05:08 04/05/2014

Nhất thân, nhì quen

Mối quan hệ thân tình giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với cựu Thủ tướng Đức Gerdhard Schröder là điều ai cũng rõ. Trong bối cảnh căng thẳng Ukraine leo thang, đặc biệt sau khi nhóm quan sát viên OSCE (trong đó có 4 người Đức) bị bắt cóc ở Đông Ukraine, thì mối quan hệ này lại được người ta thực sự quan tâm.

Mối quan hệ thân tình giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với cựu Thủ tướng Đức Gerdhard Schröder là điều ai cũng rõ. Trong bối cảnh căng thẳng Ukraine leo thang, đặc biệt sau khi nhóm quan sát viên OSCE (trong đó có 4 người Đức) bị bắt cóc ở Đông Ukraine, thì mối quan hệ này lại được người ta thực sự quan tâm.

Từ cuộc gặp ở St. Peterburg...

Không phải ngẫu nhiên ông Schröder tới St. Peterburg tổ chức sinh nhật muộn và mời người bạn Putin tới dự và cũng phải phải vô tình trong nhóm đi cùng ông Schröder lại có cả một số quan chức cấp cao trong liên minh cầm quyền ở Đức như Thủ hiến bang Mecklenburg-Vorpommern, ông Erwin Sellering (SPD), người phát ngôn chính sách đối ngoại của liên đảng bảo thủ Philipp Mißfelder (CDU) và Đại sứ Đức tại Moskva, ông Rüdiger Freiherr von Fritsch.

Cựu Thủ tướng Gerhard Schröder và Tổng thống Nga Vladimir Putin có quan hệ gần gũi. Ảnh: FNP


Tất nhiên, sau bữa tiệc sinh nhật gây "lùm xùm" này, ông Mißfelder đã nhận được vô số lời chỉ trích. Người ta không rõ liệu trong bữa tiệc, ngoài việc chúc tụng hay bàn quan hệ làm ăn kinh tế (ông Schröder hiện là Chủ tịch Uỷ ban cổ đông Công ty Dòng chảy phương Bắc), chủ và khách còn bàn những chuyện gì, có liên quan tới tình hình Ukraine hay chuyện các con tin đang bị nhóm dân quân li khai ở Slawjansk bắt giữ hay không.

Ông Schröder (SPD) làm Thủ tướng Đức từ 1998 đến 2005 và mặc dù không còn giữ trọng trách trong Chính phủ, song đảng trung tả của ông lại đang cùng cầm quyền trong Chính phủ đại liên minh do Thủ tướng Angela Merkel (CDU) đứng đầu. Vậy ông Schröder có thể giúp gì và tới đâu trong vụ khủng hoảng con tin, nhất là trong bối cảnh người nắm giữ Bộ Ngoại giao là ông Frank-Walter Steinmeier (người của SPD) đang loay hoay tìm cách đảm bảo tính mạng và giải phóng các con tin bị bắt giữ.

Thông tin không được tiết lộ nhiều, song ngay sau khi các con tin OSCE được trả tự do, Văn phòng của ông Schröder ở Berlin mới xác nhận với hãng tin DPA rằng trong cuộc gặp gây tranh cãi hôm 28/4 ở St. Peterburg, vị cựu Thủ tướng Đức "đã bàn với Tổng thống Nga về tình trạng các con tin OSCE". Bản thân ông Schröder không tiết lộ thông tin gì trong suốt mấy ngày qua, chỉ nói khi các con tin đã được thả rằng: "Đe doạ trừng phạt không đem lại điều gì. Kiên trì đối thoại và đàm phán trực tiếp mới là chìa khoá giải quyết cuộc xung đột Ukraine". Ông cũng cho rằng đây là bước tiến quan trọng nhằm giảm căng thẳng trong vấn đề Ukraine.

Đến... cựu "Uỷ viên nhân quyền Lukin"

Nhân vật góp phần rõ nét nhất vào việc giải cứu nhóm quan sát viên là Đặc phái viên của tổng thống Nga Vladimir Lukin. "Rõ nét" ở đây không chỉ được hiểu thông qua việc Đức gửi lời "cảm ơn chân thành" đích danh tới ông này, mà một ngày trước đó, chính thị trưởng tự xưng ở Slawjansk là Wjatscheslaw Ponomarjow tuyên bố sẽ trao trách nhiệm "bảo vệ" các quan sát viên OSCE cho ông Lukin và yêu cầu quân đội Ukraine tạo điều kiện cho Đặc phái viên này của Nga.

Máy bay chở nhóm quan sát viên OSCE vừa được trả tự do hạ cánh xuống sân bay Tegel ở Berlin tối 3/5. Ảnh: Reuters


Ban đầu Ponomarjow gọi các con tin là "gián điệp", rồi "tù binh chiến tranh" và đòi trao đổi lấy những tay súng bị giới chức Ukraine bắt giữ, nhưng sau đó lại gọi những người bị bắt là các "vị khách" và trả tự do mà không đòi trao đổi người. Hai ngày trước, Tổng thống Nga Putin quyết định cử cựu "uỷ viên về nhân quyền" Lukin tới Slawjansk đàm phán với các tay súng, bên cạnh Tổng thư ký Hội đồng châu Âu Thorbjörn Jagland trong một sứ mệnh chung. Ponomarjow sau này cho biết chính sứ giả của Moskva Lukin đã góp phần quan trọng vào việc trả tự do cho các quan sát viên.

Theo các nhà quan sát, việc Moskva cử một cựu uỷ viên kỳ cựu về nhân quyền mà không phải một bộ trưởng hay một chính trị gia cấp cao tới vùng chiến sự để chứng tỏ một điều rằng Nga nhìn nhận đây đơn thuần là sứ mệnh nhân quyền và rằng Nga không nắm Đông Ukraine và hay có ảnh hưởng gì tới các nhân vật li khai ở đây. Điều này cũng đã được một phát ngôn viên của Tổng thống Putin xác nhận, rằng "Nga đã mất ảnh hưởng đối với các tay súng ở Đông Nam Ukraine và Moskva không thể một mình giải quyết vấn đề".

Dù sao sứ mệnh giải thoát con tin đã diễn ra hết sức thành công, kể cả các sĩ quan Ukraine, vốn được coi là "đối địch" của các tay súng ủng hộ Nga, cũng đã được về nhà. Ngoại trưởng Đức Steinmeier cũng như Bộ trưởng Quốc phòng nước này Ursula von der Leyen đã được thở phào nhẹ nhõm. Sự thành công này không thể không nhắc tới cuộc gặp gây nhiều tranh cãi trong buổi sinh nhật muộn lần thứ 70 của cựu Thủ tướng Schröder.



Mạnh Hùng (Phóng viên TTXVN tại Berlin)