05:16 11/05/2021

Nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng, tiên lượng nặng, 1 bệnh nhân nguy cơ tử vong cao

Trong số các bệnh nhân COVID-19 nặng, có 1 bệnh nhân đang nguy kịch, nguy cơ tử vong cao. Hiện nguy cơ dịch tấn công vào bệnh viện đang lớn, các bệnh viện cần có phương án dự phòng nếu phải cách ly phòng dịch.

Chú thích ảnh
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cách ly y tế phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN.

Tích cực cứu chữa bệnh nhân COVID-19 nặng

Chiều 11/5, thông tin về tình hình điều trị các ca bệnh COVID-19, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết: “Hiện cả nước có 6 bệnh nhân COVID-19 ở tình trạng nặng, trong đó có 1 bệnh nhân rất nặng; có 31 bệnh nhân tiên lượng nặng và 253 bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng chưa có diễn biến nặng. Trong đó có 1 ca bệnh nguy kịch đang phải chạy hệ thống tim phổi nhân đạo (ECMO), đã được Hội đồng chuyên môn hội chẩn, đưa ra khá nhiều nhóm giải pháp cố gắng cứu chữa, nhưng hiện tiên lượng nguy cơ tử vong cao”.

Ngay trong sáng 11/5, tại Bệnh viện Đa khoa khu vực tỉnh An Giang (Châu Đốc, tỉnh An Giang) cũng có thêm 1 bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng là bệnh nhân nhập cảnh từ Campuchia về. Hội đồng chuyên môn đã tiến hành ngay trong sáng cùng ngày, với tinh thần cố gắng cứu chữa bệnh nhân. Các bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, hội đồng chuyên môn điều trị bệnh nhân COVID-19 rất quan tâm đối với việc điều trị các bệnh nhân nặng.

Nhận định về đợt dịch thứ 4, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đánh giá: Tính đến thời điểm hiện tại, đợt dịch COVID-19 thứ 4 mới chỉ bùng phát khoảng nửa tháng, nhưng con số mắc đã bằng 1/6 số ca bệnh của từ đầu mùa dịch tới nay.

Đợt dịch này đã ảnh hưởng rất lớn đến khu vực các bệnh viện, đặc biệt có hai bệnh viện, là “thành trì” trong điều trị COVID-19 và điều trị ung thư, là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K đã bị dịch tấn công. Như vậy, dịch đã tấn công vào thẳng các cơ sở đầu não, lan rộng ra các tỉnh, rất phức tạp.

“Chưa bao giờ có nhiều bệnh viện phải phong toả, cách ly như trong đợt dịch thứ 4 này. Đến nay, đã có 10 bệnh viện phải cách ly phòng dịch”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là dịch xuất hiện ở các bệnh viện tuyến cuối, nơi có nhiều người bệnh đến khám và điều trị, sau đó trở về các địa phương và làm lây lan ra cộng đồng...

Các bệnh viện cần chủ động, có phương án dự phòng

Việt Nam đang trong tình thế vô cùng cấp bách, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã nhận định đợt này phức tạp, tiên lượng về khả năng bùng phát dịch. Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra khu vực biên giới. Dù đã có thời gian chuẩn bị từ trước đó, nhưng khác với dự đoán dịch tễ ở khu vực biên giới Tây Nam sang, thì dịch lại khởi đầu từ một bệnh nhân nhập cảnh từ Nhật về Đà Nẵng, sau đó về Hà Nam gây ra ổ dịch. Tiếp đó lại xuất hiện thêm ổ dịch lây lan từ nhóm chuyên gia Trung Quốc ở Yên Bái, sau đó đến Vĩnh Phúc. Tiếp theo nữa là ổ dịch cộng đồng xâm nhập vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; ổ dịch ở Bệnh viện K cũng xuất phát từ bệnh nhân mắc bệnh ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Đặc biệt, ca bệnh ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được phát hiện “vô tình” khi đi công tác nước ngoài.

Các chuyên gia cũng nhận định, các địa phương đã bị động khi phát hiện các ca bệnh trong bệnh viện, kể cả việc phát hiện ca bệnh đầu tiên ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Khi phát hiện cán bộ tế mắc COVID-19 sau khi đến Lào, sau đó qua sàng lọc đã ghi nhận nhiều ca bệnh, chứng tỏ trước đó dịch đã xuất hiện tại Bệnh viện và khi đó mới phát hiện ra. Thậm chí, đến thời điểm hiện tại, bệnh viện vẫn đang triển khai xét nghiệm và vẫn phát hiện thêm bệnh nhân, người nhà dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là bài học sâu sắc để rút kinh nghiệm cho các bệnh viện khác.

Cảnh báo tình thế khó khăn khi phải phong toả, cách ly bệnh viện phòng dịch, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, các bệnh viện cần có phương án “dự phòng” lực lượng cán bộ y tế. Cụ thể, cần phải “dự trữ” khoảng 1/3-1/4 lực lượng của bệnh viện để làm phương án dự bị, nếu có tiên lượng, có phong toả, cách ly bệnh viện, vẫn có thể thay ca nhau để duy trì hoạt động.

"Trong bối cảnh hiện nay, các bệnh viện cần phải hết sức chủ động, nâng cảnh báo lên mức cao nhất. Chỉ tính riêng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có dịch đã kéo theo ảnh hưởng tới 20 tỉnh, thành phố. Trong khi đó, hiện đã có 10 bệnh viện đã phải cách ly, nếu số bệnh viện có dịch tăng lên hàng chục, thì Việt Nam sẽ rơi vào tình cảnh giống các nước", PGS.TS Lương Ngọc Khuê cảnh báo.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức