03:07 19/03/2019

Nhiều địa phương buông lỏng kiểm soát xe quá tải

Kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy tình trạng xe quá tải mặc dù giảm mạnh, nhưng vẫn còn nhức nhối tại một số địa bàn, nhiều địa phương đã buông lỏng kiểm soát tải trọng xe.

Hàng năm, Nhà nước đầu tư hàng trăm nghìn tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cũng như duy tu, bảo dưỡng cầu đường. Tuy nhiên, việc xe chở quá tải vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là những nơi có nhiều mỏ vật liệu xây dựng đã làm hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông, kéo theo nguy cơ cao về tai nạn giao thông. Phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam xung quanh các giải pháp xử lý vấn đề này.

Chú thích ảnh
Xe chở quá tải vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là những nơi có nhiều mỏ vật liệu xây dựng đã làm hư hỏng nhiều tuyến đường giao thông. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Ông có thể đánh giá về kết quả kiểm soát, xử lý xe chở quá tải trọng thời gian qua?

Trong 5 năm trở lại đây, việc kiểm soát tải trọng xe đã góp phần tích cực vào giảm tai nạn giao thông, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.

Cụ thể, thời gian qua lực lượng thanh tra giao thông đã khắc phục khó khăn về biên chế, kinh phí hoạt động, tập trung thực hiện nhiệm vụ, tiếp tục duy trì kiểm soát tải trọng xe, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông.

Đồng thời, nhiều địa phương đã củng cố lại lực lượng, tiếp tục duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động, cố định, kết hợp cân xách tay, tăng cường kiểm soát tải trọng xe. Qua đó đạt được những kết quả khả quan, góp phần ngăn chặn tình trạng xe quá tải tái diễn trở lại

Năm 2018, theo kết quả báo cáo của các Cục quản lý đường bộ, tình trạng xe chở quá tải đã được kiềm chế còn khoảng 10%. Các trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động, cố định, thanh tra các Sở Giao thông Vận tải và công chức thanh tra của các Cục Quản lý đường bộ sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 166.000 xe; trong đó có gần 18.000 xe vi phạm (chiếm tỷ lệ 10,8%), tước trên 6.200 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước gần 200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Tình trạng xe quá tải, xe cơi nới kích thước thành thùng xe để chở hàng quá tải vẫn xảy ra trên các Quốc lộ, đặc biệt là trên Quốc lộ 1, Quốc lộ 14, Quốc lộ 6, Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, Quốc lộ 5… và các đường bộ nối những nơi sản xuất vật liệu, khai thác mỏ, nhà máy xi măng đến công trường, dự án đang xây dựng của một số địa phương khác.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do lực lượng thanh tra giao thông còn mỏng, các chủ xe, lái xe lợi dụng lực lượng chức năng tập trung nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nên vẫn chở hàng quá tải lưu thông trên nhiều Quốc lộ mỗi khi lực lượng này vắng bóng.

Ngoài ra, việc kiểm tra và xử lý vi phạm về bốc xếp hàng hóa lên phương tiện tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng chưa được duy trì thường xuyên, liên tục. Một số địa phương có cảng, mỏ vào cuộc chưa quyết liệt trong việc kiểm soát xếp hàng hóa lên xe và chưa kiên quyết xử lý chủ mỏ, chủ cảng vi phạm.

Vừa qua, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trực tiếp đi kiểm tra tại môt số địa phương được phản ánh tình trạng xe quá tải tái xuất hiện. Vậy qua thực tiễn kiểm tra này, ông có nhận xét gì?

Vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và đích thân tôi đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra xe quá tải tại các địa phương được phản ánh đang nóng về vấn đề này.

Qua kiểm tra đã có hàng chục xe quá tải bị phát hiện và xử lý vi phạm. Điều rút ra được sau chuyến đi này là tình trạng xe quá tải mặc dù giảm mạnh, nhưng vẫn còn nhức nhối tại một số địa bàn, nhiều địa phương đã buông lỏng kiểm soát tải trọng xe.

Trong khi các xe tải đường dài đã chấp hành đúng quy định, một số xe quá tải chạy tuyến ngắn, chở vật liệu xây dựng tại các mỏ đất đá, các xe phục vụ các dự án xây dựng, san lấp mặt bằng vẫn cố tình vi phạm và thường có sự buông lỏng, làm ngơ của các cấp chính quyền địa phương.

Vậy các giải pháp mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ triển khai trong thời gian tới là gì để kiểm soát tải trọng phương tiện trên toàn quốc, thưa ông?

Quan điểm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là phải làm triệt để vì chỉ cần một xe chở quá tải lưu thông trên đường cũng có thể phá hỏng kết cấu hạ tầng giao thông.

Vì vậy, Tổng cục đề nghị UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 32/CT-TTg năm 2016 về tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông.

Các Sở Giao thông Vận tải cần tập trung sắp xếp lại lực lượng, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, chủ trì hoặc phối hợp với các lực lượng công an đưa trạm cân lưu động hoạt động trở lại.

Trong trường hợp không có cảnh sát giao thông và lực lượng cảnh sát khác thì thanh tra giao thông chủ động thực hiện toàn bộ các nhiệm vụ tại trạm. Đồng thời, sử dụng cân xách tay để kiểm soát tải trọng trên các hệ thống đường bộ thuộc địa bàn của địa phương.

Để ngăn xe quá tải bùng phát, các địa phương cần học hỏi, nhân rộng mô hình trạm cân kiểm soát tại các cảng, các mỏ kết nối dữ liệu với Ban An toàn giao thông, Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải, thanh tra giao thông của Đồng Nai. Với mô hình này, các đơn vị liên quan sẽ biết được nguồn hàng nào có tỷ lệ xe vi phạm tải trọng cao, từ đó có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Về giải pháp lâu dài, trong thời gian tới, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị sửa Luật Giao thông đường bộ theo hướng quy định chặt chẽ hơn đối với những xe chở vật liệu xây dựng hàng rời, đặc biệt phải quy định chặt chẽ việc xếp hàng hóa đối với xe này.

Những địa phương được xem là điểm nóng về xe chở quá tải trọng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ làm việc trực tiếp với các tỉnh này để đưa ra các giải pháp hữu hiệu.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về kiểm soát tải trọng phương tiện; trong đó phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp kinh doanh vận tải về kiểm soát tải trọng phương tiện.

Xin cảm ơn ông!

Quang Toàn (thực hiện)