06:19 10/06/2021

Nhật-Hàn cùng bày tỏ quan ngại về Viện Khổng Tử của Trung Quốc

Nhiều nước đang thể hiện thái độ dè chừng với Viện Khổng Tử - nơi quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc tại nước ngoài. Gần đây, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng theo chiều hướng này.

Chú thích ảnh
Viện Khổng Tử tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: SCMP

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đưa tin Mỹ, Australia và nhiều quốc gia châu Âu nghi ngờ rằng Bắc Kinh sử dụng Viện Khổng Tử để truyền bá tư tưởng, can thiệp vào tự do ngôn luận tại các trường đại học có viện này. Viện Khổng Tử xuất hiện tại 160 quốc gia với 500 cơ sở.

Viện Khổng Tử được coi là đối tác giáo dục công giữa các trường đại học, cao đẳng Trung Quốc và nước ngoài. Đơn vị giám sát Viện Khổng Tử là Trung tâm Giáo dục và Hợp tác ngôn ngữ Hanban.

Hàn Quốc là nơi có nhiều Viện Khổng Tử nhất với 22 cơ sở. Viện Khổng Tử đầu tiên tại Hàn Quốc được thành lập ở quận Gangnam, thủ đô Seoul từ năm 2004. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động Hàn Quốc phản đối các Viện Khổng Tử này.

Trong khi đó, chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã mở điều tra về nguồn vốn, hoạt động và tầm ảnh hưởng của viện này.

Vào đầu tháng 6, một nhóm các nhà hoạt động do ông Han Min-ho, cựu quan chức Bộ Văn hóa Hàn Quốc, dẫn đầu đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Seoul. Ông Han Min-ho chia sẻ với This Week In Asia rằng không muốn viện này tồn tại ở Hàn Quốc.

Ông Han Min-ho cũng đưa ra quan điểm cá nhân rằng nhiều học giả, chính khách của Hàn Quốc đã nhầm lẫn khi cho rằng Viện Khổng Tử hoạt động tương tự các tổ chức văn hóa ngôn ngữ nổi tiếng khác như Francaise của Pháp, Hội đồng Anh và Viện Goethe (Đức).

Ông Han Min-ho còn đề cập rằng nữ nghị sĩ Chung Kyung-hee thuộc đảng Sức mạnh Nhân dân trong một cuộc họp của quốc hội năm 2020 đã cáo buộc Viện Khổng Tử tác động đến lịch sử. 

Chú thích ảnh
Học viên tại một Viện Khổng Tử ở Mỹ năm 2018. Ảnh: AP

Trong khi đó, Bộ Giáo dục Nhật Bản xác nhận đã điều tra các khiếu nại cho rằng Viện Khổng Tử bị lợi dụng để tuyên truyền. Theo đó, các trường đại học có Viện Khổng Tử được yêu cầu cung cấp chi tiết về hoạt động, nguồn quỹ và số sinh viên tham gia viện này.

Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản Koichi Haguida trong buổi điều trần tại quốc hội vào tháng 5 nhấn mạnh: “Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu cho rằng nên đóng cửa các Viện Khổng Tử hoặc yêu cầu những cơ sở này tiết lộ đầy đủ thông tin”.

Giáo sư Yoichi Shimada tại Đại học Fukui nhận xét: “Tại Nhật Bản, mối lo ngại lớn nhất là những cơ sở này hoạt động để tạo đồng cảm với phiên bản lịch sử, chính trị hoặc văn hóa dưới góc nhìn của Bắc Kinh”.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xếp trung tâm vận hành Viện Khổng Tử tại Mỹ là “cơ quan đại diện nước ngoài” của chính phủ Trung Quốc.

Các trường đại học Australia nơi có Viện Khổng Tử nhận được yêu cầu từ tháng 5 đệ trình các thỏa thuận để chính phủ nước này xem xét từ 10/6. Ở châu Âu, những trường đại học tại Thụy Điển, Đức và Bỉ đã cắt mối liên hệ hoặc đóng cửa các Viện Khổng Tử sau nghi vấn về sai phạm.

Hà Linh/Báo Tin tức