06:09 11/06/2020

Nhiều chỉ số chứng khoán Mỹ và châu Âu đi xuống sau quyết sách mới của FED 

Chứng khoán toàn cầu hầu hết giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 10/6 sau khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu sẽ duy trì lãi suất ở mức thấp trước triển vọng kinh tế còn nhiều bất ổn. 

Chú thích ảnh
 Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 26/5/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1% xuống 26.989,99 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,5% xuống 3.190,14 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,7% và khép phiên ở mức 10.020,35 điểm, đánh dấu lần đầu tiên chỉ số Nasdaq kết thúc ngày giao dịch trên ngưỡng 10.000 điểm. 

Trước đó cùng ngày, FED thông báo duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục từ 0% đến 0,25% cho đến khi kinh tế Mỹ phục hồi sau đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19. Hầu hết các nhà hoạch định chính sách của FED dự kiến lãi suất cơ bản sẽ được giữ nguyên ít nhất đến hết năm 2022. 

FED cũng dự báo kinh tế Mỹ sẽ giảm 6,5% trong năm nay và tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống 9,3% so với mức 13,3% hiện tại. 

Theo Chủ tịch FED Jerome Powell, số liệu mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại nước này giảm trong tháng 5 là một "bất ngờ đáng hoan nghênh", nhưng ông cảnh báo "con đường phục hồi phía trước còn rất dài" khi đã có tới 20 triệu lao động mất việc do các lệnh giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19.  

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu đều giảm điểm sau khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra dự báo không mấy lạc quan đối với kinh tế thế giới.  

Chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 0,1% xuống 6.329,13 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) mất 0,7% xuống 12.536,16 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 0,8% xuống 5.053,42 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 0,8% xuống 3.293,71 điểm.  

OECD ngày 10/6 dự báo kinh tế thế giới năm 2020 sẽ giảm ít nhất 6% do tình trạng đóng cửa nền kinh tế ở các nước để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo sự hồi phục của kinh tế thế giới sẽ diễn ra “chậm và thiếu ổn định”.

* Trong phiên giao dịch cùng ngày 10/6, giá vàng thế giới giao ngay tiếp tục đi lên, tăng gần 1% và chạm mức cao nhất một tuần qua, sau khi FED giữ cam kết sẽ “xoa dịu” những thiệt hại kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,8%, lên 1.728,76 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn giảm nhẹ 0,1%, xuống 1.720,70 USD/ounce.

* Giá dầu thế giới tăng trở lại cho dù dự trữ dầu của Mỹ tăng lên mức kỷ lục khiến thị trường lo ngại về tình trạng dư cung kéo dài do nhu cầu yếu. Khép phiên này, giá dầu Brent tăng 55 xu Mỹ lên 41,73 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 66 xu Mỹ lên 39,60 USD/thùng sau khi giảm hơn 2% trong phiên.

Nguyễn Hằng (TTXVN)