05:22 12/05/2011

Nhật Bản: Năng lượng hạt nhân tiếp tục đóng vai trò quan trọng

Ngày 10/5, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã khẳng định chính phủ sẽ tập trung vào việc sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh và thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Ngày 10/5, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã khẳng định chính phủ sẽ tập trung vào việc sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh và thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, theo giới phân tích, đó không phải là công việc đơn giản, vì vậy, nhiều khả năng năng lượng hạt nhân vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng ở Nhật Bản, ít nhất trong giai đoạn ngắn và trung hạn.

Khai thác năng lượng tái sinh

Phát biểu với các phóng viên sau khi Công ty Điện lực Chubu quyết định tạm ngừng hoạt động nhà máy điện hạt nhân Hamaoka, Thủ tướng Kan đã thừa nhận chính phủ Nhật Bản, vốn vẫn coi phát triển năng lượng hạt nhân là một quốc sách, phải chịu một phần trách nhiệm vì đã không ngăn chặn được cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.

Công nhân kiểm tra thiết bị thông gió trong tòa nhà chứa lò phản ứng số 1 tại nhà máy Fukushima, thị trấn Okuma, tỉnh Fukushima ngày 6/5. Ảnh (do Công ty điện lực Tokyo cung cấp)

Thủ tướng Kan nhấn mạnh chính sách năng lượng của nước này hiện vẫn phụ thuộc chủ yếu vào năng lượng hạt nhân và các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy, ông sẽ chuyển trọng tâm sang năng lượng thiên nhiên như năng lượng mặt trời, sức gió và nhiên liệu sinh khối.

Theo người đứng đầu chính phủ Nhật Bản, mặc dù quyết định này có thể làm gia tăng quan ngại về khả năng thiếu điện ở nước này nhưng vấn đề đó có thể tránh được với sự hỗ trợ của các công ty khác và thông qua các nỗ lực tiết kiệm năng lượng của khu vực tư nhân và người dân. Chính phủ dự kiến sẽ rà soát lại từ đầu chính sách năng lượng, trong đó có việc xem xét lại mục tiêu tăng tỷ trọng điện hạt nhân trong tổng nguồn cung điện năng từ khoảng 30% hiện nay lên mức 50% vào năm 2030. Bên cạnh đó, chính phủ đang cân nhắc mở rộng quy mô của thị trường năng lượng tái sinh lên 10.000 tỷ yên vào năm 2020.

Bộ trưởng Môi trường Ryu Matsumoto cho biết Thủ tướng Kan đã chỉ thị cho ông thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh. Chính phủ hy vọng sẽ lắp đặt các hệ thống sản xuất năng lượng tái sinh trong các ngôi nhà xây dựng cho những nạn nhân sóng thần ở khu vực đông bắc vì khu vực này rất phù hợp để phát triển điện mặt trời và phong điện. Bộ Môi trường ước tính sản lượng phong điện tối đa ở khu vực này sẽ vượt qua sản lượng của tất cả các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản.

Vẫn phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân

Giới phân tích cho rằng Nhật Bản chắc chắn sẽ vẫn phải phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân. Điều này phản ánh trong một tài liệu lưu hành nội bộ gần đây của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI).

Theo giới truyền thông Nhật Bản, tài liệu này cho rằng các nguồn năng lượng tái sinh rất tốn kém và cần phải lắp đặt nhiều hệ thống lưu điện để đảm bảo nguồn cung điện ổn định. Vì vậy, METI vẫn cân nhắc coi năng lượng hạt nhân là một trong ba trụ cột của chính sách năng lượng giai đoạn 2030-2050. Hai trụ cột khác của chính sách này là tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh và tăng cường các nỗ lực tiết kiệm năng lượng.

Tài liệu này khẳng định năng lượng hạt nhân có thể được coi là một trong những nguồn năng lượng tốt nhất của Nhật Bản trong tương lai nếu nước này theo đuổi sự an toàn tới mức tối đa. Vì vậy, tài liệu này nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp an toàn khẩn cấp cho các nhà máy điện hạt nhân và đảm bảo nguồn điện cho các lò phản ứng hiện nay.

Trước đó, vào tháng 6/2010, METI đã công bố kế hoạch tăng tỷ lệ tự đảm bảo điện năng của Nhật Bản lên mức 70% vào năm 2030 và khẳng định năng lượng hạt nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch này.

Nhật Bản đã bắt đầu chương trình nghiên cứu hạt nhân vào năm 1954. Nhà máy điện hạt nhân thương mại đầu tiên đã bắt đầu hoạt động ở Nhật Bản vào giữa năm 1966. Sự phụ thuộc của Nhật Bản vào năng lượng hạt nhân đã bắt đầu tăng kể từ sau “cú sốc dầu mỏ” năm 1973. Trong những năm gần đây, điện hạt nhân không chỉ được coi là nguồn năng lượng quan trọng của Nhật Bản mà còn được coi là công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu cắt giảm khí CO2 của nước này.

Hiện nay, Nhật Bản có 54 lò phản ứng hạt nhân, với sản lượng chiếm khoảng 30% tổng cung điện năng ở nước này.

Trước thảm họa kép vừa qua, Nhật Bản hy vọng sẽ tăng tỷ lệ này lên khoảng 50% vào năm 2030 và giảm tỷ lệ phát điện bằng dầu nhiên liệu từ 13% trong năm 2010 xuống còn 5% trong năm 2019. Tuy nhiên, Thủ tướng Kan cho biết Chính phủ sẽ phải từ bỏ kế hoạch này.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, điều này không đồng nghĩa với việc Chính phủ sẽ đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân. Nhiều khả năng Chính phủ sẽ tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn và an ninh cho các nhà máy điện hạt nhân hiện có và tạm ngừng cấp phép cho các dự án mới.

Mặt khác, kết quả điều tra dư luận trong tháng 4/2011 của đài truyền hình NHK cũng cho thấy có 42% trong số 1.131 người được hỏi cho rằng các lò phản ứng hạt nhân cần tiếp tục tồn tại, trong khi chỉ có 32% yêu cầu Chính phủ giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân và 12% kêu gọi xóa sổ tất cả các nhà máy điện hạt nhân.

Thanh Tùng (P/v TTXVN tại Nhật Bản)