06:14 16/06/2020

Nhật Bản nêu lý do từ bỏ hệ thống phòng thủ của Mỹ

Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo quá trình triển khai đã buộc phải dừng lại do an nguy của cộng đồng dân cư xung quanh không được đảm bảo.

Chú thích ảnh
Hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất Aegis Ashore triển khai tại đảo Kauai (Hawaii). Ảnh: Kyodo

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 15/6 thông báo đã quyết định ngừng kế hoạch triển khai hai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore của Mỹ trên lãnh thổ nước này trước đó nhằm tăng cường năng lực quốc gia trước mối đe dọa Triều Tiên.

Bộ trưởng Taro Kono cho biết nguyên nhân dẫn tới việc dừng triển khai xuất phát từ việc không đảm bảo an toàn cho một trong hai cộng đồng dân cư được chọn làm nơi lắp đặt hệ thống. Trong khi đó, nếu như thiết kế lại phần cứng của hệ thống để đáp ứng nhu cầu, việc này sẽ mất nhiều thời gian và chi phí tốn kém.

“Cân nhắc chi phí và thời gian cần thiết, chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc buộc kế hoạch ngừng lại”, nhà chức trách nhấn mạnh.

Trong năm 2017, Chính phủ Nhật Bản thông qua dự án lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa, bao gồm tàu khu trục có trang bị hệ thống Aegis và tên lửa Patriot trên mặt đất nhằm nâng cao năng lực phong thủ của quốc gia. Hai hệ thống Aegis Ashore ban đầu được triển khai tại tỉnh Yamaguchi phía Nam và tỉnh Akita phía Bắc, với mục đích bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản. Tuy nhiên, kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa phải đối mặt với sự phản đối từ người dân địa phương và chi phí đội lên cao tới 4,1 tỷ USD.

Giới phê bình cũng cho rằng thay vì mục đích phòng vệ cho Nhật Bản, các hệ thống này được lắp đặt nhằm chặn các tên lửa tầm xa của Triều Tiên đánh trúng đảo Guam hay Hawaii của Mỹ, từ đó dấy lên nỗi lo can thiệp vào chuyện xung đột giữa các nước. Bộ trưởng Kono cho biết Nhật Bản đã chi trước 1,7 tỷ USD để lắp đặt các hệ thống.

Nhật Bản là quốc gia thứ 3 lắp đặt Aegis Ashore của Mỹ, sau Romania và Ba Lan. Tokyo chọn hệ thống Aegis Ashore thay hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) vì chi phí rẻ hơn và độ linh hoạt của thiết bị. Hệ thống THAAD lắp đặt tại Hàn Quốc cũng vấp phải sự phản đối từ Trung Quốc, khi Bắc Kinh coi đây là một mối đe dọa an ninh.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức