06:16 11/06/2012

Nhật Bản tái khởi động hai lò phản ứng hạt nhân

Ủy ban An toàn hạt nhân tỉnh Fukui (Nhật Bản) ngày 10/6 đã phê chuẩn việc tái khởi động 2 lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân Oi ở tỉnh này, sau khi đưa ra báo cáo đảm bảo an toàn.

Ủy ban An toàn hạt nhân tỉnh Fukui (Nhật Bản) ngày 10/6 đã phê chuẩn việc tái khởi động 2 lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân Oi ở tỉnh này. Báo cáo của các quan chức tỉnh Fukui  cho rằng các biện pháp đảm bảo an toàn đã được áp dụng.


Báo cáo cho biết đã kiểm tra lại kết quả điều tra của chính phủ về nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 và các biện pháp đối phó, như các cuộc kiểm tra an toàn và các biện pháp đảm bảo an toàn của Công ty Điện lực Kansai - KEPCO.


Báo cáo đánh giá cao các tiêu chuẩn mới của chính phủ để tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân và cho rằng các biện pháp đảm bảo an toàn của nhà máy điện hạt nhân đã được tăng cường, thậm chí cho dù có xảy ra động đất, sóng thần lớn như hồi tháng 3 năm ngoái, thì các biện pháp an toàn vẫn được đảm bảo.


Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cho rằng cần tái khởi động các lò phản ứng để tránh thiếu điện vào mùa hè này. Ảnh: THX/ TTXVN



Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ngày 8/6 cho rằng cần tái khởi động lò phản ứng số 3 và 4 của Nhà máy điện hạt nhân Oi để ngăn chặn tình trạng thiếu điện vào mùa hè này. Nếu được tái khởi động, đây sẽ là các lò phản ứng hạt nhân thương mại đầu tiên của Nhật Bản hoạt động trở lại sau sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 hồi tháng 3 năm ngoái.


Trong cuộc họp báo được truyền hình khắp cả nước hôm 8/6, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã kêu gọi toàn thể người dân Nhật Bản thông cảm rằng cần phải tái khởi động hai lò phản ứng hạt nhân đang bỏ không ở miền tây Nhật Bản để phục vụ đời sống của người dân cũng như nền kinh tế nói chung.


Lò phản ứng số 3 và 4 tại nhà máy điện hạt nhân Oi ở tỉnh Fukui phía Tây Nhật Bản cũng như toàn bộ 50 lò phản ứng hạt nhân của nước này đang phải đóng cửa, sau khi trận động đất và sóng thần hồi tháng 3 năm ngoái đã phá hủy 1 nhà máy điện ở quận Fukushima và gây ra một trong những thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất từ trước tới nay.


Thống đốc tỉnh Fukui, ông Issei Nishikawa, đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng của các giới chức địa phương và các nghị sĩ vốn lo ngại rằng chính sự yếu kém của chính phủ đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năm ngoái và nghi ngờ rằng chính phủ trung ương và địa phương chưa quan tâm đầy đủ tới hàng loạt vấn đề về tính an toàn của các lò phản ứng hạt nhân.


Mặc dù thừa nhận rằng dư luận về vấn đề này vẫn bị chia rẽ, Thủ tướng Nhật Bản nói khả năng thiếu điện sắp tới do tiêu thụ điện dự kiến tăng vọt vào mùa hè này phải là vấn đề cần được "ưu tiên" giải quyết. Ông nhấn mạnh thực tế rằng với toàn bộ các nhà máy điện của đất nước bị ngừng hoạt động - chủ yếu là do những lo ngại về an toàn nảy sinh sau khi xảy ra thảm họa ở Fukushima - các vùng phía tây Nhật Bản sắp phải đương đầu với việc thiếu điện từ 15-18% - một mức độ mà ông cho là "nghiêm trọng".


Thực tế, Công ty Điện lực Kansai, nơi cung cấp điện cho khu vực Kansai bao gồm quận Osaka, đang thúc giục các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân của mình phải cắt giảm tiêu dùng xuống ít nhất là 15% so với mức của hai năm trước.


Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định những lo ngại mà những người biểu tình bên ngoài Văn phòng Thủ tướng đưa ra là có cơ sở. Mặc dù các kế hoạch an toàn mới của Công ty Điện lực Kansai đối với hai lò phản ứng nói trên đã đưa ra những biện pháp cơ bản để đảm báo rằng các chức năng làm lạnh sẽ vẫn hoạt động được ngay cả khi nhà máy phải hứng chịu một trận động đất và sóng thần với quy mô và mức độ nguy hiểm tương tự như trận động đất-sóng thần trong thảm họa Fukushima, song hơn 30% công việc nâng cấp cần thiết của nhà máy Oi vẫn chưa được hoàn thiện.

Sean Toczko, chuyên gia tại Viện Khoa học Công nghệ Biển của Nhật Bản, nói: "Việc nâng cấp toàn diện các nhà máy điện hạt nhân đã ngừng hoạt động theo các tiêu chuẩn mới của trong nước và quốc tế đòi hỏi thời gian. Do đó chẳng có gì lạ khi người dân lo ngại các lò này được khởi động lại ngay sau khi vừa xảy ra một thảm họa hạt nhân lớn tới vậy. Việc này phải kéo dài tới 2015 hay lâu hơn nữa cho đến khi những công nghệ nhằm giảm bớt rò rỉ phóng xạ do tai nạn, những biện pháp phòng chống sóng thần thế hệ mới và những trung tâm ngăn chặn khủng hoảng phóng xạ tại chỗ sẵn sàng hoạt động. Do đó, nhà máy Oi còn lâu mới có thể đủ khả năng đối phó được với một cuộc khủng hoảng kiểu như Fukushima".


Theo các nguồn tin liên quan tới vấn đề này, vì sự chấp thuận của địa phương không phải là thủ tục pháp lý cho việc tái khởi động các lò hạt nhân bỏ không và nhiều vùng của Nhật Bản phải đối mặt với tình trạng thiếu điện trong mùa hè này, việc các lò phản ứng ở nhà máy Oi được đưa trở lại hoạt động sẽ là phép thử mức độ phản ứng của công luận trước khả năng khởi động các lò phản ứng ở những khu vực khác.

 

TTXVN/ Tin Tức