06:15 30/06/2015

Nhật Bản-Philippines: Liên minh chiến lược mới ở Biển Đông?

Philippines và Nhật Bản đang tiến dần tới việc thành lập một liên minh mạnh, không ngại phớt lờ những đòi hỏi vô lý của Bắc Kinh về chủ quyền đối với Biển Đông.

Theo tờ "Chính trị thế giới", trong khuôn khổ cuộc tập trận phối hợp giữa Philippines và Nhật Bản mới đây, một máy bay tuần tra của không quân Nhật Bản đã bay sát vùng biển được cho là giàu tài nguyên năng lượng mà Trung Quốc và Philippines đang tranh chấp chủ quyền. Cuộc tập trận đã làm dấy lên những đồn đoán rằng Philippines và Nhật Bản đang tiến dần tới việc thành lập một liên minh mạnh, không ngại phớt lờ những đòi hỏi của Bắc Kinh về chủ quyền đối với vùng biển này.


Trực thăng của lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia trong một buổi tập trận bắn đạn thật.


Trung Quốc, quốc gia đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với gần 90% diện tích Biển Đông, ngay lập tức lên tiếng phản ứng "sự can thiệp" của Tokyo vào khu vực này. Trong khi đó, Manila và Tokyo lại coi cuộc tập trận chung nói trên là động thái thể hiện sự hợp tác song phương ngày càng tăng về an ninh, đồng thời khẳng định sự ủng hộ của Philippines đối với các nỗ lực quốc phòng của Nhật Bản.

Trước đó, đầu tháng 6/2015, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã hoan nghênh mong muốn của Nhật Bản về việc giữ một vai trò ngày càng tăng trong các hoạt động bảo đảm an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đối phó với những yêu sách biển đảo ngày càng lớn của Trung Quốc. Philippines quan tâm theo dõi việc Nhật Bản tái xem xét chính sách an ninh và sửa đổi Hiến pháp. Philippines cho rằng các nước có thiện chí đối với hòa bình, ổn định trong khu vực sẽ được lợi từ chính sách của chính phủ Nhật Bản: cho phép giúp đỡ các bạn bè trong lĩnh vực phòng vệ tập thể. Trên cơ sở nhận thức đó, mới đây Philippines đã ký kết một hợp đồng trị giá 12,79 tỷ yên (90 triệu euro) với một hãng tàu biển của Nhật Bản để cung cấp một hạm đội 10 tàu tuần tra, được tài trợ từ khoản vay với lãi suất thấp của chính phủ Nhật Bản. Đội tàu này sẽ giúp lực lượng hải quân Philippines bảo vệ tốt nhất những lợi ích về chủ quyền và vùng lãnh hải của mình trước những tham vọng của Trung Quốc.

Không chỉ tăng cường mua sắm vũ khí của Nhật Bản, mới đây Tổng thống Benigno Aquino còn cho biết đã mở các cuộc thương lượng với Tokyo để cho phép quân đội Nhật Bản sử dụng các căn cứ quân sự của Philippines để phục vụ mục đích hậu cần. Nếu thỏa thuận này được ký kết, các máy bay và tàu của quân đội Nhật Bản sẽ được mở rộng phạm vi hoạt động ở Biển Đông. Đối với Philippines, việc liên minh với Nhật Bản đã trở thành vấn đề trọng tâm khi Mỹ - đã có với Philippines những mối quan hệ rất chặt chẽ về mặt lịch sử - không có một cam kết rõ ràng về việc ứng cứu Philippines khi nước này xảy ra xung đột với Trung Quốc tại các hòn đảo nhỏ đang tranh chấp ở Biển Đông. Philippines thấy ở Nhật Bản một "nhân tố cân bằng" trong khu vực, nhất là trong vòng 5 năm nữa, theo kế hoạch Tokyo sẽ triển khai khoảng 20 máy bay tuần tra P-1 Kawasaki kiểu mới, có phạm vi hoạt động lớn gấp 2 lần máy bay Orion hiện thời. Trong khi đó, loại máy bay P3-C đã được sử dụng trong cuộc tập trận chung kể trên giữa Philippines và Nhật Bản cũng được xem như "trụ cột" trong tác chiến chống tàu ngầm của Nhật Bản.

Về mặt lý thuyết, các hoạt động đang được tăng cường của Nhật Bản ở Biển Đông sẽ giúp Mỹ "để mắt" tới các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại vùng biển trọng yếu này. Ngoài ra, Nhật Bản còn dự định tham gia các đội tuần tra trên không với Mỹ trong không gian Biển Đông. Trong những năm tới, theo tờ "Japan Times", có thể Tokyo sẽ tham gia các hoạt động giám sát và trinh sát ở Biển Đông cùng Mỹ, Australia, Philippines và các nước khác.

Trong lúc khả năng tham gia các hoạt động phối hợp nói trên còn đang được xem xét thì cuộc tập trận chung kể trên giữa Nhật Bản và Philippines được dư luận rộng rãi đánh giá là "sự tiến triển mới" của nền quốc phòng Nhật Bản, cho dù được thể hiện khá thận trọng. Tuy nhiên, điều đó cũng chứng tỏ quyết tâm của Tokyo muốn can dự ngày càng sâu vào hoạt động bảo đảm trật tự, an ninh của Philippines cũng như của khu vực.


TTK