06:09 28/06/2020

Nhiều 'con đường' cho học sinh sau Trung học Cơ sở

Hiện nay, rất nhiều trường Trung cấp và Cao đẳng nghề trong cả nước đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo theo mô hình 9 + (mô hình đào tạo song song học nghề và học văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 9).

Những năm gần đây, tại nhiều địa phương, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập luôn được đánh giá là hết sức căng thẳng, áp lực. Nhiều học sinh không đạt được nguyện vọng vào trường công lập do chỉ tiêu tuyển sinh có hạn. Thực tế, học sinh sau Trung học Cơ sở vẫn còn nhiều lựa chọn để không bị “lỡ nhịp” trên con đường học vấn dù có thể các em dù không thi đỗ vào trường công lập. 

Chú thích ảnh
Hiện nay, rất nhiều trường Trung cấp và Cao đẳng nghề trong cả nước đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo theo mô hình 9 + (mô hình đào tạo song song học nghề và học văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 9). Ảnh minh họa: TTXVN
phát 

Không chỉ một hướng đi

Năm học này, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chương trình học, thời gian diễn ra các kỳ thi chuyển cấp, tốt nghiệp Trung học Phổ thông đều có điều chỉnh phù hợp theo hướng tinh giản, giảm áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, theo thông tin từ một số địa phương, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay dự báo vẫn tiếp tục “nóng”. Tỷ lệ tuyển sinh vào trường công lập giảm để thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau Trung học Cơ sở.  

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm học 2020-2021, thành phố tuyển 66.520 chỉ tiêu vào lớp 10 công lập, còn lại khoảng 21.000 học sinh sẽ vào học tại các trường Trung học Phổ thông dân lập, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các trường nghề và cả một số trường đại học có đào tạo hệ Phổ thông Trung học (theo chương trình giáo dục thường xuyên).

Còn tại Cần Thơ, theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020-2021, các trường Trung học Phổ thông công lập đảm bảo tuyển từ 68% đến 73% số học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở ở các quận của thành phố; tuyển từ 73% đến 78% số học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở tại các huyện của thành phố. Bên cạnh đó, các trường Trung học Phổ thông ngoài công lập và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tại các quận, huyện, các trường trung cấp nghề sẽ tuyển học sinh có nguyện vọng hoặc không trúng tuyển lớp 10 ở các trường Trung học Phổ thông công lập vào học để đảm bảo chỗ học tập cho tất cả học sinh. 

Với tỷ lệ tuyển học sinh vào lớp 10 công lập như đã nêu, chắc chắn sẽ có những học sinh không đạt được nguyện vọng vào trường công lập. Nhưng như vậy, không có nghĩa là con đường học tập của những học sinh  này sẽ phải dừng lại mà vẫn còn những hướng đi, con đường khác đang mở ra, phù hợp với năng lực học tập, sở trường, sự yêu thích và cả điều kiện kinh tế của từng gia đình.

Hiện nay, rất nhiều trường Trung cấp và Cao đẳng nghề trong cả nước đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo theo mô hình 9 + (mô hình đào tạo song song học nghề và học văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 9).

Liên quan đến mô hình giáo dục này, ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) khẳng định, với mô hình 9 +, người học có lợi thế là có thể cân nhắc chọn học một nghề phù hợp và sẽ sớm tham gia thị trường lao động sau khi đã có bằng tốt nghiệp trường nghề. Chưa kể, trong thời gian học ở cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các em được sắp xếp hợp lý để học các môn văn hóa, đủ điều kiện để sau này có thể học liên thông lên trình độ cao hơn.  

Theo thầy Võ Long Triều, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, là một trong những cơ sở giáo dục tuyển học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở vào học, trường thường xuyên phối hợp với các Phòng Giáo dục và Đào tạo tại các quận, huyện  tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh lớp 9 và cả phụ huynh các em. Trường còn tổ chức cho học sinh lớp 9 tham quan thực tế tại các xưởng, phòng thực hành của trường, giúp các em hình dung rõ hơn về các ngành nghề đang được đào tạo trong trường và có định hướng, lựa chọn phù hợp năng lực. Hiện nay, mỗi năm trường có hàng trăm học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở vào học các ngành như công nghệ thông tin, điện tử…

Ngoài ra, theo thông tin từ Trung tâm Giáo dục phổ thông (thuộc Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh) năm học 2020-2021, trường tiếp tục tuyển sinh hệ giáo dục phổ thông. Học sinh hệ này sẽ học theo chương trình giáo dục thường xuyên. Ngoài chương trình học các môn văn hóa theo quy định, Trung tâm Giáo dục phổ thông của trường còn tăng cường tổ chức các chương trình huấn luyện kỹ năng mềm, học tiếng Anh… cho học sinh hệ giáo dục phổ thông.

Tránh tạo áp lực do kỳ vọng của phụ huynh

Trước mỗi kỳ thi, đặc biệt là kỳ thi mang tính cạnh tranh, áp lực là điều khó tránh khỏi đối với thí sinh và cả các phụ huynh. Theo một số chuyên gia giáo dục và tâm lý, đối diện với áp lực và tìm giải pháp vượt qua là điều cần thiết để đạt được thành công trong cuộc đời mỗi người. Tuy nhiên có một thực tế là nhiều phụ huynh vô tình đã tạo thêm áp lực, tâm lý nặng nề, lo lắng cho con em mình xuất phát từ sự kỳ vọng, mong muốn con đạt được kết quả như ý nhưng lại vượt quá khả năng của các con. 

Tiến sỹ Ngô Xuân Điệp, Trưởng Khoa Tâm lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Ở trường học, mỗi học sinh có mức độ tiếp thu rất khác nhau. Vì vậy, phụ huynh cần lưu ý làm sao để tạo cho con em mình niềm vui, tự tin khi tiếp nhận kiến thức cũng như khi đi thi chứ không phải là tạo áp lực từ sự cầu toàn của gia đình.

Theo Tiến sỹ Tâm lý Tô Nhi A (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh), khi con chuẩn bị bước vào các lớp đầu cấp như lớp 1, lớp 6, lớp 10, phụ huynh cần có sự chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho con và ngay cả bản thân mình, bởi giai đoạn chuyển cấp học sẽ có những sự kiện hoặc kỳ thi mang tính bước ngoặt với các con. Đối với việc chọn trường, thi cử, phụ huynh nên đồng hành, có sự phân tích, định hướng phù hợp năng lực, thiên hướng của con và cũng nên lắng nghe những chia sẻ, suy nghĩ của con. Đôi khi, chỉ từ một câu nói mang tính so sánh hơn-kém, một cái nhìn thoáng vẻ thất vọng cũng khiến con cảm thấy áp lực, lo lắng nhiều hơn.

Thanh Trà (TTXVN)