12:14 17/12/2013

Nhật Bản thông qua chiến lược an ninh mới

Nhật Bản sẽ chi khoảng 24.700 tỷ yên để mua 3 máy bay không người lái, 99 xe chiến đấu diễn tập, 52 xe đổ bộ và 17 máy bay vận tải Osprey của Mỹ cho các Lực lượng Phòng vệ mặt đất và trên biển.

Ngày 17/12, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua chiến lược an ninh quốc gia mới, theo đó Tokyo sẽ tiếp tục tăng ngân sách cho quốc phòng trong vòng 5 năm tới. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh tình hình khu vực Đông Bắc Á căng thẳng sau khi Trung Quốc tuyên bố thành lập Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) gây nhiều tranh cãi vừa qua.

Trong chính sách an ninh quốc gia mới, Nhật Bản sẽ tìm kiếm vai trò an ninh "chủ động" hơn cho Lực lượng Phòng vệ (SDF) ở nước ngoài và sẽ vạch ra các phương hướng chỉ đạo mới về hoạt động xuất khẩu vũ khí, báo hiệu một sự chuyển đổi lớn từ chính sách hạn chế trước đó của Nhật Bản.

Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản triển khai hệ thống tên lửa Patriot ở Tokyo. Ảnh: AFP


Cụ thể, Nhật Bản sẽ chi khoảng 24.700 tỷ yên (khoảng 240 tỷ USD) cho ngân sách quốc phòng giai đoạn 2014-2019. Khoản ngân sách này sẽ được dùng cho việc mua 3 máy bay không người lái phục vụ hoạt động giám sát, mua 99 xe chiến đấu diễn tập, 52 xe đổ bộ và 17 máy bay vận tải Osprey của Mỹ cho các Lực lượng Phòng vệ mặt đất và trên biển, trang bị 28 máy bay chiến đấu tàng hình F-35, mua 3 máy bay tiếp liệu trên không và 4 máy bay cảnh báo sớm cho Lực lượng Phòng vệ trên không.

Ngoài ra, Nhật Bản sẽ thành lập đơn vị đổ bộ có khả năng tác chiến ở các đảo xa và phối hợp các chiến dịch của SDF nhằm tăng cường giám sát và phản ứng nhanh trước các biến cố bất ngờ.

Đây cũng là lần đầu tiên Chính phủ Nhật Bản tăng ngân sách dành cho quốc phòng sau 2 năm liên tiếp cắt giảm. Hiện ngân sách quốc phòng giai đoạn 5 năm, tính đến hết tháng 4/2014, của Nhật Bản là 23.500 tỷ yên.

Động thái trên được xem là quyết sách quốc phòng đầu tiên kể từ khi Nhật Bản chính thức thành lập Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) theo mô hình của Mỹ hôm 4/12 vừa qua. Việc Trung Quốc mới đây tuyên bố thành lập ADIZ trên biển Hoa Đông đã làm dấy lên quan ngại về những tình huống bất trắc có thể xảy ra giữa lúc Tokyo và Bắc Kinh đang xảy ra tranh cãi liên quan đến chủ quyền đối với quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Việc khởi động NSC được coi là một trong những trụ cột chính của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm chỉnh đốn lại thế trận quốc phòng và tăng cường các năng lực quốc phòng của SDF.


TTXVN/Tin tức