08:16 07/08/2017

Nhiều bất cập trong thực hiện chính sách ở vùng đặc biệt khó khăn

Việc thực hiện các chính sách đối với những người làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho các đối tượng hưởng lương, tạo thuận lợi cho việc thực hiện công tác điều động, luân chuyển và bố trí cán bộ của cấp ủy, chính quyền ở những vùng này.

Đánh giá trên được Bộ Nội vụ đưa ra tại một hội nghị diễn ra sáng 7/8 nhằm tổng kết các nghị định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhà giáo, y bác sĩ và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Cán bộ Y tế xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu khám vòm họng cho trẻ nhỏ. Ảnh: Quang Duy/TTXVN

Bất cập trong chính sách

Theo báo cáo của Bộ Y tế, có 126.877 lượt cán bộ, viên chức y tế hưởng các chính sách theo Nghị định 64 với tổng kinh phí thực hiện giai đoạn 2009 - 2016 trên 2.784 tỷ đồng. Báo cáo chưa đầy đủ của Bộ Nội vụ cho thấy, trên 1,6 triệu lượt người được hưởng chính sách theo Nghị định 116 với tổng số tiền 22.610 tỷ đồng.

Các chính sách quy định tại ba Nghị định trên đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang, góp phần khuyến khích, động viên họ yên tâm công tác lâu dài ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, gắn bó với địa bàn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt là hai ngành Giáo dục và Đào tạo, Y tế với sự ưu đãi phụ cấp ngành, phụ cấp khu vực, chính sách thu hút đã tạo điều kiện từng bước khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên, cán bộ y tế kéo dài nhiều năm. Việc triển khai thực hiện Nghị định trong thời gian qua đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, đảm bảo tính dân chủ, minh bạch; chế độ, chính sách được chi trả đảm bảo đúng đối tượng theo quy định; kịp thời điều chỉnh, bổ sung đối tượng được hưởng khi có sự thay đổi, giải quyết những vướng mắc phát sinh.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng, các chính sách có ý nghĩa giá trị nhân văn, thiết thực, hiệu quả, tạo lực hút cho các vùng đặc biệt khó khăn và tạo điều kiện cho địa phương thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ. Với những lợi ích cụ thể, đã tác động về mặt tinh thần, thúc đẩy những cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc có động lực hơn, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Song, trong quá trình thực hiện, những bất cập, hạn chế là không ít. Nói như Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, bất cập của chính sách từ cả khâu soạn thảo lẫn khâu thực hiện. Có những nội dung chưa triển khai bởi có vướng mắc, có địa phương thực hiện chậm, như chính sách về: tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; vận chuyển, mua nước ngọt…

Các Nghị định ra đời theo từng lĩnh vực, rất khó trong cách hiểu văn bản, chính sách. Vì thế, ngành Giáo dục – Đào tạo của Đắc Nông đã từng mất 40 tỷ đồng để trả lại cho giáo viên, những người lẽ ra được hưởng chính sách lại chưa được hưởng – bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết.

Còn theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, chính sách này rất quan trọng, rất khó, liên quan đến sự thay đổi của đối tượng. Còn những khoảng trống trong việc xây dựng các nội dung chính sách và các văn bản hướng dẫn, do sự phối hợp của các bộ, ngành có liên quan.

“Chúng ta đưa ra hệ thống chính sách liên quan đến các văn bản mang tính mơ hồ, nhiều điểm không rõ ràng nên các địa phương thực hiện không thống nhất, nhiều địa phương chi trả sai cả đối tượng và địa bàn dẫn đến bài toán mà Bộ Tài chính đến nay chưa có lời giải liên quan đến con số chi trả” - ông Thành nói.

Cũng theo ông Thành, qua giám sát của Hội đồng Dân tộc, công tác phối hợp các ngành trong địa phương chưa tốt, không liên thông về thông tin, đây là khâu yếu và thiếu. Vấn đề tiếp cận đối tượng thụ hưởng chính sách, tiêu chí điều kiện thụ hưởng thay đổi theo từng giai đoạn nhưng trên thực tế chúng ta vẫn áp dụng một chính sách, chưa cập nhập theo yêu cầu nên gây khó khăn cho ngân sách.

Thống nhất đầu mối

Các đại biểu đều chung quan điểm hợp nhất ba văn bản để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, rõ ràng, cần rà soát kỹ về địa bàn, xem xét kỹ đối tượng và các định mức hỗ trợ.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng, do chính sách được quy định tại nhiều văn bản nên dẫn đến cách hiểu và thực hiện không thống nhất, chồng chéo, có đối tượng được hưởng cùng lúc nhiều chính sách. Để chính sách đồng bộ, thực hiện thống nhất, hiệu quả, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan và sự tham gia ý kiến của các địa phương có vùng đặc biệt khó khăn xây dựng Nghị định mới quy định chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

“Đây cũng là một cố gắng của Chính phủ trong cải cách hành chính để thống nhất giao một đầu mối, tránh một việc giao nhiều đầu mối, dễ tiêu cực, gây khó khăn cho người thực hiện” - Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nói.

* Nghị định số 116/2010/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; Nghị định số 61/2006/NĐ-CP về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Nghị định số 64/2009/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Nghị định 116/2010/NĐ-CP, Nghị định 61/2006/NĐ-CP và Nghị định 64/2009/NĐ-CP được được áp dụng trong giai đoạn 2011 - 2016 tại huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1; 2.068 xã khu vực III theo Quyết định số 447/QĐ-UBDT công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012 - 2015; 311 xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 539/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2013 - 2015; 736 xã không thuộc diện đặc biệt khó khăn thuộc 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a và 3.926 thôn đặc biệt khó khăn giai đoạn 2011 - 2016 theo Quyết định số 447/QĐ-UBDT.
Chu Thanh Vân (TTXVN)