03:10 23/03/2011

Nhiều địa phương chủ quan với dịch lở mồm long móng

Dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc đang bùng phát và lây lan nhanh ở nhiều địa phương. Hiện dịch đã xuất hiện trên 30 tỉnh, thành với khoảng 85.000 con gia súc mắc bệnh nhưng nhiều nơi vẫn chủ quan trong việc triển khai các biện pháp chống dịch.

Dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) trên gia súc đang bùng phát và lây lan nhanh ở nhiều địa phương. Hiện dịch đã xuất hiện trên 30 tỉnh, thành với khoảng 85.000 con gia súc mắc bệnh nhưng nhiều nơi vẫn chủ quan trong việc triển khai các biện pháp chống dịch.

Hơn nữa, việc vận chuyển đang ở tình trạng không thể kiểm soát được khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng. Đó là những thông tin được đưa ra từ cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm chiều ngày 22/3 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Kiểm tra lâm sàng bệnh lở mồm long móng trên đàn bò của một hộ chăn nuôi ở huyện Ba Tri, Bến Tre. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Trong 2 tuần qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã cử 3 đoàn công tác đi kiểm tra trên 20 tỉnh thành ở cả ba miền Bắc, Trung và Nam về việc phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

Theo Cục Thú y, qua kiểm tra 7 tỉnh miền núi phía Bắc là: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình cho thấy, nhiều địa phương đã giấu dịch. Phú Thọ không công bố dịch, chỉ báo cáo dịch xuất hiện ở 3 thôn nhỏ lẻ, nhưng thực tế qua kiểm tra đã có 4.000 con gia súc mắc bệnh. Tương tự, Lai Châu, không báo cáo và công bố dịch, khi kiểm tra thực tế thì gần 7.000 con gia súc ở 50 xã phường trong tỉnh mắc dịch.

Về công tác chỉ đạo chống dịch, ông Hoàng Văn Năm - Cục trưởng Cục Thú y cho biết: “Ở các tỉnh phát dịch, nhiều địa phương không hề có dấu hiệu gì của việc phòng chống dịch bệnh, không rắc vôi bột, không khử độc, không tuyên truyền, không trạm chốt chặn, công tác tiêm phòng rất kém và thụ động...

Hiện nay, trên phạm vi toàn quốc có 30 tỉnh có ổ dịch LMLM chưa qua 21 ngày, bao gồm: Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Giang, Kon Tum, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Yên Bái, Phú Thọ, Tiền Giang, Long An, Lào Cai, Phú Yên, Gia Lai, Nghệ An, Bình Phước, Hà Nam, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Bình Dương, Đắk Lắk, Tây Ninh, Khánh Hòa, Lai Châu, Vĩnh Long, Bắc Giang và Nam Định.

Đối với việc tiêm phòng, ông Hoàng Văn Năm cho biết, các tỉnh Điện Biên, Sơn La làm không tốt, các cán bộ thú y tiêm không đúng kĩ thuật, các hộ dân thì tiêm không triệt để, trong một đàn có con tiêm có con không tiêm.

Kết quả kiểm tra 7 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cho thấy, tỉ lệ tiêm phòng vô cùng thấp” ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng cho hay.

Nhiều tỉnh cho biết, dịch bệnh LMLM lây lan nhanh là do gia súc bị bệnh ở các địa phương khác vận chuyển đến. Ngoài ra, nhiều địa phương cho biết, lượng vắcxin để tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đã hết và đề nghị cung cấp thêm.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Dịch bệnh bùng phát là do sự lơ là, không quyết liệt trong công tác phòng chống dịch của địa phương. Việc để dịch bệnh lan nhanh một phần do vận chuyển gia súc gia cầm liên tỉnh. Đây là vấn đề nhức nhối nhiều năm nay chưa giải quyết được”.

Để kiểm soát tình trạng này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, cần có biện pháp cứng rắn như cấm vận chuyển buôn bán gia súc gia cầm ở các tỉnh có dịch ra tỉnh lân cận. Thời gian tạm thời dừng trước mắt sẽ là 3 tháng, sau đó sẽ gia hạn tiếp nếu tình hình xấu.Trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt thì sẽ rút ngắn thời gian cấm, sẽ áp dụng linh hoạt các biện pháp tùy theo tình hình chống dịch ở địa phương.

Hữu Vinh