06:10 19/06/2015

Nhật: 'Xây xong không có nghĩa Trung Quốc có quyền sở hữu đảo nhân tạo'

Ngay sau tuyên bố “sắp hoàn thành” dự án xây “đảo nhân tạo” ở Biển Đông, Bắc Kinh đã nhận được một cảnh báo sắc lẹm từ Tokyo: Xây xong rồi không có nghĩa là có quyền sở hữu “đảo”.

Ngay sau tuyên bố “sắp hoàn thành” dự án xây “đảo nhân tạo” ở Biển Đông, Bắc Kinh đã nhận được một cảnh báo sắc lẹm từ Tokyo: Xây xong rồi không có nghĩa là có quyền sở hữu “đảo”.

Ngày 16/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) bất ngờ tuyên bố, kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp của nước này ở Biển Đông “sắp hoàn thành” và Trung Quốc sẽ chuyển sang xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ các mục đích dân sự và quân sự theo dự kiến.

Hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc tại bãi Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: Reuters


Ông Lục Khảng cũng nói rằng việc xây đảo là “công bằng, hợp pháp, không ảnh hưởng tới tự do hàng hải, hàng không” trên Biển Đông và không nhằm chống lại bất kì một nước nào.  Thế nhưng chẳng có ai tin vào điều này. Trong khi Mỹ và nhiều nước liên tục phản đối “đảo nhân tạo” mà Trung Quốc xây dựng, thì Nhật Bản là nước đưa ra tuyên bố cứng rắn hơn.

“Chúng tôi đặc biệt quan ngại về những hành vi nhằm thay đổi nguyên trạng, vốn là nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng… Với việc Trung Quốc tuyên bố hoàn thiện xây dựng, chúng ta không chấp nhận rằng đảo nhân tạo này là sự đã rồi”, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Yoshihide Suga phát biểu trước báo giới, kèm theo lưu ý do các đảo này được xây dựng trái phép ở vùng biển tranh chấp, nên nó không thể tự động là “tài sản” của Bắc Kinh.

Trong 18 tháng qua, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng trái phép quy mô lớn trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, với diện tích “cơi nới” lên đến hơn 800 hecta. Việc làm này đã vấp phải sự phản đối gay gắt của cộng đồng quốc tế. Mỹ, Nhật Bản, Nhóm G-7 và nhiều nước trên thế giới yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay hoạt động trái phép này, không dùng “sức mạnh cơ bắp" trong giải quyết tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế, không cản trở tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Hoài Thanh (Theo Sputnik, Reuters)