10:12 25/10/2012

Nhật cáo buộc tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết ba tàu thuộc sở hữu của Chính phủ Trung Quốc sáng 25/10 đã đi vào vùng biển xung quanh đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku và Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết ba tàu thuộc sở hữu của Chính phủ Trung Quốc sáng 25/10 đã đi vào vùng biển xung quanh đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku và Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư.

 

Tàu hải giám của Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hôm 20/10. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Thông báo của JCG nêu rõ khoảng 6h30' sáng 25/10 (21h30' giờ GMT ngày 24/10), ba tàu hải giám Trung Quốc đã xuất hiện tại vùng biển mà Nhật Bản nhận chủ quyền, ở gần đảo Minamikojima, một trong 5 đảo chính thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong khi đó, một tàu hải giám khác cũng xuất hiện trong khu vực được gọi là vùng tiếp giáp gần quần đảo tranh chấp. Trước đó, bốn tàu này đã hoạt động ở vùng biển tiếp giáp từ ngày 19/10.


Theo JCG, đây là lần thứ hai trong vòng ba tuần qua tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản, sau vụ việc tương tự ngày 3/10.

 

Thứ trưởng Bộ ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai sáng 25/10 đã có cuộc điện đàm với Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa, yêu cầu Bắc Kinh rút ngay các tàu hải giám khỏi lãnh hải Nhật Bản. Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản đã nâng cấp quy chế của đơn vị trực thuộc văn phòng thủ tướng phụ trách ứng phó với các hoạt động của tàu Trung Quốc.

 

Trong một diễn biến liên quan, Tân Hoa xã ngày 24/10 dẫn phát biểu của đại diện thường trực của Trung Quốc tại Văn phòng Liên hợp quốc ở Giơnevơ, ông Lưu Chấn Dân kêu gọi Nhật Bản có hành động cụ thể "sửa chữa sai lầm" trong vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và trở lại hướng đàm phán với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp.

 

Phát biểu tại Trung tâm Chính sách an ninh ở Giơnevơ (Thụy Sĩ) trước các quan chức ngoại giao và quốc phòng đến từ 24 nước, ông Lưu Chấn Dân nhấn mạnh "chừng nào cả hai nước cùng phối hợp với nhau, giữ bình tĩnh trong giải quyết tranh chấp, hai bên sẽ có thể tìm ra một phương thức tích cực hành động tương tác ở châu Á Thái Bình Dương theo hướng cùng tồn tại hòa bình và hợp tác đôi bên cùng có lợi".

 

 

TTXVN/Tin tức