04:23 20/04/2012

Nhật ký của Hitler - vụ lừa đảo thế kỷ-Kỳ 3: Thần tượng Hitler

Mùa thu năm 1979, một phóng viên điều tra của tạp chí Stern tên là Gerd Heidemann đã được quan sát một vật vĩnh viễn làm thay đổi cuộc đời anh ta. Heidemann được mời tới nhà của một người sưu tập về Đệ Tam quốc xã là Fritz Stiefel.

Mùa thu năm 1979, một phóng viên điều tra của tạp chí Stern tên là Gerd Heidemann đã được quan sát một vật vĩnh viễn làm thay đổi cuộc đời anh ta. Heidemann được mời tới nhà của một người sưu tập về Đệ Tam quốc xã là Fritz Stiefel. Tại đây, phóng viên của Stern được chiêm ngưỡng bộ sưu tập vô giá các di vật thời Đức quốc xã. Dưới căn hầm, Heidemann kinh ngạc khi nhìn thấy những thứ như tranh vẽ và thư từ của Hitler.

Một trong những trang nhật ký mà Konrad Kujau đã mạo danh Hitler.


Tuy nhiên, vật gây chú ý nhất với anh ta là một tập sách hoen cũ, ngoài bìa có chữ viết tắt A.H. (Adolf Hitler) - nhật ký được cho là của Hitler. Trong tập tài liệu là những hàng chữ run rẩy, khi thì biết bằng bút chì, khi thì bút mực, đề ngày từ tháng 1 đến tháng 6/1935. “Nhà sưu tập” nói với Heidemann rằng, quyển nhật ký đó là một trong sáu tập nhật ký của Hitler, thuộc về một vị tướng ở Đông Đức và chính em trai của viên tướng này, có tên Konrad Fischer, đã mang chúng đến cho “nhà sưu tập”.

Heidemann là một người sùng bái Đức quốc xã và vẫn tôn sùng Hitler trong suốt hơn 35 năm kể từ ngày trùm phátxít tự sát. Heidemann tin rằng, Đệ tam quốc xã là một kỷ nguyên huy hoàng và thường hồi tưởng về thời kỳ đó. Heidemann cũng tích cực tìm kiếm và kết thân với những người có cùng quan điểm. Trong số này có các cựu sĩ quan SS Klaus Barbie, Wilhem Mohnke và Karl Wolff. Anh ta còn hẹn gặp Edda Goering và mua con thuyền Carin II, từng thuộc sở hữu của cha cô ta là đô đốc hải quân Đức phát xít, Herman Goering.

Phóng viên Stern, Gerd Heidemann - người đã kết nối cuốn nhật ký giả với giới truyền thông.


Tuy vậy, tạp chí Stern nơi Heidemann làm việc lại ít quan tâm đến niềm đam mê của anh ta với chế độ cũ. Mặc dù vậy, Heidemann vẫn tin rằng, nếu bằng cách nào đó, anh ta có được một tập của cuốn nhật ký, hay toàn bộ 6 tập, thì đó sẽ là một câu chuyện “động trời” mà Stern sẽ không thể bỏ qua, dẫu nó có thể gợi nhớ về một kỷ nguyên kinh hoàng.

Phóng viên của Stern đã tới ngôi làng Boernersdorf để tìm hiểu câu chuyện về chiếc máy bay và biết rằng, đã có một vụ tai nạn tại đây vào tháng 4/1945. Anh ta cũng biết về một chiếc hộp bí ẩn chứa đầy tài liệu. Hơn nữa, Heidemann ngạc nhiên biết rằng, có tới 27 hoặc hơn thế số tập nhật ký thuộc sở hữu của một người tên Konrad Fischer. Anh ta không hề hay biết rằng, Fischer chính là một trong các bút danh mà Konrad Kujau sử dụng.

Dựa trên thông tin có được, Heidemann đưa ra đề xuất với Stern với hy vọng sẽ được cấp kinh phí để mua các tập nhật ký. Thật bất ngờ, chủ báo đã quyết định chi gần 2 triệu mark để đổi lấy 27 tập nhật ký. Heidemann nhanh chóng liên hệ với Konrad.

Konrad biết sự quan tâm đặc biệt của Heidemann tới các tập nhật ký, nhưng hắn cực kỳ thận trọng trong bất cứ thỏa thuận nào với báo giới vì lo sợ việc công khai các tập nhật ký có thể dẫn đến bị phát hiện là giả mạo. Hắn cũng lo lắng có thể mất nguồn lợi lớn nếu bị lật tẩy. Trong khi đó, Heidemann cũng biết rằng Konrad là tay khó chơi, dù không hiểu hết các lý do hắn đưa ra. Vì vậy, phóng viên của Stern quyết định bắt nối với Konrad thông qua người quen của hắn, thay vì trực tiếp.
Nhưng do thương vụ liên quan đến một khoản tiền lớn, hai người đàn ông cuối cùng đã gặp gỡ để thương lượng. Konrad vẫn giữ bí mật danh tính, với hy vọng sẽ bảo vệ được lợi ích của mình trong trường hợp các tập nhật ký bị phát hiện là giả mạo. Với cách này, hắn có thể tập trung cho vấn đề lớn hơn trong tay - sản xuất nhanh 27 tập nhật ký giả mạo chữ viết tay của Hitler.

Konrad làm việc cả ngày lẫn đêm để “sản xuất” cho đủ số tập nhật ký có thể giúp hắn trở thành triệu phú. Cuối cùng vào tháng 1/1981, một trong các tập đã được giới thiệu với Heidemann. Sau đó, nó được chuyển cho công ty mẹ của Stern là Gruner&Jahr, nơi cấp tài chính cho hợp đồng mua bán.

Cuốn nhật ký được chào đón trong sự sợ hãi lẫn phấn khích. Không may, tâm lý phấn khích đã làm chệch đi phán xét của những người liên quan, vì không ai bận tâm đến tính xác thực của tập nhật ký. Thật kỳ lạ là họ đã tiếp nhận nó như một hiện vật thật mà không có chứng thực gì khác ngoài câu chuyện về chiếc máy bay gặp nạn của lực lượng SS và tin đồn về chiếc hòm bí ẩn. Đây là một trong những sai lầm lớn nhất trong lịch sử báo chí.

Khi những tập nhật kí bắt đầu thu hút sự quan tâm, Stern chuẩn bị công bố những tài liệu này ra khắp thế giới. Không ngoài dự đoán, số lượng tập nhật ký bắt đầu vượt qua mong đợi ban đầu. “Nguồn bí mật” của Heidemann đã tìm cách cung cấp thêm nhiều tập khác, được cho là đang bị tuồn lậu ra khỏi Đông Đức. Với mỗi tập mới được phát hiện, khoản tiền thưởng lại tăng lên cho cả Kujau và Heidemann.

Các lãnh đạo của Stern cũng kiếm lời lớn từ hợp đồng này. Càng có thêm nhiều tập nhật ký, câu chuyện của họ càng trở nên có giá hơn đối với các khách mua tiềm năng. Tuy vậy, trước khi Stern quyết định bán, họ muốn kiểm tra chắc chắn các tài liệu có được, đặc biệt sau khi đã đầu tư nhiều triệu mark cho dự án. Trong quá trình tìm cách kiểm chứng tính xác thực, Stern đã mắc những sai lầm nghiêm trọng, dẫn đến việc vụ giả mạo không bị lật tẩy.

Vài năm trước đó, một nhà sử học người Đức tên Eberhard Jäckel đã lấy một số bài thơ từ quyển nhật ký, từng nằm dưới hầm nhà Stiefel, đăng trong một cuốn sách ông ta bàn về chữ viết của Hitler. Sau khi được xuất bản, cuốn sách ngay lập tức bị chỉ trích là trích dẫn những bài thơ của một nhà thơ Đức quốc xã khác chứ không phải của Hitler. Trong một cuộc kiểm tra các tập nhật ký, Stern phát hiện ra rằng người viết những bài thơ được sử dụng bởi Jackel cũng chính là người viết các tập nhật ký.

Khi một chuyên gia nghiên cứu của Stern là Thomas Walde nhận ra người viết những bài thơ “đạo” mà Jackel sử dụng cũng chính là người viết các tập nhật ký, ông ta đã thúc Heidemann điều tra cẩn trọng hơn. Nhưng Heidemann đã phớt lờ cảnh báo này. Nếu Heidemann đã tiến hành một cuộc điều tra cẩn thận hơn, anh ta đã phát hiện ra rằng, các tập nhật ký được viết bởi cùng một người và đều là giả mạo.

Bạch Đàn