12:14 17/12/2013

Nhật tăng tiềm lực quốc phòng và hợp tác với ASEAN kìm chế Trung Quốc

Nhật Bản sẽ tăng chi tiêu quốc phòng trong những năm tới, tập trung vào việc mua máy bay cảnh báo sớm, tàu đổ bộ, máy bay chở quân và thúc đẩy hợp tác gần gũi với các đối tác châu Á để đối phó với sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc.

Nhật Bản sẽ tăng chi tiêu quốc phòng trong những năm tới, tập trung vào việc mua máy bay cảnh báo sớm, tàu đổ bộ, máy bay chở quân và thúc đẩy hợp tác gần gũi với các đối tác châu Á để đối phó với sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc.

Phi đội F-15 trong một cuộc kiểm tra của Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản hồi tháng 10. Ảnh: AFP



Kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng 2,6% trong 5 năm tới đã được chính phủ Nhật Bản thông qua ngày 17/12 đã đảo ngược một thập kỷ suy giảm và là tín hiệu rõ rằng nhất cho thấy cam kết của Thủ tướng Shinzo Abe muốn quân đội nước này có vai trò lớn hơn trong bối cảnh những căng thẳng leo thang với nước láng giềng khổng lồ, Trung Quốc về quần đảo đang tranh chấp trên biển Hoa Đông.

Ưu tiên hàng đầu của ông Abe là phục hồi lại đà tăng trưởng vốn rất “ì ạch” trong thời gian dài, nhưng ông cũng cam kết tăng cường sức mạnh của quân đội Nhật Bản cũng như những hồ sơ liên quan đến vấn đề an ninh để đáp ứng với những gì mà ông cho là có một mối đe dọa từ sự phát triển quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và những động thái của nước này trong thời gian gần đây nhằm khẳng định những tuyên bố chủ quyền về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà phía Nhật Bản đang kiểm soát.

“Trung Quốc đang đơn phương tìm cách thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực cả về không phận và lãnh hải tại biển Hoa Đông, Biển Đông và một số khu vực khác, điều này không phù hợp với trật tự quốc tế đã được thiết lập”, Nhật Bản cho biết trong chiến lược an ninh mới, một trong 3 kế hoạch vừa được thông qua ngày 17/12.

Quan điểm của Trung Quốc đối với các quốc gia khác và các động thái quân sự gần đây cùng với sự thiếu minh bạch về quân sự và các chính sách an ninh quốc gia đặt ra mối quan ngại đối với Nhật Bản nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung, điều này cần phải được giám sát chặt chẽ”, trích chính sách an ninh mới của Nhật Bản.

Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản, các nhà lãnh đạo của Nhật Bản và Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí về tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không.

Trong thông cáo báo chí, các nhà lãnh đạo trên khẳng định: "Chúng tôi đánh giá cao tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực, tích cực thúc đẩy an ninh tự do và an toàn hàng hải cũng như giải quyết các tranh cãi bằng con đường hòa bình".

Kế hoạch và chính sách an ninh mới trên của Nhật Bản chắc chắn sẽ gây nên sự phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc. “ Bắc Kinh đang theo dõi sát sao về các chính sách và kế hoạch an ninh của Tokyo. Nhật Bản không có lý do nào để chỉ trích Trung Quốc về các hoạt động hàng hải bình thường của Bắc Kinh”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói.

Căng thẳng đã leo thang giữa hai nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới này về quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông trong hơn 1 năm qua, đặc biệt là việc Trung Quốc mới đây tuyên bố thành lập Vùng Nhận dạng phòng không mới (ADIZ) trong đó bao phủ cả quần đảo trên, khiến Tokyo cũng như một số nước khác như Mỹ và Hàn Quốc phản ứng mạnh mẽ.


CT (Theo Reuters)