06:05 10/06/2014

Nhiều chồng chéo giữa hai dự luật căn cước và hộ tịch

Ngày 9/6, thảo luận tại tổ về Dự án Luật Căn cước công dân và Dự án Luật Hộ tịch, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại về tính khả thi bởi có sự chồng chéo và mâu thuẫn giữa hai luật.

Ngày 9/6, thảo luận tại tổ về Dự án Luật Căn cước công dân và Dự án Luật Hộ tịch, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại về tính khả thi bởi có sự chồng chéo và mâu thuẫn giữa hai luật.


Góp ý vào Dự án Luật Căn cước, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) cho rằng, ông còn băn khoăn về tên gọi của dự thảo luật vì dự thảo quy định việc cấp thẻ căn cước cho công dân được làm từ khi trẻ được sinh ra. Nếu vậy thì không nên gọi là thẻ căn cước công dân. Bởi một khi đã gọi là thẻ căn cước công dân thì người đó phải luôn mang theo bên mình, gắn liền với công dân. Trong khi đó, trên thực tế, thẻ căn cước của trẻ lại do bố mẹ, người giám hộ giữ.


Trong khi đó, Dự án Luật Hộ tịch quy định cấp giấy khai sinh cho trẻ em mới sinh ra, làm cơ sở cho việc quản lý nhà nước đối với công dân. Như vậy, giấy khai sinh và thẻ căn cước cùng được cấp khi trẻ mới được sinh ra, lại có sự trùng lặp về nguồn thông tin, nội dung thông tin. Theo ông Thảo, chỉ cần một trong hai loại giấy tờ này là đủ để tránh phiền hà cho người dân khi đi làm thủ tục.


Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) phân tích: “Luật căn cước công dân quy định phải khai các thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhận dạng của công dân để phân biệt người này với người khác. Tôi thấy, đây là thông tin về hộ tịch cộng thêm thông tin về nhận dạng. Trong khi đó, trong thời đại hiện nay, đặc điểm nhận dạng của con người lại có thể thay đổi thiên biến vạn hóa do phẫu thuật thẩm mỹ. Bởi vậy, từ “nhận dạng” cũng cần phải cân nhắc, xem xét lại”.

Ngày 9/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ, sử dụng nguồn tăng bội chi ngân sách nhà nước và giảm chi ngân sách trung ương năm 2013, trong đó Quốc hội quyết định chi hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư 16.000 tỷ đồng.


Do đó, đại biểu cho rằng không cần phải làm Luật Căn cước nữa; mà chỉ cần đổi mới phương cách về quản lý dân cư, xây dựng được mã số định danh cá nhân để kết nối với các loại giấy tờ khác của công dân. Thay vì dùng cả thẻ căn cước và mã số định danh cá nhân thì ta chỉ cần mã số định danh cá nhân. Mỗi công dân chỉ cần một loại giấy tờ này là đủ.


Trước tình trạng tồn tại hai loại chứng minh thư nhân dân, đại biểu Đào Trọng Thi (Hà Nội) góp ý: Hiện nay, số chứng minh thư 9 số và 12 số không có mối liên hệ gì với nhau. Đáng ra, ngay từ trước khi xây dựng số chứng minh thư 12 số đã phải tính đến mối quan hệ với chứng minh thư 9 số, có thể chuyển từ 9 số sang 12. “Việc này không khó, các nhà mạng điện thoại làm được. Khi tăng số điện thoại lên, họ có nguyên tắc chuyển từ số cũ sang số mới. Nếu làm như vậy với chứng minh thư 12 số, sẽ tiết kiệm được ít nhất là 2/3 tổng số tiền (kinh phí dự kiến là hàng nghìn tỷ đồng). Tôi có cảm giác là chúng ta đang tìm cách tiêu tiền. Bây giờ sửa vẫn kịp!”, ông Thi nhận xét.


Trước thực trạng đang và sẽ tồn tại quá nhiều loại giấy tờ của công dân, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) băn khoăn: Sẽ tồn tại tới bốn loại giấy tờ: Chứng minh nhân dân 9 số, 12 số, mã số định danh cá nhân và thẻ căn cước công dân. “Bốn loại giấy tờ này có là một hay không; nếu có thì bao giờ thì nó là một. Đến thời điểm nào thì không còn cần sử dụng cùng một lúc hai chứng minh thư 9 số và 12 số; đến khi nào thì một người sinh ra có một thẻ căn cước công dân; đến bao giờ thì tất cả các loại giấy tờ liên quan đến mỗi cá nhân như giấy khai sinh, thẻ căn cước công dân, mã số thuế, bằng lái xe ô tô, bằng lái xe máy, thẻ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ ngân hàng… được tích hợp làm một?”, đại biểu Hồng Hà đặt câu hỏi. Nhiều ý kiến khác cũng đồng tình khi cho rằng, ban soạn thảo của cả hai dự án luật cần phải làm rõ thêm các chi tiết này.

 

Huyền Tím