04:08 04/04/2012

Nhật Bản khó đánh chặn tên lửa Triều Tiên

Hãng Kyodo cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ điều động 450 lính tên lửa xuống đảo Ishigaki (tỉnh Okinawa) để sẵn sàng đánh chặn tên lửa mà Triều Tiên định phóng, nếu nó gây nguy hiểm cho nước này.

Hãng Kyodo cho biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ điều động 450 lính tên lửa xuống đảo Ishigaki (tỉnh Okinawa) để sẵn sàng đánh chặn tên lửa mà Triều Tiên định phóng, nếu nó gây nguy hiểm cho nước này. Ngoài ra, hơn 200 binh sĩ khác sẽ tới đảo Miyako để triển khai các tên lửa đánh chặn đất đối không PAC3 chủ yếu ở Okinawa.

Nhật Bản cũng đang cho triển khai 100 binh sĩ tại căn cứ Naha của Lực lượng phòng vệ trên không (ASDF) và căn cứ tàu ngầm Chinen ở Nanjo trên đảo Okinawa. Trên đảo Yonaguni, nơi các bệ phóng tên lửa PAC3 được triển khai, 50 lính tên lửa cũng đã trong tư thế sẵn sàng phản ứng.

Giàn phóng tên lửa đánh chặn Patriot PAC3 được Nhật Bản triển khai trước vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ảnh: internet


Tuy vậy, ngày 2/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Naoki Tanaka đã thừa nhận, nước này có khả năng không thể bắn hạ được tên lửa Triều Tiên. Phát biểu trong phiên họp của Ủy ban Ngân sách Thượng viện Nhật Bản, Bộ trưởng Tanaka cho biết, tên lửa Triều Tiên vẫn có thể rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản vì “việc triển khai tàu khu trục Aegis hay hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo đất đối không PAC3 cũng không thể bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản”. Như vậy, trong trường hợp hệ thống tên lửa tấn công SM3 trang bị trên các tàu khu trục Aegis thất bại trong việc đánh chặn, tên lửa Triều Tiên có khả năng sẽ rơi xuống một khu vực ngoài tầm bao phủ của hệ thống PAC3 tại đảo Okinawa và vùng thủ đô Tôkyô.

Trước đó, hôm 30/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Naoki Tanaka đã ra lệnh đánh chặn bất cứ mảnh vỡ nào từ tên lửa của Triều Tiên rơi vào lãnh thổ Nhật Bản. Lệnh trên được đưa ra sau khi Triều Tiên tuyên bố sẽ phóng một vệ tinh, mà nhiều nước coi thực chất là một cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa, trong khoảng thời gian từ ngày 12-16/4.

Ngày 3/4, Nhật Bản cũng đã bác bỏ lời mời từ phía Triều Tiên về việc cử quan sát viên giám sát hoạt động phóng vệ tinh. Nhằm gây sức ép hơn nữa với Triều Tiên, cùng ngày, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết, Tôkyô đã quyết định gia hạn thêm một năm các biện pháp trừng phạt Triều Tiên do "không có tiến triển trong giải quyết vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản trước đây".

Trong một động thái đầy lo ngại của cộng đồng quốc tế về kế hoạch của Triều Tiên, Cơ quan hàng không dân dụng Philíppin ngày 3/4 thông báo sẽ thay đổi các chuyến bay đến và đi từ Nhật Bản và Hàn Quốc vào thời điểm Triều Tiên dự kiến phóng vệ tinh, do lo ngại những mảnh vỡ của tên lửa.

Mối lo lắng của khu vực càng gia tăng sau khi tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc) đưa tin Triều Tiên đang phát triển một loại tên lửa còn lớn hơn tên lửa tầm xa mà Bình Nhưỡng chuẩn bị phóng trong tháng này. Theo nguồn tin trên, các vệ tinh do thám của Mỹ gần đây đã phát hiện một tên lửa dài 40 mét tại một cơ sở nghiên cứu và phát triển ở Bình Nhưỡng. Tên lửa này lớn hơn tên lửa Taepodong-2 hiện nay. Các quan chức Hàn Quốc và Mỹ cho rằng, Bình Nhưỡng sẽ giới thiệu tên lửa này trong buổi diễu binh vào ngày 15/4 nhân kỷ niệm ngày thành lập quân đội Triều Tiên.

Tên lửa Triều Tiên chuẩn bị phóng vào trung tuần tháng tư dài 32 mét, tương đương với tên lửa Taepodong-2 (có tầm bắn tối đa 6.700 km) được phóng hồi tháng 4/2009. Tên lửa mới này được cho là lớn hơn và có tầm bắn tối đa hơn 10.000 km, đủ khả năng vươn tới đất Mỹ.

Hữu Thắng (P/v TTXVN tại Nhật Bản) -TL