10:07 29/10/2017

Nhất thể hoá Bí thư kiêm Chủ tịch xã, thị trấn: Bài cuối - Cần cơ chế phù hợp

Xử lý công việc nhanh hơn, hiệu quả hơn - đó không chỉ là khẳng định của 13 đồng chí đang kiêm nhiệm chức danh Bí thư và Chủ tịch UBND xã, thị trấn trên địa bàn huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) mà còn được thể hiện rõ qua kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, để mô hình nhất thể hóa vận hành tốt, bên cạnh việc chọn được nhân sự “ưu tú” cũng cần có quy chuẩn và cơ chế chính sách phù hợp.

Hiệu quả cao

Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú) Lê Thị Hải Âu chia sẻ: Tôi mới đảm nhiệm công việc Chủ tịch xã nhưng đã có kinh nghiệm làm Bí thư Ðảng ủy. Khi được lãnh đạo huyện giao trọng trách Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã, quả thực cũng thấy lo bởi phải “đóng” luôn cả "hai vai". Công việc thì gấp đôi, nếu không làm tốt, chắc chắn sẽ vỡ trận. Vừa làm vừa học việc, tôi bắt tay ngay cùng cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, điều hành và thực hiện. Quan trọng là phải bố trí thời gian hợp lý, phân vai, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho bản thân cũng như các đồng chí trong Ban Thường vụ và các đồng chí Phó Chủ tịch UBND. Nhờ đó, công việc của xã nhanh chóng nhịp nhàng trở lại. Theo bà Âu, việc nhất thể hóa chức danh rất thuận lợi cho công tác điều hành, chỉ đạo nhưng cũng đòi hỏi người cán bộ phải năng nổ, hoạt bát, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao hơn; khi xử lý công việc, vừa đảm bảo sự thống nhất, nhanh và khẩn trương hơn.

Đóng “hai vai”, vừa là Bí thư Đảng ủy nắm kỹ các chủ trương của Đảng, vừa là Chủ tịch UBND xã trực tiếp chỉ đạo thực hiện đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp xúc giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong nhân dân; từ đó, tạo được niềm tin, bà con đồng lòng ủng hộ các chủ trương do địa phương đề ra. Thực tế, nếu là hai người đảm nhận hai cương vị sẽ phải mất thêm thời gian để xin ý kiến, phối hợp giữa người đứng đầu cấp ủy và chính quyền.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang tiếp xúc với cử tri tại huyện Châu Phú (An Giang). 

Hiệu quả thể hiện rõ trên các mặt công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của xã, nhất là việc xã Khánh Hòa mạnh dạn “xin” được xây dựng nông thôn mới (dù không nằm trong lộ trình xây dựng nông thôn mới của huyện và tỉnh) với mục tiêu phấn đấu đến năm 2018 hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu để được công nhận xã nông thôn mới. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phát huy nội lực sức dân, đến nay 100% tuyến đường trục chính, đường liên xã, liên ấp và đường nội đồng trên địa bàn xã Khánh Hòa đã được láng nhựa, giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương của bà con thuận lợi. Tiêu biểu là 10km đường vòng nối liền 4 ấp Khánh Thuận, Khánh Châu, Khánh Lợi, Khánh Đức đã được láng nhựa phẳng với tổng kinh phí trên 14 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân tự nguyện đóng góp 70% số tiền và hàng ngàn ngày công lao động. Hiện xã Khánh Hòa đang hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để được công nhận xã nông thôn mới vào cuối năm 2017.

Cũng giống như Khánh Hòa, với mục tiêu xây dựng xã Bình Chánh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016, anh Trần Minh Tâm sau khi đảm nhiệm thành công vai trò Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND xã Ô Long Vĩ (huyện Châu Phú) được luân chuyển về xã vùng sâu Bình Chánh. Nhờ công tác chỉ đạo, điều hành khá “thạo” và thực hiện bài bản, ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, anh cùng tập thể lãnh đạo xã Bình Chánh xây dựng xã nông thôn mới thành công.

Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Châu Phú Nguyễn Nghi Em cũng nhận định, nếu chọn được nhân sự tốt, cán bộ giúp việc có năng lực thì nên thực hiện nhất thể hóa. Mô hình này giúp xử lý công việc kịp thời, nhanh chóng, thông suốt, giảm hội họp, tiết kiệm thời gian; nâng cao hiệu quả việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đây cũng là môi trường để thử thách, rèn luyện cán bộ qua thực tiễn công tác; đồng thời, củng cố tinh thần đoàn kết nhất trí trong nội bộ, việc tổ chức và huy động nguồn lực được thuận lợi, sự phối hợp và gắn kết các thành viên của hệ thống chính trị ngày càng chặt chẽ hơn.

Tiếp tục nhân rộng

Cùng với việc thực hiện mô hình “2 trong 1”, Châu Phú còn tiến hành sắp xếp, kiêm nhiệm một số chức danh cán bộ xã, thị trấn đối với các chức danh có nhiệm vụ tương đồng. Cụ thể, đã bố trí sắp xếp, kiêm nhiệm các chức danh cấp xã, thị trấn gồm: 13/13 xã, thị trấn có Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND, phụ trách công tác Đảng; 4/13 xã, thị trấn có Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ, phụ trách Khối vận; 6/13 xã, thị trấn, Phó Chủ tịch HĐND kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra; 10/13 xã, thị trấn, cán bộ Tổ chức kiêm công tác Nội vụ; 3/13 xã, thị trấn, cán bộ Tuyên giáo kiêm Văn phòng Đảng ủy; 1/13 xã, cán bộ văn hóa phụ trách Đài Truyền thanh, quản lý Nhà Văn hóa; 8/13 xã, thị trấn, Ủy viên Thường trực Ủy ban MTTQ kiêm công tác dân vận; 6/13 xã, thị trấn, cán bộ địa chính - xây dựng kiêm cán bộ giao thông - thủy lợi; 1/13 xã, thị trấn, Chủ tịch Công đoàn kiêm Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ và 1/13 xã Chủ tịch Công đoàn kiêm cán bộ xóa đói giảm nghèo - gia đình trẻ em.

Theo bà Lê Thị Kim Hồng - Phó Bí thư Huyện ủy Châu Phú, sau khi thực hiện việc sắp xếp, kiêm nhiệm, số cán bộ chuyên trách giảm 1 định suất, đồng thời giảm 6 định suất đối với công chức, cán bộ không chuyên trách. Việc sắp xếp, kiêm nhiệm các chức danh có nhiệm vụ tương đồng trong hoạt động của cán bộ xã, thị trấn góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy và cán bộ; tập trung đầu mối giải quyết một số đầu công việc; tiết kiệm, giảm chi thường xuyên; giúp bộ máy gọn nhẹ, tránh tình trạng cồng kềnh về tổ chức, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; quản lý và sử dụng biên chế có hiệu quả...

Bên cạnh những mặt tích cực, Huyện ủy Châu Phú cũng nhận thấy còn nhiều điểm bất cập cần khắc phục khi thực hiện mô hình này như: Một số nơi chưa xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND một cách đồng bộ nên quá trình thực hiện nhiệm vụ còn lúng túng, chưa phân định rõ khi nào ở “vai" Bí thư với tư cách là người đứng đầu cấp ủy giải quyết công việc theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; khi nào ở “vai" Chủ tịch UBND với tư cách người đứng đầu cơ quan hành chính cùng cấp thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định.

Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND thường phải giải quyết nhiều công việc cụ thể của chính quyền, phải tham gia nhiều cuộc họp do cấp ủy, UBND cấp trên triệu tập, do vậy ít có thời gian đi cơ sở; công tác xây dựng Đảng, xây dựng đoàn thể cũng như công tác kiểm tra, giám sát thực hiện còn ít. Vì vậy, có nơi xảy ra tình trạng quan liêu, bỏ sót việc, ảnh hưởng đến vai trò, chức năng lãnh đạo toàn diện của cấp ủy. Bên cạnh đó, một số cán bộ sau thời gian thực hiện tốt "hai vai” đã được tín nhiệm giữ trọng trách cao hơn nên dẫn đến thiếu hụt về nhân sự.

Về lâu dài, cần có hướng dẫn chung về Quy chế làm việc của Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND nhằm định hướng cho cơ sở. Cùng với đó, công tác đào tạo cán bộ phải được thực hiện quyết liệt để tạo nguồn, nhất là các vị trí chủ chốt; phụ cấp cho cán bộ kiêm nhiệm cần tương xứng để khuyến khích cán bộ cống hiến. Có như vậy, mô hình nhất thể hóa chức danh chủ chốt ở cấp cơ sở mới thực sự đi vào chiều sâu.

Tin, ảnh: Công Mạo (TTXVN)