99,2%. Tổng số hộ sử dụng điện thường xuyên trên địa bàn 7 xã của thị xã Gò Công đạt 100%.

Qua hơn 9 năm, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã Gò Công đã đạt được kết quả khá tốt so với mục tiêu đề ra. Số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và giữ vững 19/19 tiêu chí đến nay cơ bản đạt 100%. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, các công trình cơ sở hạ tầng từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

* Tại Quyết định số 1218/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định công nhận thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Phú Thọ có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo thị xã Phú Thọ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng các tiêu chí về sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thị xã Phú Thọ đã có 5/5 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng huy động xây dựng nông thôn mới của thị xã đến nay là trên 500 tỷ đồng, trong đó ngân sách thị xã và các xã chiếm hơn 35%. Ngoài ra, thị xã Phú Thọ còn huy động các nguồn vốn khác từ doanh nghiệp và sự đóng góp từ các tầng lớp nhân dân.

Hạ tầng nông thôn mới có nhiều thay đổi, 100% đường xã, đường giao thông thôn, xóm được bê tông hóa sạch sẽ khang trang; 100% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, đảm bảo các phương tiện sản xuất, đi lại thuận lợi. Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, an ninh lương thực được đảm bảo. Nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung đã được xây dựng như: Sản xuất rau an toàn, lúa chất lượng cao, cây ăn quả, chè xanh… từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Đến hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người tại 5 xã đạt gần 32 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tại 5 xã giảm còn 2,26%. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, môi trường đều đạt chuẩn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đến nay, thị xã Phú Thọ không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới.

Thị xã Phú Thọ đặt mục tiêu hết năm 2020, tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trên địa bàn 5 xã, phấn đấu có một xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thu nhập vùng nông thôn của thị xã đạt trên 40 triệu đồng/người/năm; giá trị sản phẩm bình quân đạt trên 105 triệu đồng/ha/năm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90%... Đến năm 2025, trên địa bàn thị xã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

TTXVN/Báo Tin tức