01:15 15/01/2015

Nhật Bản đặt chân vào thị trường xuất khẩu vũ khí

Tháng 7/2014, Nhật Bản tuyên bố cung cấp các cấu phần của tên lửa đánh chặn cho Mỹ và chuyển giao công nghệ liên quan đến các thiết bị cảm biến cho Anh.

Theo mạng tin "Nhà Ngoại giao" ngày 15/1, lệnh cấm xuất khẩu vũ khí mà Nhật Bản tự áp đặt cho mình được khởi xướng một cách sơ lược vào năm 1967, dựa trên "ba nguyên tắc", trong đó quy định không xuất khẩu vũ khí cho các nước cộng sản, các nước bị Liên hợp quốc (LHQ) cấm vận về vũ khí và các nước đã hoặc có khả năng sẽ tham gia vào các cuộc xung đột quốc tế.

Chính sách này sau đó đã phát triển thành một lệnh cấm xuất khẩu vũ khí chặt chẽ, chỉ với một vài ngoại lệ cho phép chuyển giao công nghệ cho Mỹ. Tuy nhiên, lệnh cấm này đã bị Thủ tướng Shinzo Abe xóa bỏ hồi tháng 4/2014.

Theo chính sách mới, Nhật Bản sẽ tiếp tục hạn chế xuất khẩu vũ khí sang các quốc gia chịu lệnh cấm vận của LHQ (đặc biệt là Iran và Triều Tiên) hoặc đang dính líu vào các cuộc xung đột, nhưng sẽ được phép xuất khẩu trong các trường hợp được coi là đóng góp cho hòa bình thế giới và phục vụ lợi ích an ninh của Nhật Bản. Chính phủ của ông Abe cũng sẽ tìm cách làm cho quá trình xuất khẩu quốc phòng và hợp tác công nghệ trở nên minh bạch hơn và để vũ khí của họ sẽ không được bán cho các bên thứ ba.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm căn cứ không quân Hyakuri của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tại tỉnh Ibaraki ngày 26/10/2014. Ảnh: AFP/TTXVN


Sau khi dỡ bỏ lệnh cấm này, thỏa thuận vũ khí lớn đầu tiên đã được phê chuẩn vào tháng 7/2014, khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố việc cung cấp các cấu phần của tên lửa đánh chặn cho Mỹ và chuyển giao công nghệ liên quan đến các thiết bị cảm biến cho Anh. Những thương vụ như vậy rõ ràng có ý nghĩa quan trọng về thương mại và công nghệ. Tuy nhiên, nó còn phải được hiểu như một phần của trò chơi địa chính trị lớn hơn mà Nhật Bản đang tiến hành nhằm tăng cường an ninh của mình bằng cách hợp tác với các quốc gia có cùng chí hướng. Một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhận xét: "Tôi tin rằng bằng cách cung cấp các hợp phần này, mối quan hệ của chúng tôi với Mỹ sẽ tiếp tục được cải thiện".

Đề xuất cung cấp tàu ngầm trị giá 20 tỷ USD giữa Nhật Bản và Australia, từng được các phương tiện truyền thông quốc tế đề cập nhiều hồi mùa thu năm ngoái, cũng bắt nguồn từ lối tư duy này. Nhật Bản và Australia đều háo hức muốn Mỹ duy trì cam kết đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và một thỏa thuận về tàu ngầm sẽ hoàn thành mục tiêu này bằng cách cho thấy rằng Nhật Bản và Australia là các bên liên quan có trách nhiệm đối với an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thỏa thuận này sẽ giúp ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản trở nên cạnh tranh và hiệu quả hơn, và giúp giảm thiểu lỗ hổng về năng lực dưới biển của Australia, khi tàu lớp Collins của nước này dự kiến sẽ ngừng hoạt động vào năm 2025. Tuy nhiên, những thách thức cả về mặt chính trị lẫn kỹ thuật vẫn còn tồn tại, và các chuyên gia quốc tế cho rằng Nhật Bản cần phải tạo được một hệ thống pháp lý và kỹ thuật mới để có thể xuất khẩu một "bàn đạp" quan trọng như vậy.

Tuần qua, Nhật Bản đã bày tỏ sự quan tâm đối với việc hợp tác với Pháp. Các biện pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản và gia tăng hợp tác về nghiên cứu trong lĩnh vực này sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị 2+2 vào tháng 3 tới. Hai bên quan tâm đến việc phát triển các loại thiết bị không người lái dưới nước và các loại robot có thể hoạt động trong môi trường phóng xạ. Nhật Bản đã tỏ ra quan tâm đặc biệt tới việc đảm bảo để quan hệ hợp tác này sẽ không mang lại lợi ích cho các đối thủ của Nhật Bản, bởi trước đó Pháp đã cung cấp vũ khí cho Trung Quốc.

Máy bay săn tàu ngầm P-1 của Nhật Bản.


Nhật Bản cũng đã đề nghị Anh mua máy bay săn tàu ngầm P-1 của họ để thay thế loại Hawker Siddeley Nimrod do Anh chế tạo. Mặc dù P-1 sẽ phải cạnh tranh với P-8 Poseidon của Boeing để đạt được một thỏa thuận có thể lên đến 1 tỷ USD, đối với các ngành công nghiệp quốc phòng bị cách li của Nhật Bản, chỉ cần được coi là một ứng cử viên đáng tin cậy cũng là một thành công đáng kể.

Tất nhiên Trung Quốc không hài lòng với những phát triển nói trên. Tháng 4/2014, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi từng nhận xét: "Những thay đổi về chính sách của Nhật Bản trong lĩnh vực quân sự và an ninh liên quan đến môi trường an ninh và sự ổn định chiến lược của toàn khu vực. Vì lý do lịch sử, các chính sách an ninh của Nhật Bản luôn được các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế theo dõi một cách sát sao…". Trung Quốc lo ngại rằng những bước đi mới của Nhật Bản trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng đang trực tiếp chống lại Bắc Kinh.

Sự không hài lòng thậm chí còn được thể hiện ngay tại các công ty quốc phòng của Nhật Bản. Không giống như các tổ hợp công nghiệp quốc phòng khác trên thế giới, các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản dường như đang muốn giữ chặt nền hòa bình thời hậu chiến của Nhật Bản. Tờ "Bưu điện Washington" từng nhận xét rằng "các quan chức tại các công ty quốc phòng lớn thậm chí đã không muốn thảo luận về triển vọng mở rộng xuất khẩu quốc phòng của họ. Họ chỉ đơn giản nói rằng họ sẽ làm điều đó nếu được chính phủ yêu cầu".

Trước khi thuyết phục các chính phủ nước ngoài mua vũ khí của Nhật Bản, có lẽ ông Abe cần giải thích để người dân Nhật Bản hiểu rằng việc mở rộng ngành công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản và sự phổ biến của vũ khí Nhật Bản trên thế giới sẽ có lợi cho chính Nhật Bản và giúp mang lại hòa bình cho thế giới.


TTK